Nét mới Cẩm Kim và Tân Hiệp

QUỐC TUẤN 26/04/2021 08:29

Có xuất phát điểm thấp nhất trên địa bàn TP.Hội An, qua 4 năm triển khai Nghị quyết 32 và Nghị quyết 33 của HĐND thành phố, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) và xã Cẩm Kim đã có bước chuyển mình rõ rệt, đời sống người dân, diện mạo làng quê đổi thay tích cực.

Diện mạo xã đảo Tân Hiệp ngày càng khang trang. Ảnh: Q.T
Diện mạo xã đảo Tân Hiệp ngày càng khang trang. Ảnh: Q.T

Khoảng 5 năm về trước, Cẩm Kim chỉ cách phố cổ Hội An một quãng sông Thu Bồn nhưng cách trở giao thông và được ví như một “ốc đảo”. Cũng năm 2016 về trước, người dân xã đảo Tân Hiệp sinh hoạt điện đóm chập chờn, thường xuyên phải tiếp nhận lương thực, thực phẩm tiếp tế từ đất liền.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19) tại xã Tân Hiệp đạt 52,4 triệu đồng còn xã Cẩm Kim đạt hơn 45,4 triệu đồng. Mức quy định của chuẩn nông thôn mới năm 2019 là 38 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, Cẩm Kim đã được công nhận là xã nông thôn mới, còn Tân Hiệp đã không còn hộ nghèo. Sự chuyển động này bắt đầu từ Nghị quyết số 32 về đề án “Phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An giai đoạn 2017 - 2025” và Nghị quyết số 33 về đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”, được HĐND TP.Hội An (khóa XI) thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 12.2016.

Xác lập nền tảng

Các chính sách từ Nghị quyết 33 đã tạo điều kiện cho xã Cẩm Kim triển khai dự án phát triển sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi giá trị, hỗ trợ sản xuất sạch và đăng ký nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, lập phương án mở rộng tuyến tham quan nội vùng xã Cẩm Kim, thực hiện khu dân cư bảo vệ môi trường đảm bảo 3 sạch và phân loại rác tại nguồn. 

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng -  Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, hai công trình cầu Cẩm Kim và hệ thống dẫn nước thủy lợi từ Duy Vinh (Duy Xuyên) đã giúp địa phương tiếp đà khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp, giao thương đi lại. Các khu dân cư ở Cẩm Kim được chỉnh trang, bố trí trên cơ sở bảo tồn đặc trưng làng quê sinh thái, làng nghề truyền thống và tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, cả 3 thôn của xã đều đăng ký xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Một góc Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T
Một góc Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

Với Tân Hiệp, nhiều nhiệm vụ trong đề án được hoàn thành đã mở ra bước tiến lớn cho địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: đầu tư khu tái định cư thôn Bãi Ông; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ở các thôn; đầu tư xây dựng mới thiết chế văn hóa thôn Bãi Làng; cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND xã; cải tạo, nâng cấp, xây mới các cơ sở giáo dục; giám sát đa dạng sinh học, hệ sinh thái, chất lượng môi trường tại Cù Lao Chàm... Đến nay, đã có 44/67 nhiệm vụ trong đề án thuộc giai đoạn 2017 - 2020 được hoàn thành với kinh phí giải ngân đạt hơn 68 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 80%). 

Vượt khó trong giai đoạn mới

Bốn năm là khoảng thời gian rất ngắn để thực hiện một đề án mang tính đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có xuất phát điểm thấp, nhất là Cẩm Kim, nên nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề án đề ra chưa hoàn thành. Hiện nay, công tác quy hoạch không gian phát triển nội vùng và Trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng còn rất chậm, dẫn đến khó khăn trong quản lý và thu hút đầu tư.

Một số nội dung theo kế hoạch đề án nếu sớm triển khai như dự án dâu tằm hữu cơ, phát triển thủy sản gắn với du lịch, chợ quê Cẩm Kim… sẽ là cú hích lớn để tạo thu nhập kép cho người dân địa phương, nhưng đến nay vẫn dang dở. Với xã đảo Tân Hiệp, tiến độ quy hoạch phân khu Cù Lao Chàm còn chậm, đến nay chưa được tỉnh thẩm định.

Công tác quản lý kiến trúc, cải tạo khu dân cư có bản sắc riêng của vùng biển miền Trung gắn với đặc thù khu dự trữ sinh quyển theo định hướng và mục tiêu của nghị quyết chưa được thực hiện do không phù hợp với thực tiễn.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Để đạt mục tiêu đề án đến năm 2025, cần xác định việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong điều kiện “sống chung” với dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thu nhập của nhân dân đang giảm sút, dự trữ trong dân đang dần cạn do khó khăn về việc làm, sản xuất kinh doanh”.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Cẩm Kim tiếp tục kiên trì hoàn thiện mô hình “Làng sinh thái - văn hóa - du lịch” trong đó lấy môi trường sinh thái và xã hội làm nền tảng để phát triển kinh tế, phấn đấu giải ngân 100% vốn được phân bổ, đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Còn với xã Tân Hiệp, mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tới là phát triển trở thành điểm đến chất lượng cao với định hướng du lịch xanh, bền vững. Bên cạnh đó, việc lập thiết kế đô thị cho xã đảo cũng như xây dựng phương án bán vé, kiểm soát vé khách tham quan tại Cù Lao Chàm trong tình hình mới, trong đó cân nhắc ứng dụng công nghệ, nâng phí tham quan tương xứng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nét mới Cẩm Kim và Tân Hiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO