Ngập lụt đô thị càng có xu hướng phổ biến. Nếu như Hội An vẫn chịu đựng những cơn ngập như một yếu tố mang tính đặc hữu - lặp đi lặp lại với cường độ và tần suất gần như quen thuộc mỗi mùa mưa, thì Tam Kỳ lại bộc lộ khá nhiều nỗi lo, khi ngập rộng, ngập sâu và ngày càng bất thường…
Thành phố không loại trừ
Tôi đọc được đâu đó, đại ý, các đô thị là sản phẩm gắn với đặc tính không tranh giành và cả không loại trừ. Ai cũng có thể tiếp cận những điều kiện chung thuộc về không gian đô thị và không ai bị loại trừ: quyền tiếp cận chia đều cho mọi người.
Không phải những điều kiện của đô thị mà cư dân được tiếp cận đều tích cực. Nói ngay: câu chuyện ngập lụt đang bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh chán ngán của không ít cư dân Tam Kỳ, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây.
Năm 2018, tôi chứng kiến lần ngập lụt “lịch sử” - theo cách gọi của nhiều cư dân thành phố. Trường Đồng, Đoan Trai (phường Tân Thạnh) ngập sâu, hàng trăm hộ dân bị cô lập trong chính căn nhà của mình. Tủ lạnh, máy quạt... nổi lềnh bềnh và rất nhiều người phải lặn xuống để trục vớt số lúa cất trong nhà, điều họ chưa từng thấy lặp lại kể từ trận lụt lịch sử năm 1999.
Chiều 10/10 vừa qua, cả TP.Tam Kỳ chìm trong biển nước. Bạn tôi gọi nhờ chỉ đường để có thể thoát ra khỏi phố. Chỉ có con đường duy nhất là Nguyễn Hoàng tương đối cao ráo, nhưng để lên được đó, bạn phải đánh liều băng qua nhiều đoạn ngập khá sâu.
Phía trước Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, những đứa trẻ bì bõm trong màn mưa đặc. Rất nhiều phụ huynh loay hoay với chiếc xe chết máy. Không chỉ có xe máy, nhiều ô tô bất động do nước ngập.
Cư dân phố, gần như phải cam chịu nỗi khổ khó có thể kể hết bằng câu chữ, trong khi những tổn thất gây ra là rất lớn. Hàng trăm đứa trẻ tan trường trong chiều 10/10, rét run trong mưa gió và cha mẹ chúng cũng chẳng khá hơn với chiếc xe chết máy giữa làn nước ngập. Cam chịu, vì không còn cách nào khác, không thể bộc lộ thái độ khác với cảnh ngập lụt đang dần trở nên quen tại thành phố nhỏ này.
Nốt trầm của cư dân đô thị
Tại hội thảo về “Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững”, tôi chú ý đến quan điểm của ông Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai (Ngân hàng Thế giới).
Ông Dũng nêu ý tưởng, bên cạnh hình thành một công viên ngập nước kết hợp quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt, phải phát triển đô thị an toàn trước lũ lụt tại vùng giữa, tức hiện trạng TP.Tam Kỳ.
Trong đó, một loạt giải pháp công trình và phi công trình được đề cập. Những khái niệm như vườn mưa (rain garden - một khu vực được đào lên và trồng các loại cây bản địa, đặt gần cống thoát nước hoặc khu vực có nước đọng), vùng đất ngập nước (wetland) hay đầm lầy sinh học là những giải pháp phi công trình cho việc chống ngập… Đây là điều khá hấp dẫn.
Nhưng mối quan tâm của người dân đô thị không nằm ở đó - những giải pháp phần nhiều mang tính học thuật và chưa được hiện thực hóa. Thực tế, người dân tìm cách thích nghi với câu chuyện cũ: ngập không mất đi, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác và tiến tới… toàn thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng nhận định, câu chuyện giải quyết ngập lụt ở Tam Kỳ phải tính toán cụ thể, đầy đủ giải pháp mới giải quyết bài toán chống ngập cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận một cách khoa học và lâu dài. Đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức.
Người đứng đầu của thành phố, của tỉnh rất cầu thị, lắng nghe. Nhưng việc triển khai các giải pháp, cả công trình và phi công trình, chưa hẳn đã đồng bộ. Tình trạng ngập vẫn chưa được khắc chế.
Bạn tôi, một kỹ sư thủy lợi tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc, trong một lần nói chuyện, đã đề cập hai môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo: “Kỹ thuật nhân đạo” và “Thiết kế dự án bền vững”.
Mọi dự án, công trình được thiết kế phải đáp ứng hai yếu tố: phục vụ quyền con người và đảm bảo tính bền vững. Đó là những gì mà tôi, một cư dân đô thị mong muốn, trước tốc độ đô thị hóa hiện tại, trước nhiều dự án đã và sẽ triển khai.
Chỉ mong, hình ảnh những người dân đang phải “bơi” giữa từng ngã tư đường phố, với chiếc xe chết máy hôm nay, đòi hỏi phải đẩy nhanh những nỗ lực, tạo ra một thành phố đáng sống, đảm bảo quyền sử dụng chính đáng các hạ tầng chung của người dân, vào ngày mai, thật gần…