Ngăn chặn tiêu thụ động vật hoang dã: Chung tay hành động từ cộng đồng

ĐĂNG NGUYÊN 04/07/2022 09:42

Góp sức ngăn chặn tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), mới đây, gần 70 cơ sở kinh doanh ăn uống và kinh doanh chim hoang dã trên địa bàn tỉnh đồng loạt hưởng ứng cam kết “nói không” với việc cung ứng phục vụ nhu cầu cho khách. Đây được xem là hành động tiên quyết nhằm góp phần giảm thiểu hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã, hướng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học thông qua kênh nhà hàng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang vừa giải cứu cá thể tê tê Java thuộc loại nguy cấp, quý hiếm bị mắc bẫy và bàn giao cho Trung tâm cứu hộ Vinpearl Hội An. Ảnh: Q.T
Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang vừa giải cứu cá thể tê tê Java thuộc loại nguy cấp, quý hiếm bị mắc bẫy và bàn giao cho Trung tâm cứu hộ Vinpearl Hội An. Ảnh: Q.T

Doanh nghiệp hưởng ứng

Hơn 5 năm mở quán ăn, ông Nguyễn Văn Bảy - chủ quán Bảy Tam Thanh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, gia đình ông luôn cam kết thực hiện đúng chủ trương về hoạt động kinh doanh buôn bán, nhất là “nói không” với ĐVHD. Đồng thời xem đó như trách nhiệm của cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán, kinh doanh động vật quý hiếm.

Năm 2021, ông Bảy đã có hành động đáng khen ngợi khi tình nguyện bàn giao cá thể rùa biển quý hiếm (thuộc họ vích) cho lực lượng chức năng sau khi mua lại từ một ngư dân.

Ông Bảy nói, ban đầu ông có ý định mua về để nuôi vì thấy cá thể rùa khá lạ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và biết đây là loài động vật hoang dã thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, ông đã liên hệ với Chi cục Thủy sản Quảng Nam để tư vấn, bàn giao thả về môi trường tự nhiên.

Mới đây, tại buổi phổ biến pháp luật về ĐVHD đối với khối cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững - bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức, sau khi nhận thức được tầm quan trọng của chúng đối với việc giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ sự phát triển bền vững của nhân loại, ông Bảy cùng hàng chục chủ quán ăn khác đã ký cam kết chung tay bảo tồn.

“Mình làm ăn lâu dài, việc đầu tiên là phải chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Không vì lợi ích trước mắt mà cố tình vi phạm, nhất là đối với các loài cá thể quý hiếm, đang được bảo tồn” - ông Bảy chia sẻ.

Ông Bảy chỉ là một trong số rất nhiều chủ doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương “nói không” với động vật kinh doanh hoang dã, quý hiếm. Như năm 2018, sau khi mua về cá thể voọc chà vá chân nâu từ người dân địa phương, bà Kalâu Thị Lăng Ngọc - chủ quán nước tại xã A Ting (Đông Giang) đã tình nguyện bàn giao cho lực lượng chức năng để bảo tồn, thả về môi trường tự nhiên nơi hoang dã.

Góp sức bảo tồn

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng tiểu hợp phần Giảm cầu tiêu thụ ĐVHD (thuộc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tổ chức WWF-Việt Nam) cho biết, qua khảo sát do WWF-Việt Nam thực hiện trong năm 2021 - 2022 cho thấy, các quán ăn, nhà hàng là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thịt động vật hoang dã.

Khoảng 50% sản lượng thịt rừng được đưa đến người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát thông qua kênh nhà hàng. Vì vậy, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cam kết chung tay hành động sẽ góp phần đáng kể trong nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã.

Thói quen ăn động vật hoang dã khiến nhiều loài quý hiếm dần có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Thói quen ăn động vật hoang dã khiến nhiều loài quý hiếm dần có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Theo bà Hằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu đa dạng sinh học nhưng do các hoạt động khai thác tài nguyên rừng quá mức, chuyển đổi mục đích rừng và đất thiếu quy hoạch trong thời gian qua đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Các nguyên nhân này cùng với hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đã đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học, trong đó một số loài động vật quý hiếm đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.

“Những năm qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sự phối hợp giữa Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), WWF-Việt Nam… đã triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước thay đổi hành vi cộng đồng trong việc săn bắt ĐVHD, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật rừng và chim hoang dã” - bà Hằng nói.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, tại Quảng Nam, theo thống kê hiện có 3.528 loài động thực vật, trong đó có 144 loài nằm trong Sách đỏ, 92 loài nguy cấp, ưu tiên bảo vệ theo Nghị định của Chính phủ như: voọc chà vá, voi hoang dã châu Á…

Vì thế, ông Khanh kỳ vọng, thông qua các dự án nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh sẽ hỗ trợ và giúp ích rất nhiều trong việc quản lý rừng bền vững, góp sức bảo tồn động vật quý hiếm. Đồng thời cam kết hành động và tăng cường sự phối hợp với WWF-Việt Nam, cùng các cơ quan liên quan trong các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ các loài ĐVHD quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn chặn tiêu thụ động vật hoang dã: Chung tay hành động từ cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO