Làng nghề vào tết

ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN 27/01/2021 13:54

(QNO) - Khi tết cận kề cũng là lúc các làng nghề truyền thống xứ Quảng bận rộn hơn thường ngày. Họ tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để cung cấp cho thị trường những sản phẩm truyền thống, vừa tạo thu nhập khá vừa góp phần gìn giữ hương vị tết cổ truyền.

Dịp Tết, mỗi cơ sở bánh ở thôn An Lạc sẽ cho ra lò khoảng 100kg bánh các loại. Ảnh: Đ.Q
Người dân thôn An Lạc, xã Duy Thành (Duy Xuyên) làm bánh in phục vụ Tết Tân Sửu. Ảnh: Đ.Q

Đôi tay thoăn thoắt ép bột bánh vào khuôn, ông Huỳnh Quang Trung (thôn An Lạc, xã Duy Thành, Duy Xuyên) cho biết, việc làm bánh in theo đơn hàng dịp tết của các hộ làm bánh nơi đây bắt đầu từ đầu tháng Chạp. Mỗi ngày, Cơ sở sản xuất bánh Tường Vy của ông Trung làm khoảng 100kg bột bánh, sản xuất 2 loại: bánh in và bánh đậu xanh nướng.

“So với ngày thường, dịp tết năng suất tăng gấp 3 lần. Dự kiến đến 25 tháng Chạp này chúng tôi hoàn tất đơn hàng cho khách. Năm nay, tuy đơn hàng có giảm hơn so với năm ngoái nhưng cũng giúp chúng tôi có thu nhập khá” - ông Huỳnh Quang Trung cho biết.

Hiện tại, khoảng 10 cơ sở sản xuất bánh in, bánh đậu xanh ở thôn An Lạc hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Mỗi cơ sở sẽ cho ra lò khoảng 4 - 5 tấn bánh các loại như bánh in, bánh đậu xanh, bánh nổ...

Hối hả đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: Đ.Q
Đóng gói sản phẩm để giao khách hàng. Ảnh: Đ.Q

Tương tự, tại làng nghề nước mắm An Lương (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên), 4 cơ sở sản xuất nước mắm của thôn cũng hối hả cho vụ tết. Với các đơn hàng mua sỉ ở xa, các cơ sở đã đóng thùng gửi đi từ đầu tháng Chạp. Còn hiện tại, các cơ sở nước mắm ở An Lương chủ yếu cung cấp cho khách hàng là đại lý nhỏ ở địa phương và vùng lân cận như Hội An, Đại Lộc, Đà Nẵng…

“Mỗi năm cơ sở gia đình tôi sản xuất 40 - 50 nghìn lít nước mắm thì khoảng 30 - 40% sản lượng tiêu thụ trong dịp tết. Năm nay để hút khách, ngoài việc nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi cũng nâng cấp mẫu mã sản phẩm” - bà Nguyễn Thị Lanh, Cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh (thôn An Lương) nói.

Những người làm nước mắm của làng An Lương cho biết, sở dĩ nước mắm của làng được ưa chuộng vì có mùi thơm nồng nhưng không gắt của cá cơm, vị đậm đà. “Chúng tôi chọn nguồn nguyên liệu cá cơm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Cửa Đại vì cá khai thác vùng này rất ngon, hợp để đem đi muối. Cùng với đó, ủ trong thùng gỗ sồi để cho ra nước mắm nhĩ hảo hạng. Đây là lý do dịp tết có rất nhiều khách hàng chọn nước mắm An Lương để sử dụng” - anh Phạm Văn Bình (thôn An Lương) khẳng định.

Thay đổi mẫu mã theo nhu cầu của khách hàng và chủ động tìm kiếm nhóm khách hàng mới giúp Làng gốm Thanh Hà vượt qua khó khăn. Ảnh: Đ.Q
Thay đổi mẫu mã và chủ động tìm kiếm nhóm khách hàng giúp làng gốm Thanh Hà vượt qua khó khăn. Ảnh: Đ.Q

Còn tại làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An), năm 2020 vắng khách du lịch nên làng nghề trầm lắng. Dẫu vậy, nhiều thợ nặn gốm đã nhanh chóng thích ứng, tìm hướng đi mới cho nghề.

Tranh thủ thời gian vắng khách tham quan, chị Võ Tấn Kim Chi (khối phố Nam Diêu) làm khoảng 1.000 sản phẩm nhiều mẫu mã để chuẩn bị cho đợt bán sau rằm tháng Giêng. Cùng với đó, chị cũng cho ra lò, giao khoảng 300 sản phẩm cho khách hàng phía Bắc.

“Mình chủ động tìm kiếm khách hàng, giới thiệu các mẫu mã phù hợp dịp tết như tượng trâu, nồi, bếp đất… Nhờ đó mà dịp tết này tôi và nhiều người ở làng gốm có được đơn đặt hàng từ các đơn vị tổ chức sự kiện, nhà hàng, khách sạn ở nhiều tỉnh, thành. Năm nay dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến làng nghề nên thu nhập giảm sâu. Hy vọng qua Tết Tân Sửu, chúng tôi sẽ đón khách đông đúc để làng nghề chộn rộn như các năm” - chị Chi chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề vào tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO