Nhớ cây xanh, mặt nước...

PHÙNG TẤN ĐÔNG 23/01/2022 06:53

Tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, làm sao để giữ sự cân bằng trong xây dựng, phát triển đô thị là bài toán khó.

Một góc sông nước Cẩm Kim. Ảnh: Q.TUẤN
Một góc sông nước Cẩm Kim. Ảnh: Q.TUẤN

Tôi vừa nhận được cuốn sách viết về kiến trúc làng xã Bắc Bộ của một kiến trúc sư trẻ có tên “Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam - một cơ hội cho cảnh quan đô thị” (Nguyễn Việt Huy - NXB Khoa học xã hội).

Cuốn sách khiến tôi chiêm nghiệm nhiều về cảnh quan “cây xanh mặt nước” mà cha ông từng tôn tạo và chia sẻ nỗi lòng của cụ Nguyễn Công Trứ về lẽ đổi dời: “Nào mấy độ sao dời, vật đổi/ Nào vương cung, đế miếu nơi nao”

Thuận tự nhiên

Anh về mua gạch Bát Tràng/Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa tay...” (Ca dao).

Làng quê nước ta ngày trước cha ông thường xem trọng cảnh quan khu vực đình miếu của làng xã. Hình ảnh “cây đa, bến nước, mái đình” là hình ảnh quen thuộc của không gian cảnh quan làng xã cổ truyền.

Vào cuối thế kỷ 15 những cư dân vùng Bắc Trung Bộ, châu thổ sông Hồng theo bước lưu dân “Nam tiến”, mở cõi về phương Nam đến vùng đất mới xứ Quảng luôn mang nặng tâm thức về làng xưa, chốn cũ trong buổi đầu “lập làng, dựng phố” nên rất coi trọng yếu tố cảnh quan “cây xanh, mặt nước” trong việc xây nhà ở, nhà thờ tộc, họ, xây đình, miếu, chùa chiền thờ thần, Phật, tiên tổ.

Đúng như giới nghiên cứu về mỹ thuật kiến trúc nhận định “cái thực dụng luôn có trước cái đẹp (mỹ thuật kiến trúc)” (Plékhanov) - trong việc tìm kiếm sự hòa thuận với tự nhiên (đất đai, độ cao thấp của công trình với chung quanh, tình thế thời tiết, khí hậu...) - người xưa chọn trước hết là sự “an cư”, rồi mới tính đến chuyện “lạc nghiệp” theo lẽ như vậy.

Trong việc xây dựng nhà cửa, đình miếu vị trí “đắc địa” vẫn là những vị trí cao ráo để tránh lụt lội. Trước hoặc sau công trình kiến trúc có ao/ đầm/ hồ để thoát nước trong mùa mưa, giữ sự mát mẻ trong mùa hè. Đồng thời trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát và sâu sắc hơn là tìm kiếm triết lý “thiên địa đồng hòa” về mặt phong thủy cho cảnh quan kiến trúc của công trình.

Nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc đô thị cho rằng, các đô thị miền Trung thường có hai đặc điểm “quy hoạch” theo chiều lịch đại. Một là “dựa theo một con sông dài rộng” kết nối với nhiều sông, giáp biển để thuận tiện giao thương, hình thành “thị tứ”, rồi thành đô thị buôn bán. Tiếp đến là “phát triển dọc theo đường cái quan/ quốc lộ 1” hình thành những đô thị có chức năng hành chính là chính, nằm bên sông cận biển (Hoàng Đạo Kính “Văn hóa kiến trúc”, NXB Tri thức).

Hội An là đô thị di sản có quá khứ “hướng biển”, rồi đô thị tỉnh lỵ, đô thị du lịch nhưng dựa theo sông Thu Bồn vùng hạ du. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, các tầng lớp cư dân đã góp phần kiến tạo đô thị theo hình thế bàn cờ từ cao xuống thấp (từ đường Trần Hưng Đạo xuống Bạch Đằng, Phan Bội Châu) - với chủ ý nghiêng nước (mưa/ lụt) ra sông để giải quyết vấn đề tránh thiệt hại do lụt và xử lý vấn nạn thoát nước trong mùa mưa.

Một giải pháp trước hết thuận theo tự nhiên để giải quyết việc thoát nước sau mới tính chuyện mỹ thuật cảnh quan là việc xây dựng các công trình nhà cửa, chùa chiền, đình miếu... dọc theo những lạch, mương các con sông cổ/ cũ như sông Đò, sông Đế Võng (Sơn Phong, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà...), sông Rọc Gốm (Thanh Hà).

Giữ sự cân bằng đô thị

Giữ sự cân bằng cho đô thị là điều vô cùng cần thiết trong quá trình đô thị hóa mà các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách cần đặc biệt quan tâm.

Những năm 60 thế kỷ trước, Hội An có nhiều hồ nước lớn như hồ sen chùa Pháp Bảo (về sau còn gọi là hồ rau muống) rộng gần 1km2, hồ Sơn Phong cạnh đường Cửa Đại, hồ Bà Thiên ở gần chùa cổ Phước Lâm... Theo đà đô thị hóa, hiện nay diện tích các hồ nước thu hẹp dần, có hồ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

May mắn ở địa bàn Cẩm Hà, Tân An hồ nước Trảng Kèo - Cửa Suối đã được tôn tạo và đang là “điểm son” của cảnh quan khu đô thị mới Tân An - Cẩm Hà. Việc thu hẹp “cây xanh, mặt nước” đang làm nghèo di sản cảnh quan đô thị và dần tiến đến chỗ “đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển” như giới kiến trúc từng quan ngại.

Không chỉ Hội An đang dần “mai một hồ đầm” dù ở vùng cồn bàu - cửa sông ven biển mà một số đô thị như Vĩnh Điện (Điện Bàn), Hà Lam (Thăng Bình), đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ... cảnh quan “cây xanh mặt nước” truyền thống vẫn chưa thực sự được gìn giữ trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Nhiều bậc cao niên còn nhớ ở Vĩnh Điện những năm 70, thế kỷ 20 còn bảo tồn cảnh quan thành gạch vồ cổ và những hào/ đầm rộng trồng sen mà nay chỉ còn một đoạn đường nhỏ và vết tích nền móng của thành xưa.

Tương tự, Hà Lam nổi tiếng với hồ sen cạnh nhà danh nhân Nguyễn Thuật xa gần biết tiếng nay chỉ còn một hồ nước nhỏ có cầu Hà Kiều - mà chính quyền đang quan tâm phục dựng để tham quan, du lịch.

Tam Kỳ có hồ An Hà mà diện tích đang dần thu hẹp,  nhiều cảnh quan cây xanh mặt nước dọc sông Bàn Thạch đang tạo sự cân bằng cho hình thái kiến trúc đang “bê tông hóa” của một đô thị phát triển theo hướng hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ cây xanh, mặt nước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO