Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Tuyên truyền để học sinh phòng tránh

TẤN SỸ 20/10/2022 06:44

Hội thi tìm hiểu kiến thức sinh sản vị thành viên, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Nam Trà My vừa tổ chức. Đây là cách làm hay, phù hợp và thiết thực với lứa tuổi học trò.

Một tiết mục của học sinh tại buổi ngoại khóa. Ảnh: TẤN SỸ
Một tiết mục của học sinh tại buổi ngoại khóa. Ảnh: TẤN SỸ

Sân nhà đa năng Trường phổ thông dân tộc nội trú  (PTDTNT) huyện Nam Trà My đông kín học sinh, giáo viên. Ánh mắt ngại ngùng, rồi vỡ òa tiếng cười, sự cảm thông, chia sẻ của các em học sinh… trước những bức ảnh nói lên sự hối hận muộn màng của các bạn không may “ăn trái cấm”, hay không được đến trường vì tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nguyễn Thị Mai Tiên (học sinh lớp 12/1, Trường PTDTNT huyện Nam Trà My) cùng nhóm của mình mang đến hội thi bức ảnh có chủ đề “hối tiếc muộn màng”. Mai Tiên chia sẻ: “Thông qua bức ảnh này, em muốn các bạn cảm nhận nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn của các bạn nữ khi quan hệ tình dục sớm, không an toàn, dẫn đến phải nạo phá thai, rồi nghỉ học. Em mong không bạn nữ nào phải hối tiếc”.

Tại hoạt động ngoại khóa lần này, những vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình dục, hậu quả quan hệ tình dục trước tuổi, cách phòng tránh thai… cũng được các thầy cô giáo tận tình lý giải cho các em.

Em Cao Viết Trường Giang (học sinh lớp 9.2, Trường PTDTNT huyện Nam Trà My) tâm sự: “Ban đầu khi nghe cô giáo hướng dẫn, em cũng rất xấu hổ, vì có những điều lâu nay luôn là “vùng cấm”, chúng em không dám nói cùng ai.

Nhưng giờ thì hết lo lắng về những thay đổi trong tâm sinh lý, giới tính của em. Cô giáo còn cho thông tin để em và các bạn có thể hỏi nhờ cô tư vấn bất cứ lúc nào. Ngày hôm nay thật vui, ý nghĩa với em và các bạn”.

Thầy giáo Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Nam Trà My cho biết, những năm gần đây, đối tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chiếm cao nhất vẫn là các nam nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Vì vậy, nhà trường có hai hình thức tuyên truyền là thành lập các nhóm kín, theo đó các em học sinh mới vào trường sẽ được thầy cô tận tình tư vấn kiến thức sinh sản vị thành niên, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để các em phòng tránh. Nếu các em không may đã quan hệ tình dục thì cũng có hướng tư vấn giúp các em không để mang thai ngoài ý muốn và không được bỏ học.

Thêm vào đó, thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực, phù hợp, dùng hình ảnh trực quan sinh động, rồi trang bị kiến thức cho các em qua phương pháp “nói thật, việc thật”.

Đồng thời tổ chức theo hình thức sân khấu hóa mà chính các em trở thành những nhân vật của câu chuyện có nguy cơ xảy ra ở các bản làng vùng cao… Điều này giúp thay đổi nhận thức về kiến thức sinh sản, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong lứa tuổi học trò. Và xa hơn, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực khi trở về với cộng đồng của mình.

Ông Nguyễn Xuân Ba - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My cho biết, buổi sinh hoạt ngoại khóa lần này đạt hiệu quả cao, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Từ nay đến cuối năm và năm 2023, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng GD-ĐT tổ chức các hoạt động truyền thông cho học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 12 bởi chính các em là đối tượng chịu tác động lớn nhất của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Tuyên truyền để học sinh phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO