Lơ lửng giữa tầng không...

ĐẶNG TRƯƠNG 30/03/2023 07:38

Thời điểm “vàng” của mùa xây dựng, đến đâu cũng cảm nhận được không khí hối hả, tất bật của người thợ trên công trình. Những ồn ào, bụi bặm thường nhật của nghề dường đã trở nên quá quen với cánh thợ xây. Đến cả công việc đu đưa giữa tầng không, khoác lên chiếc áo mới cho công trình… cũng trở nên bình thường giữa cuộc mưu sinh.

Lao động nghề sơn nước đánh đu số phận... Ảnh: N.K
Lao động nghề sơn nước đánh đu số phận... Ảnh: N.K

Đánh đu số phận

Tôi gặp Nguyễn Văn Thanh và nhóm thợ của anh từ quê nhà xã Quế An (Quế Sơn) xuống Tam Kỳ làm nghề sơn nước lúc các anh vừa nghỉ giải lao sau một cuộc đu đưa với những mảng tường.

Gần 10 năm nay, khi rời tay khỏi cái cuốc và luống cày quen thuộc của nhà nông, Thanh đã dấn thân với nghề sơn nước, làm cuộc “lơ lửng” giữa tầng không, khoác áo mới cho biết bao công trình nhà cao tầng. Ngần ấy năm làm nghề là bấy thời gian Thanh và anh em trong hội thợ sơn nước Quế An đánh cược số phận của mình cho những rủi ro có thể xay ra bất cứ lúc nào.

Nhớ lại ngày đầu chân ướt chân ráo theo anh em từ quê ra phố lăn lộn với nghề sơn nước, Thanh không khỏi rùng mình bởi cảm giác ớn lạnh khi phải chót vót ở độ cao.

Thanh bảo, từ nơi tầng không ấy, phóng tầm mắt xuống phía dưới là con đường, cảnh vật, xe cộ, con người đang rậm rịch dịch chuyển như đàn kiến nhỏ. Cảm giác hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp trong lồng ngực cứ lặp đi lặp lại suốt những cú “đánh đu” đầu tiên trong nghề.

Nhiều bạn thợ của anh không trụ được đành vác ba lô quay về với ruộng vườn hay chấp nhận những công việc đơn giản, thu nhập thấp cho lành. Riêng Thanh dần vượt được những trở ngại để trụ lại với nghề. Vả lại, yêu cầu chi tiêu của cuộc sống, con cái học hành mỗi ngày một cao, đòi hỏi người lao động chính trong gia đình như Thanh phải chấp nhận khó khăn, thách thức để kiếm tiền.

Lao động nghề sơn nước đánh đu số phận... Ảnh: N.K
Lao động nghề sơn nước đánh đu số phận... Ảnh: N.K

Anh Huỳnh Văn Tấn (xã Tam Lộc, Phú Ninh) kể, lần đầu tiên vào nghề với một nỗi sợ vẫn còn in đậm trong tâm khảm. Bữa đó là một ngày mùa hè nắng gắt trên công trường tòa nhà 10 tầng đang bước vào khâu hoàn thiện. Tấn mang dụng cụ hành nghề theo chân anh bạn dạn dày kinh nghiệm cùng quê, lên tầng để bắt đầu ngày làm việc thường nhật.

Bạn anh sau khi hướng dẫn tận tình cách thắt dây đai an toàn, thao tác với ròng rọc theo chiều từ trên xuống, cách pha chế lượng sơn, đánh xi mái tường… kèm câu động viên khích lệ “lính mới” nhẹ tênh “Việc dễ, tiền nhiều, bắt tay vô mần kiếm tiền thôi…” rồi đu mình như con nhện giữa không trung. Anh ngồi gọn gàng trên một tấm ván gỗ nhỏ, bên hông đeo thùng sơn nước, cứ thế di chuyển thoăn thoắt để sơn hết mảng tường này đến mảng tường khác.

Tấn đứng như trời trồng giữa cái nắng hè bắt đầu oi bức, phóng tầm mắt nhìn xuống dưới, một nỗi sợ từ đâu ùa về xâm lấn cảm giác của anh. Đã xác định từ đầu là công việc không hề dễ dàng, đã lường trước mọi khó khăn thách thức phải đương đầu… nhưng có lẽ mãi đến khi đứng từ tầng 10 tòa nhà này, Tấn mới thấm hết cái khó và hiểm nguy của nghề. Tấn bảo, nghề sơn nước, bên cạnh rèn luyện tay nghề sơn để trở thành một “họa sĩ” của những bức tường thì cần một cái đầu lạnh, một dũng khí khác thường.

Ví như anh, cái ngày đầu đó không vượt qua được cảm giác sợ hãi thì có lẽ mãi mãi chẳng trụ bám được lâu dài với công việc này. Nhiều thợ sơn nước khẳng định với chúng tôi rằng, nghề này là nghề đánh cược với tử thần. Người thợ tự thắt dây đai an toàn và tự mở dây đai khi xong việc. Cái thắt và mở ấy như trò chơi đánh đu số phận…

Bài toán an toàn

So với những công việc khác trong xây dựng, nghề sơn nước khá nguy hiểm nên thu nhập cao hơn mức trung bình. Chẳng hạn, một người thợ xây chính, một ngày làm việc được trả lương 400.000 đồng, không bao ăn thì người thợ sơn nước được trả công 500.000 - 550.000 đồng.

Anh Lê Văn Hùng (quê xã Điện Phước, Điện Bàn) đã 7 năm làm thợ sơn nước cho biết: “Làm nghề này, chúng tôi thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng lại chịu ảnh hưởng sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng. Cách đây khoảng 4 tháng, có một người trong nhóm thợ do sơ suất nên bị trượt chân rơi từ tầng 3 xuống đất, rất may chỉ bị gãy tay...”.

Thợ sơn Nguyễn Văn Thanh kể, hầu như cánh thợ sơn nước không được ký hợp đồng lao động, không được đóng các loại bảo hiểm và không được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi đa số lao động theo thời vụ, không chuyên nghiệp, nay đây mai đó, chỗ nào có công trình, cần thợ sơn nước là tìm tới đăng ký làm việc. Chính vì thế, đa số người làm nghề này đều không được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định nên mối nguy hiểm luôn rình rập họ.

Anh Thanh nói, người thợ sơn luôn tự trang bị cho mình kinh nghiệm xử lý hướng gió và thiết bị chuyên dùng để đảm bảo an toàn. Trong khi làm nhiệm vụ người thợ sơn không thể đi theo hướng ngược lên trên được, nên Thanh nói, cần lưu ý đến việc hoàn tất công việc trọn vẹn cho từng công đoạn…

Để bảo đảm an toàn lao động, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng thuê lao động làm nghề sơn nước mà không trang bị bảo hộ lao động, không thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động, chủ doanh nghiệp về an toàn lao động. Có như vậy mới tránh được những tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lơ lửng giữa tầng không...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO