Nợ này, ai trả?

TRUNG VIỆT 20/04/2022 09:40

Mới rót xong ly nước đưa cho tôi, ông Briu Pố (xã Lăng, Tây Giang) bỗng sừng sộ: “Bậy, quá bậy!”. Bao năm quen rồi thân thiết, lần đầu tiên tôi thấy ông phẫn nộ. “Chuyện chi rứa anh?’’. “Sách viết bậy là người Cơ Tu có tục trả đầu (săn máu) người, vì thích máu người. Bậy bạ hết sức!”.

“Ai viết?”. “Nhà nghiên cứu có tên tuổi đó, em biết vậy là được rồi. Viết vậy, là mắc món nợ lớn với người Cơ Tu. Nói xấu về họ, lại nói bậy, không biết chi hết. Anh nói em nghe, người Cơ Tu quan niệm có hai loại chết là xấu và tốt.

Chết tốt là già yếu, bệnh tật. Còn xấu là chảy máu ra. Khi thấy ai đó chết chảy máu, họ rất sợ, bởi họ quan niệm máu là con cầu vồng. Cầu vồng trong mưa đó; lúc trời đóng cầu vồng, mấy ông già nói con cầu vồng đang tắm. Đó là con ma. Khi thấy cầu vồng, không ai dám ngó, dám chỉ vào”.

“Sợ, sao họ săn máu?”. “Tục săn máu, trả đầu, đâu chỉ người Cơ Tu mới có, bởi quy luật có áp bức thì có đấu tranh, anh ép tôi đến mức không chịu nổi, tôi phải trả thù thôi. Nhưng khi trả đầu rồi, họ về một cánh rừng nào đó xa làng, làm lễ cúng tạ, xin thần linh.

Lúc đó họ lấy máu gà trống, máu chó bôi lên vật phẩm cúng và quan trọng nhất là đánh trống. Lúc này trống phải được đánh khác lễ hội hay săn lợn rừng, tức là không dồn dập, nhanh dần đều và đúng nhịp, mà phải đánh sai nhịp, với ý nghĩa là tôi cầu xin thần linh không cho tái diễn cảnh đổ máu, mong không còn cảnh giết người nữa. Đánh sai nhịp, bởi không vui và lo sợ. Đằng này họ viết ra thành sách, nói người Cơ Tu thích máu”.

 “Sai do đâu?”. “Do người cung cấp sai, nói bậy, người nghiên cứu ghi chép lại cũng không tham khảo, điền dã cho kỹ, viết càn ra. Anh nói thiệt, có một ông là chuyên gia văn hóa dân gian, gửi anh bản thảo dày cộp về phong tục, tập quán Cơ Tu, nhờ anh đọc. Ôi trời ơi em ơi, sai nát bét, anh sửa đúng hai năm, hễ rảnh không lên rẫy, là ngồi vô bàn, vừa gạch vừa viết lại, mỗi lần đi mua bút bi là mua một nắm”. “Còn chuyện chi nữa không?”.

“Anh được dưới Đà Nẵng mời đi họp bàn văn hóa Cơ Tu, nghe một ông nói là người Cơ Tu không có tục bắt vợ. Sai! Có, có tục đó. Anh chứng minh ngay tại cuộc họp nhiều trường hợp; cách thức bắt vợ gồm mấy bước; tại sao bắt vợ thành công và không thành công. Không thành công là do cô gái không ưng vì anh chàng kia xấu tính, ham chơi, rượu chè, không có hiếu có tình với cha mẹ, hoặc cô không muốn làm vợ hai của ông kia.

Còn thành công, thì cô gái và gia đình hãnh diện rằng, cô đẹp, giỏi nên nhà trai mới bắt về làm vợ… Bắt là xin về và được chấp thuận, chứ không phải bắt cóc. Thực ra, trước đó hai nhà đã gặp nhau, uống rượu, nói lý, là sẽ xin cô gái làm vợ và được nhà gái chấp thuận, vấn đề là khi nào và ở đâu cô bị bắt. Thường người đi bắt là gia đình giàu có…”.

Giờ thì làm sao? Tôi hỏi bâng quơ. Ông Pố thì cười chua chát: “Làm sao nữa, viết ra, in rồi, sai, làm thiên hạ nghĩ người Cơ Tu xấu. Nên anh nay đã 73 tuổi rồi, muốn nghỉ, nhưng không đành. Mình biết mà không nói, sau này con cháu mình sẽ bị người ta do vô tình đọc sách mà nghĩ sai, coi thường. Vì vậy anh lại phải chuẩn bị đi làm hướng dẫn cho kịch bản quay phim về lễ đốt rừng đây”.

Đang là thời buổi của trăm hoa đua nở về in sách, từ giấy đến xuất bản điện từ, thể loại nào, vấn đề chi cũng có, minh thư hay ngụy thư, thật hay giả, chính tông hay tà thư, khó mà phân biệt nổi. Nói thiệt, lắm lúc đọc, nghĩ sao mà họ ẩu kinh hoàng khi đưa in vấn đề này nọ, sai banh chành mà vẫn đóng mác ông tê bà ni để lòe, trục lợi, còn bên xuất bản mấy khi chịu trách nhiệm, trừ khi đụng tới nhạy cảm chính trị.

Nhìn ông già Briu Pố vội vã mặc trang phục Cơ Tu bước đi, lòng tôi héo úa. Nỗi lo, tấc lòng đó, liệu còn mấy người và món nợ như ông nói, ai trả, bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nợ này, ai trả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO