Nam Giang bộn bề sau bão lũ (clip)

VĨNH LỘC 31/10/2020 18:30

(QNO) – Những cơn mưa nặng hạt càng khiến việc dọn dẹp sau bão lũ của người dân Nam Giang thêm khó khăn chồng chất. Tình hình càng bức bách hơn khi cơn bão số 10 đang dần hình thành trên Biển Đông.  

Tất cả tài sản của chị Lê Thị Mỹ Tiên đã bị ngấm bùn non do thủy điện xả lũ
Tất cả tài sản của chị Lê Thị Mỹ Tiên đã bị ngấm bùn non do thủy điện xả lũ.

Gượng dậy 

Trưa 31.10, thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ vẫn ngổn ngang bùn, rác. Những tấm chăn nệm, áo quần bê bết đất vương vãi dưới mưa. Trong ngôi nhà trống rỗng vẫn còn ẩm ướt sau cơn lũ lịch sử, anh Ka Hiên Bim rửa nắm tép khô bỏ vào nồi, chuẩn bị cho buổi cơm của gia đình. Hai đứa con anh, lớn 3 tuổi, nhỏ hơn 1 tuổi thèm thuồng chờ đợi.

“Nhà không còn gì ăn cả, hàng xóm mới cho chừng này lúc sáng. Lũ về nhanh quá, mình không kịp dọn gì chỉ vơ vội cái mền ôm 2 đứa con chạy về hướng đồi cao thôi” - anh Bim kể về cơn lũ xảy ra chiều 28.10.

Nhà kế bên, chị Bhờ Nướch Thị Tính ngồi cặm cụi kỳ cọ chiếc thau nhôm cũ. Căn nhà chỉ còn trơ lại khung sườn gỗ được giăng dây ngang làm chỗ phơi mền. Ngoài sân, con gấu bông ướt nhẹp, bết bùn non; chiếc nồi cơm điện nằm lẫn trong đống áo quần bầy nhầy. Phải mất vài ngày nữa nhà chị Tính mới có thể dọn dẹp xong.

Ông Lê Văn Lai khẳng định lũ lụt do Thủy điện Đắk Mi 4 gây ra
Ông Lê Văn Lai khẳng định lũ lụt có tác động trực tiếp của việc Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ.

Cơn lũ chiều 28.10 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người dân huyện Nam Giang, bởi trước đó không ai tin rằng thủy điện có thể xả lũ ngay sau cơn bão số 9 khi mã sự đề phòng đang tập trung vào cơn bão.

Theo ông Lê Văn Lai – Phó Bí thư Thị trấn Thạnh Mỹ, hơn 30 năm sinh sống tại thôn Hà Ra, thị trấn Thạnh Mỹ, lần đầu tiên ông thấy một cơn lũ quái ác như vậy. “Trên trời thì tôn bay, mưa gió quầng, bên dưới nước ầm ào đổ về, dân không biết chạy đi đâu, cũng may chưa có thiệt hại về người. Theo tôi, việc thủy điện xả lũ vừa qua quá nguy hiểm” - ông Lai bức xúc.

Ông Đinh Hữu Tấn – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi thừa nhận, do mưa quá nhanh, quá nhiều nên thủy điện phải xả nước nhanh gấp, nhưng cũng chỉ xả khoảng một nửa lúc đỉnh lũ, tức hơn 7 triệu m3 so với gần 16 triệu m3 nước về.

“Đây là vấn đề thiên tai nên công ty cũng cùng với địa phương chia sẻ nguyên nhân. Thứ hai tuần tới (2.11), huyện Nam Giang sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra thiệt hại đơn vị cũng sẽ cử người cùng tham gia để xác định thiệt hại cụ thể” - ông Tấn nói.

Vợ con anh Ka Hiên Bim  trong căn nhà trống rỗng
Vợ con anh Ka Hiên Bim trong căn nhà trống rỗng.

Chạy đua với thời gian

Theo ông Đinh Hữu Tấn, việc thông báo xả lũ không phải nói bao nhiêu là xả bấy nhiêu mà còn phụ thuộc vào thời tiết, lượng mưa nên phải thông báo khoảng cao nhất có thể để dưới hạ du phòng tránh. Đặc biệt, việc xả lũ hoàn toàn tuân thủ theo quy định của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của tỉnh.

Hầu hết người dân bị ảnh hưởng từ việc Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ cho rằng, việc đơn vị này xả lũ trong lúc bão chưa tan là không hợp lý nên phải đền bù thiệt hại. Chị Lê Thị Mỹ Tiên, thôn Hà Ra, thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ, trong tình cảnh nước lũ lên nhanh như vừa qua, thoát được thân đã là may mắn, tất cả tài sản phải đành bỏ lại.

Gom nhặt sách vở còn lại sau cơn lũ
Bà con gom nhặt sách vở của con em còn lại sau cơn lũ.

Chị Tiên làm nghề may nên thiệt hại do lũ rất nặng nề. Ngoài 5 chiếc máy may bị ngấm nước thì tất cả vải, chỉ may, vật dụng, áo quần, mền mùng, bàn tủ, kể cả xe máy đều bị ngâm bùn non hư hại hoàn toàn. “Thủy điện Đắk Mi 4 phải có trách nhiệm đền bù tài sản bị hư hại cho gia đinh tôi” - chị Tiên quả quyết.

Theo ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang, phần lớn dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, do đó lãnh đạo tỉnh phải ý kiến với Công ty CP Thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân. "Nếu thủy điện Đắk Mi không đền bù thiệt hại, người dân có quyền khởi kiện và huyện sẽ hỗ trợ pháp lý cho người dân về vấn đề này" - ông A Viết Sơn nói.

Căn nhà của chị Bhờ Nướch Thị Tính chỉ còn lại khung gỗ
Căn nhà của chị Bhờ Nướch Thị Tính chỉ còn lại khung gỗ.

Cũng theo ông A Viết Sơn, quy định của nhà nước về mức hỗ trợ dành cho nhà sụp đổ hiện nay là 40 triệu đồng, hư hại là 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh cũng quy định mức hỗ trợ cao nhất cho nhà sụp đổ là 80 triệu đồng, bao gồm di dời, san ủi, dựng nhà mới… nên huyện mong muốn được lồng ghép tất cả các chương trình hỗ trợ người dân trong tình cảnh thiên tai bao gồm Nghị quyết 12, Nghị định 36 và hỗ trợ thêm từ Mặt trận… nhằm giúp dân nhanh chóng sửa chữa nhà cửa.

Trước mắt, huyện sẽ tạm ứng kinh phí hỗ trợ cho một số hộ dân bị hư hại nặng. Dù ngân sách của địa phương không thể đủ cho tất cả nên tỉnh cần hỗ trợ ngân sách kịp thời, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh xảy ra dịch bệnh, nhất là trước khi cơn bão số 10 xuất hiện.

Clip người dân huyện Nam Giang dọn dẹp nhà cửa sau bão lũ. Thực hiện: VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Giang bộn bề sau bão lũ (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO