Nỗ lực giảm nghèo

LÊ DIỄM 28/10/2022 12:11

Năm đầu tiên của giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu giảm nghèo bền vững được cho là thách thức không nhỏ đối với mỗi địa phương, nhất là miền núi. Nhiều huyện đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số hộ nghèo, dù biết rằng sẽ rất khó khăn.

Người lao động ở các huyện miền núi được tư vấn tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Người lao động ở các huyện miền núi được tư vấn tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Phấn đấu giảm hơn 11 nghìn hộ nghèo

Cả giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu và đặt mục tiêu giảm 11.825 hộ nghèo/33.127 hộ nghèo toàn tỉnh. Riêng trong năm 2022, UBND tỉnh đã giao các địa phương phải giảm được 3.000 hộ nghèo. Số hộ nghèo cần giảm chủ yếu ở khu vực miền núi, với 2.779 hộ.

Các huyện miền núi cao còn nhiều hộ nghèo, và con số phấn đấu giảm cũng phải cao hơn; như Tây Giang, Đông Giang mỗi huyện phải giảm 450 hộ nghèo trong năm nay; Nam Trà My, Bắc Trà My mỗi địa phương phải giảm 500 hộ. Năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các huyện đã đối mặt với nhiều thách thức khi nguồn vốn phân bổ chậm, việc đầu tư công trình hạ tầng phục vụ dân sinh khó triển khai bởi còn nhiều vướng mắc. Đến lúc vốn được giao thì lại rơi vào mùa mưa bão, khó khăn chồng chất.

Đối với khó khăn của các địa phương khi nguồn vốn được giao chậm trễ, tại cuộc họp vừa qua của Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện các chương trình mục tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiến nghị nhiều nội dung, trong đó đề nghị Trung ương cần phân bổ nguồn vốn sớm hơn, hướng dẫn cụ thể để địa phương thuận tiện trong thực hiện. Với chương trình giảm nghèo bền vững, Quảng Nam đề nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn kinh phí năm 2022 để thực hiện tiểu dự án 2, dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng và dự án 5 về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện.

Như ở Tây Giang, đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai các dự án đa dạng sinh kế và chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng khó thực hiện trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia thì chỉ có chương trình giảm nghèo bền vững nằm ở tất cả 10 xã của huyện, còn lại các chương trình khác nằm rải rác. Tây Giang có 8 xã biên giới, với nguồn vốn kế hoạch mỗi xã 2 tỷ đồng/năm, sẽ góp phần tạo nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Quyết liệt từ đầu

Thời gian qua, UBND tỉnh có nhiều đợt làm việc với các huyện miền núi về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực hiện đa dạng sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, sở đã giao địa phương phối hợp xây dựng đề án, việc trồng cây gì, nuôi con gì thì địa phương tự thực hiện cho phù hợp chứ Sở LĐ-TB&XH không hướng dẫn cụ thể. Khâu khảo sát, phê duyệt, lựa chọn hộ nghèo để hỗ trợ cũng do huyện thực hiện.

Bà Lộc nói: “Đề án sinh kế giảm nghèo là của địa phương, Sở LĐ-TB&XH không áp đặt thực hiện mô hình gì, vì tùy điều kiện từng địa phương. Quá trình thực hiện có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp văn phòng giảm nghèo tháo gỡ ngay. Nhiều năm rồi, các địa phương toàn trả lại nguồn vốn sinh kế, bảo khó thực hiện. Tại sao các hội đoàn thể cấp tỉnh thực hiện được các dự án sinh kế, mà địa phương không làm được, điều này địa phương cần xem lại”.

Bà Lộc cho rằng phải đầu tư sau một thời gian thì hộ nghèo mới thoát nghèo được. Muốn thoát nghèo phải tác động tổng lực vào các chỉ số thiếu hụt, nhất là 3 chỉ số dịch vụ xã hội (trình độ giáo dục cho người lớn, nhà tiêu hợp vệ sinh, chất lượng nhà ở).

Chỉ số này ở miền núi thiếu nhiều nhất, nên cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ giải quyết. Phân loại hộ nghèo phải phân tích về sự thiếu hụt 3 chỉ tiêu này để tác động. Về thu nhập thì phải tác động bằng sinh kế, việc làm, sản xuất để nâng dần thu nhập của người dân, đến cuối giai đoạn mới bền vững được.

Tại các cuộc làm việc với địa phương miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các huyện phải quyết liệt ngay từ đầu, dù biết có nhiều khó khăn nhưng phải phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đã được giao từ đầu năm. Bởi chỉ tiêu số hộ nghèo giảm là do mỗi huyện căn cứ trên thực tế ở địa phương, đề xuất con số cụ thể, từ đó Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO