Phía mây ngàn biêng biếc

ĐĂNG NGỌC 06/02/2022 06:07

(Xuân Nhâm Dần) - Vừa trở về từ buổi họp thôn, chàng thanh niên Bh’noong Hồ Văn Minh (ở khu tái định cư thôn 2, Phước Thành, Phước Sơn) dắt tay đứa con bước vào nhà. Ở khu tái định cư mới này, Minh là một trong những cư dân có nhà đầu tiên được hỗ trợ xây dựng bởi ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) sau thời gian chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”…

Công tác kết nghĩa đang thay đổi về cách làm, nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế được chú trọng giúp người dân miền núi có cơ hội phát triển bền vững. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Công tác kết nghĩa đang thay đổi về cách làm, nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế được chú trọng giúp người dân miền núi có cơ hội phát triển bền vững. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Khu tái định cư thôn 2 (Phước Thành) là một trong số rất nhiều bản làng khác ở vùng cao được hình thành từ nguồn lực của các nhà hảo tâm, đơn vị kết nghĩa. Không chỉ nhà ở, “món quà” nghĩa tình giữa các đơn vị kết nghĩa với đồng bào vùng cao còn thể hiện bằng các mô hình sinh kế bền vững, các chương trình hỗ trợ nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… đem lại hiệu quả thiết thực.

Bình yên trong ngôi nhà mới

Sau những đau thương, mất mát, chừng như niềm vui đã trở lại trên khuôn mặt người đàn ông vừa bước qua tuổi 35. Hồ Văn Minh nói, ngoài gia đình anh còn có thêm 7 hộ dân khác nữa được hỗ trợ nhà ở từ ADB. Đây là những hộ có nhà bị sạt lở, trôi lấp bởi đợt lũ vào cuối năm 2020, được hỗ trợ với mức ban đầu 140 triệu đồng.

“Ai có tiền thì bổ sung thêm để dựng ngôi nhà to đẹp hơn. Mình cũng bỏ thêm mấy chục triệu đồng để nới rộng không gian phía trước và xây thêm nhà bếp, nhà vệ sinh phía sau. Cuộc sống bây giờ ổn định trở lại, người dân vơi đi nhiều lo lắng. Tết năm nay, chắc chắn sẽ vui hơn nhiều bởi lần đầu tiên được sống ở khu định cư mới sau thiên tai, bão lũ” - anh Minh tâm sự.

Nhớ sau đợt mưa lũ năm 2020, hàng chục hộ đồng bào Bh’noong phải tá túc trong nhà làng và trụ sở ủy ban xã. Nhà anh Minh không ngoại lệ, cả 5 thành viên (vợ chồng và 3 người con) trong gia đình được bố trí ở một góc nhà làng truyền thống. Dù nắng mưa, gian khổ nhưng người làng vẫn quyết tâm vượt qua, chờ đợi đến ngày được về sinh sống nơi khu tái định cư mới.

Từ nguồn lực của Nhà nước, mặt bằng tái định cư nhanh chóng được triển khai. Chẳng mấy chốc, người Bh’noong được bố trí chỗ ở, khấp khởi dựng nhà. Các đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm cùng góp sức hỗ trợ nguồn lực, giúp tiến độ di dân ở khu định cư mới thêm được đẩy nhanh.

Căn nhà của Hồ Văn Minh được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Ngân hàng ADB giúp ổn định cuộc sống sau thiên tai. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Căn nhà của Hồ Văn Minh được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Ngân hàng ADB giúp ổn định cuộc sống sau thiên tai. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, ngoài khu tái định cư thôn 2, ở địa phương còn có 20 hộ dân khác ở thôn 3 cũng được đơn vị kết nghĩa và nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay mặt bằng tái định cư đã được bàn giao cho từng hộ dân để bố trí chỗ ở, công tác hỗ trợ xây dựng nhà mới cũng đang đẩy nhanh tiến độ. “Từ những hỗ trợ của doanh nghiệp và đơn vị kết nghĩa, nhiều hộ dân đã ổn định chỗ ở, nỗi lo lắng về thiên tai cũng dần được xoa dịu” - ông Phức chia sẻ.

Đổi mới cách làm

Những cuộc kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị ở hai miền xuôi - ngược đã được thực hiện nhiều năm rồi. Hàng nghìn chuyến đi, mang theo bao ước mơ cùng góp xây những đổi thay của miền núi. Mỗi đơn vị có mỗi cách làm riêng, mô hình ý nghĩa, gắn chặt thêm tình đoàn kết và hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, ở miền núi bây giờ có rất nhiều công trình ghi dấu tình đoàn kết đặc biệt giữa chính quyền, nhân dân và các đơn vị đồng bằng đối với miền núi.

Ngoài các công trình an sinh xã hội, mô hình phát triển sinh kế, hàng trăm căn nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế… được xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo, thay đổi cuộc sống cho đồng bào miền núi.

“Đây được xem là kết quả nổi bật, không chỉ đáp ứng mục tiêu theo chủ trương kết nghĩa của tỉnh, mà còn làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Với cách làm sáng tạo, nhiều địa phương, đơn vị đã thực sự là cầu nối giúp nhau vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp” - ông Giản nói.

Thay đổi cách làm, những năm qua, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam (Agribank  Quảng Nam) đã linh hoạt trao sinh kế giúp đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng (Tây Giang) có cơ hội tiếp cận phương thức canh tác mới đem lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo.

Giảm dần những vật chất “trao tay”, Agribank Quảng Nam phối hợp nắm bắt nhu cầu của người dân để hỗ trợ, chú trọng đến phát triển sinh kế bền vững. Hàng nghìn cây con giống: mít Thái Lan, xoài Đài Loan, vịt xiêm… được chuyển tặng người dân xã kết nghĩa giúp họ phát triển các mô hình kinh tế mới. Agribank Quảng Nam cũng đã xây dựng 39 ngôi nhà tình nghĩa, giúp đồng bào khó khăn ở xã Lăng an cư, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống…

Kể từ khi chủ trương kết nghĩa của tỉnh được triển khai, nhất là sau Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đất liền được ban hành, những chuyến ngược - xuôi phía mây ngàn biêng biếc cứ dài thêm, ăm ắp nghĩa tình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía mây ngàn biêng biếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO