Lão nông Năm Nhơn giỏi sáng chế

NGUYỄN QUỲNH - BÙI HUÂN 23/06/2021 14:05

(QNO) - Tự mày mò sáng chế ra dây chuyền tráng bánh, làm mỳ khô tự động, ông Ngô Văn Nhơn (55 tuổi, thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, Phú Ninh) từ một nông dân bình thường đã gầy dựng nên thương hiệu sản phẩm mỳ sợi khô, bánh tráng đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Ông Nhơn bên các sản phẩm của mình. Ảnh: H.Q
Ông Nhơn bên các sản phẩm của mình. Ảnh: H.Q

Đang vận hành máy vo gạo chuẩn bị làm mẻ bánh tráng trong ngày, ông Nhơn chia sẻ, trước năm 1994 gia đình ông chuyên làm bún tươi để bán sỉ và lẻ cho người dân trong thôn và các xã lân cận. Nghề sản xuất bún tuy có đồng vào đồng ra giúp gia đình có thêm nguồn kinh phí trang trải nhiều thứ nhưng khá vất vả và bấp bênh, nên ông đã tạm dừng sản xuất trong hơn một năm và lưu lạc nhiều nơi làm phụ hồ kiếm sống...

“Tình cờ lúc đi phụ hồ thì tôi chứng kiến được các công đoạn làm bún bằng máy, năng suất lại cao hơn nhiều so với cách làm thủ công truyền thống nên khi về quê tôi đã thay đổi tư duy, tự học hỏi và mạnh dạng đầu tư hơn 600 triệu đồng mua vật liệu, chế tạo thành công 5 chiếc máy chuyên dùng và dây chuyền tự động để sản xuất mỳ sợi khô, bánh tráng mang thương hiệu Năm Nhơn” – ông Nhơn cho biết.

Cơ sở sản xuất Năm Nhơn với dây chuyền sản xuất đều được tự động hoá. Ảnh: H.Q
Cơ sở sản xuất Năm Nhơn (xã Tam Thành) với dây chuyền sản xuất đều được tự động. Ảnh: H.Q

Từ khi cơ sở Năm Nhơn áp dụng máy móc vào sản xuất mỳ và bánh tráng thì năng suất đã đạt gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở này xuất bán khoảng 5 tấn mỳ khô và hơn 1 triệu chiếc bánh tráng khô. Thu nhập bình quân mỗi năm sau khi trừ hết các khoản chi phí đem lại cho gia đình ông Nhơn hơn 200 triệu đồng.

Chiếc bánh được tráng được cắt ra từ một khâu tự động do máy móc đảm nhiệm
Chiếc bánh được tráng được cắt ra từ một khâu tự động do máy móc đảm nhiệm

Sản phẩm mỳ khô, bánh tráng tại cơ sở Năm Nhơn được làm ra đẹp mắt, thơm ngon và đảm bảo chất lượng. Bánh tráng xong, phơi trong 1 buổi sẽ đóng gói còn mỳ khô thì phơi vừa héo và ủ qua 1 đêm mới đem cắt sợi.

Ông Nhơn chia sẻ thêm, tuy mỗi chiếc máy mà ông chế ra đều có công năng riêng nhưng đều kết hợp và phát huy được khi gộp vào dây chuyền sản xuất và đạt năng suất rất cao. Khi có các loại máy tự động này, ông vừa tiết kiệm được thời gian ra lò của sản phẩm, gạo vo bằng máy cũng sạch hơn và để được lâu không bị ôi thiu, giúp chất lượng sản phẩm thơm ngon hơn nhiều. Ông Năm Nhơn còn sáng chế ra thiết bị nướng bánh tráng hàng loạt, khá nhanh và tiện lợi, chiếc bánh nướng ra đủ độ giòn, thẳng, dễ dàng cho vào bịch ni lông để chuyển đi xa....

Bánh tráng được phơi nắng 1 buổi trước khi thành phẩm. Ảnh: H.Q
Bánh tráng được phơi nắng 1 buổi trước khi thành phẩm. Ảnh: H.Q

Sản phẩm bánh tráng, mỳ khô của ông Nhơn ngày càng được tiêu thụ rông rãi trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành như Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh….

Clip quy trình sản xuất bánh tráng:

Cạnh đó, ông còn chuyển giao dây chuyền tự động sản xuất bánh tráng, mỳ khô cho một số người dân địa phương và các tỉnh thành phía bắc.

Ông Võ Tư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thành nhận xét: “Ông Nhơn là một nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương, cơ sở sản xuất Năm Nhơn của ông có sản phẩm mỳ khô đã đạt chuẩn OCOP 3 sao đầu năm 2021. Cơ sở này còn tạo công ăn việc làm cho 3 – 5 lao động thường xuyên, với mức lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Với sự sáng tạo, tư duy làm ăn mà những năm qua ông Nhơn đã được tặng nhiều bằng khen tuyên dương của cấp xã, huyện và tỉnh”.  

Bạn đọc quan tâm mô hình của ông Ngô Văn Nhơn, xin tìm đến địa chỉ: thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh. Điện thoại ông Nhơn 036.477.2192. Địa chỉ facebook: https://fb.com/Bánh-Tráng-Nướng-Mì-Khô-Năm-Nhơn-104596084622659/

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lão nông Năm Nhơn giỏi sáng chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO