Ngôi nhà chung của người có công

VĂN TOÀN 25/07/2022 21:33

(QNO) - Thành lập từ năm 1976, Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam trở thành điểm tựa về tinh thần của người có công Quảng Nam. Nơi đây là ngôi nhà chung của nhiều thế hệ người có công.

Sự ân cần, niềm nở chính là cách để người lao động tại Trung tâm tri ân người có công.
Sự ân cần, niềm nở chính là cách để người lao động tại trung tâm tri ân người có công.

Tri ân bằng sự chu đáo

Cụ Dương Thị Trung – là vợ liệt sĩ (quê ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), được nuôi dưỡng tại trung tâm từ năm 2011. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, không còn thân nhân, lại mang nhiều căn bệnh, cụ Trung xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Với cụ, sự ân cần, động viên của đội ngũ nhân viên y tế trung tâm chính là liều thuốc tinh thần giúp cụ vượt qua bao cơn bạo bệnh.

“Mỗi lần chân tay nhức mỏi không thể đi lại được đều nhờ các cô y tá đến kiểm tra sức khỏe. Họ đến lo đủ thứ, đo huyết áp, xoa bóp chân tay, phục vụ từng bữa ăn, cho uống thuốc…” – cụ Trung tâm sự.

Còn với thương binh hạng 1/4 Võ Văn Đến, hỏi thăm sức khỏe, động viên các cụ tại trung tâm vui khỏe là thói quen hằng ngày. Gắn bó với Trung tâm gần 40 năm, thương binh Võ Văn Đến được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi tại đây. Với ông, niềm vui mỗi ngày là được nhìn thấy các cụ cao tuổi tại đây sống vui, sống khỏe.

“Các cụ người có công được nuôi dưỡng tại trung tâm đều không còn thân nhân, sức khỏe yếu, điều các cụ cần nhất là “sức khỏe tinh thần”. Do đó, hằng năm chúng tôi đều rà soát, tổ chức chúc thọ, mừng thọ đầy đủ, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục dưỡng sinh để giúp các cụ vui tươi trong cuộc sống” -  Thương binh Võ Văn Đến cho biết.

Địa chỉ điều dưỡng của người có công

Song song với nhiệm vụ tổ chức, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên đối với thương, bệnh binh nặng và người có công, trung tâm còn chú trọng công tác tri ân thông qua chương trình điều dưỡng, nghỉ dưỡng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cơ sở vật chất Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng Người có công Quảng Nam được đầu tư khang trang.
Cơ sở vật chất Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng Người có công Quảng Nam được đầu tư khang trang.

Đầu tiên, công tác tiếp đón được chuẩn bị chu đáo. Thực tế, đa số đối tượng người có công đến điều dưỡng, nghỉ dưỡng đều tuổi cao, do đó, ngoài công tác đón tiếp, chăm sóc, phục vụ với thái độ niềm nở, ân cần, trung tâm còn chú trọng xây dựng thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng, phù hợp với khẩu vị vùng miền nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để mỗi đợt điều dưỡng thực sự là những chuyến đi ấm áp, đọng lại những cảm xúc khó quên, ngoài việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe 24/24 giờ cho người có công, nhân viên y tế tại trung tâm còn lồng ghép các bài tập nâng cao sức khỏe, kết hợp với các máy móc thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại như ghế massage toàn thân, máy massage chân, xông hơi, ngâm chân thuốc bắc… qua đó giúp phục hồi, cải thiện sức khỏe cho người có công.

Ngoài ra, người có công còn được tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng như quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Công viên Đất nung - Làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà, Vinpearl Land Nam Hội An... Kết hợp trong các đợt điều dưỡng là hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát bài chòi, chơi lô tô…

Theo ông Phạm Đình Ca – Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam, với sự quan tâm của toàn xã hội, cơ sở vật chất, cảnh quan trung tâm đã được đầu tư khang trang, thoáng đãng. Từ trang thiết bị y tế, kỹ thuật phục hồi sức khỏe đến từng khu sinh hoạt như nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ đều được bố trí khoa học, ngăn nắp, sạch sẽ và đạt tiêu chuẩn…

“Hiện trung tâm nuôi dưỡng tại chỗ cho khoảng 60 người có công không còn thân nhân, kết hợp điều dưỡng luân phiên trên 3.000 lượt người có công mỗi năm. Thấu hiểu hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe của từng người có công, trung tâm thường xuyên xây dựng kế hoạch chăm sóc, phục vụ theo từng nhóm.  Tất cả cán bộ, nhân viên đều dành hết tâm huyết và sự tận tụy đối với công việc được giao để tri ân những đóng góp của thế hệ đi trước đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc” - ông Phạm Đình Ca nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi nhà chung của người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO