Nút thắt Cổ Linh

MINH ĐỨC 04/02/2022 06:33

(Xuân Nhâm Dần) -  Sông Trường Giang dọc dài vùng Đông, được biết đến là tuyến giao thông thủy nhộn nhịp trong quá khứ, đã bị thắt lại ở Cổ Linh (xã Bình Sa, Thăng Bình). Khi nhu cầu khai phá không còn đem lại hiệu quả kinh tế, khát khao mở lại lòng sông đã bật lên thành lời...

Đê ngăn sông Trường Giang đã tạo ra những lưu thủy khúc tại Cổ Linh.
Đê ngăn sông Trường Giang đã tạo ra những lưu thủy khúc tại Cổ Linh.

 Dấu xưa khai phá

Cổ Linh sau gần 10 năm trở lại, vẫn lối mòn ướt sũng men theo những gốc tre già dẫn ra bến sông. Ông Nguyễn Thanh Tùng (trú thôn Cổ Linh) có vẻ chạnh lòng khi kể về những ngôi nhà đang chỏng chơ, hoang vu từng một thời là làng mạc yên bình.

Làng ven sông này là nơi tổ tiên ông Tùng chọn làm bến neo đậu, an cư, dựng nghiệp. Ông đã lớn lên ở đây, từng một thời theo cha trên chiếc ghe bầu chở củi, chở phân, gạch ngói... rong ruổi Trường Giang, giao thương qua nhiều vùng đất. Làng bây giờ là vùng ngập lụt, người dân đành bỏ lại nhà cửa, vườn tược, dời lên vùng đất cao hơn nhưng vẫn giữ cuộc mưu sinh nơi triền sông.

Cống Cổ Linh, vô tình là chứng nhân của công cuộc khai phá, đắp đập ngăn sông để giữ nước ngọt, mở rộng diện tích canh tác. Mặt cống bây giờ chỉ tròn trèm hai bước chân, không còn mảng bê tông làm chiếc cầu nối như ngày đầu, người dân đành gác lên mấy đoạn tre khô để bắc nhịp đôi bờ.

Cổ Linh nằm trên đoạn đê được đắp bằng đất đá, ngăn dòng Trường Giang và tạo ra những lưu thủy khúc. Vùng nước được khai phá này, trước đây hình thành nhiều ruộng lúa, bây giờ là cánh đồng tôm, nhưng không khí sản xuất đã thôi nhộn nhịp. Ghe thuyền qua cống Cổ Linh chủ yếu là loại nhỏ, phải xuôi vào một đoạn kênh chật vật với con nước thủy triều. Trường Giang qua Cổ Linh không còn cảnh bến rộng sông dài...

Ông Phạm Phú Long kể về sự nhộn nhịp của bến sông Bến Đá một thời. Ảnh: Minh Đức
Ông Phạm Phú Long kể về sự nhộn nhịp của bến sông Bến Đá một thời. Ảnh: Minh Đức

 Ông Tùng kể, ngày xưa sông ở đây rộng lắm. Từ bên này ới qua bên kia không dễ có người nghe. Bên kia là vùng biển ngang, bên này làm nông, cá tươi, khoai sắn giao thương bằng những chiếc đò ngang lúc nào cũng đón đợi... Công cuộc ngăn sông bắt đầu từ năm 1976 theo chủ trương của Nhà nước.

“Lúc đó tôi là người huy động nhân công, tập trung cuốc xẻng, quang gánh đắp đất đá ngày đêm. Đoạn này rộng hàng trăm mét, có nơi nước chảy xiết nên phải mất 2 năm con đập này mới hoàn thành. Những năm đầu bà con phấn khởi vì có thêm cánh đồng lúa cho năng suất cao. Rồi sau này phong trào nuôi tôm nổi lên, người ta bỏ ruộng. Tôi cũng có mấy ao, nhưng mấy năm nay bỏ không vì càng nuôi càng thua lỗ...” - ông Tùng kể.

Chờ ngày khơi thông

Nhiều cư dân sông nước bây giờ vẫn nuối tiếc về sự nhộn nhịp của Trường Giang trong quá khứ, với cảm xúc có thể từ niềm tự hào về dấu ấn phồn thịnh của lịch sử mở cõi, nhưng cũng có thể từ ký ức của đời mình gắn với bến sông quê.

Miệng cống Cổ Linh, nơi hẹp nhất của dòng Trường Giang.
Miệng cống Cổ Linh, nơi hẹp nhất của dòng Trường Giang.

Ông Phạm Phú Long (thôn Bình Trúc, xã Bình Sa) mô tả ký ức của mình về đoạn sông cách cống Cổ Linh vài trăm mét với nỗi nhớ mênh mông. Ông nói, nơi này từ xa xưa đã hình thành một bến sông nhộn nhịp có tên Bến Đá, gắn với chợ Bến Đá bây giờ.

Bến sông này ngày trước lúc nào cũng có hàng chục ghe thuyền cập vào, chở từ bao tro tàn đến hàng đắt tiền như vải vóc, quế, trầm... Đây là nơi giao thương nhộn nhịp của mấy xã vùng đông Thăng Bình, là một trong nhiều bến bờ khá giả của Trường Giang từ thời thuộc Pháp.

“Tôi theo cha mình sống trên ghe từ nhỏ, mấy đứa trẻ trong làng mơ ước được như tôi vì lúc nào cũng có quà vặt. Bây giờ thì tất cả đã lên bờ. Tôi ước ao dòng sông này được khơi thông trở lại, bến sông này nhộn nhịp trở lại” - ông Long tâm sự.

Theo ông Trần Xuân Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa, do nhu cầu ngăn nước ngọt, mở rộng diện tích đất canh tác nên sau giải phóng, Nhà nước có chủ trương ngăn hai đầu dòng sông Trường Giang (bắt đầu từ xã Bình Dương trở vô) với chiều dài hàng chục cây số. Trước đây vùng này sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhưng nay nhiều hộ bỏ hoang ruộng lúa và ao nuôi tôm.

Nếu Nhà nước thực hiện chủ trương nạo vét sông Trường Giang, người dân địa phương sẽ đồng tình hưởng ứng vì mở ra cơ hội để phát triển kinh tế từ dịch vụ gắn với nghề sông nước. Đặc biệt hơn, với Bình Sa, hiện hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, tuyến đường thủy Trường Giang khai thông sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Nam đang có chủ trương “kể lại” câu chuyện bản sắc của các dòng sông bằng nhiều dự án nạo vét luồng lạch đang triển khai và xúc tiến đầu tư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trước mắt sẽ tập trung đầu tư khơi thông các dòng sông có tiềm năng tạo ra dư địa phát triển dịch vụ, đô thị như Trường Giang, Cổ Cò, Tam Kỳ.

Định hướng đầu tư là giữ cho được bản sắc của mỗi dòng sông, không tác động nhiều vào tự nhiên mà phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và đời sống văn hóa của cộng đồng ven sông. Riêng Trường Giang có một dự án nạo vét quy mô, đang trong giai đoạn khảo sát. Kỳ vọng đây là nguồn lực mới cho sự phát triển của Quảng Nam trong tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nút thắt Cổ Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO