Phòng chống thiên tai trong đại dịch

THÀNH CÔNG 22/08/2021 06:21

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cho thấy nguy cơ lây lan dịch chưa dừng lại. Trong khi đó, mùa mưa lũ cũng cận kề. Trước những thiệt hại chưa từng có ở Quảng Nam do thiên tai gây ra năm 2020 đi cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, phương án ứng phó với thiên tai, thích nghi và đảm bảo an toàn phòng chống dịch đã và đang được gấp rút triển khai.

Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai năm 2020 được đánh giá là có phần bị động do mức độ, phạm vi xảy ra lũ quét, lũ ống ở mức lịch sử, chưa từng được ghi nhận trước đó.
Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai năm 2020 được đánh giá là có phần bị động do mức độ, phạm vi xảy ra lũ quét, lũ ống ở mức lịch sử, chưa từng được ghi nhận trước đó.

Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN) tỉnh về vấn đề này.

Sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao

* Kết quả công tác ứng phó thiên tai năm 2020 tới thời điểm hiện tại như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Xuân Tý.
Ông Trương Xuân Tý.

Năm 2020 Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng của bão số 5 và số 9 gây mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tập trung các huyện miền núi. Nặng nhất là lũ quét xuất hiện Nam Trà My và Phước Sơn, gây thiệt hại về nhà cửa và con người. Đây là kịch bản gần như chưa được đề cập trong ứng phó thiên tai trước đây. Lũ ống, lũ quét rất khó dự báo, diễn ra quá đột ngột, công tác chỉ đạo ứng phó có phần bị động.

Để ứng phó với những diễn biến phát sinh, trong công tác chỉ đạo, UBND tỉnh vừa lồng ghép khắc phục thiệt hại, gắn với công tác tái thiết ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát các khu đất ổn định lâu dài để bố trí sắp xếp dân cư cho người dân. Về cơ bản các huyện đã sắp xếp xong các vùng nguy cơ cao.

Một số huyện như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My vẫn đang hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão để đưa người dân về các khu tái định cư tập trung cũng như các khu nhà ở xen ghép trong dân cư để đảm bảo cuộc sống ổn định.

Qua kết quả nghiên cứu khoa học triển khai trên địa bàn tỉnh, cơ bản xác định 93 điểm có nguy cơ sạt lở. Ban PCTT-TKCN đã công bố rộng rãi cho địa phương và đề nghị có biện pháp cảnh báo cho người dân, không được quy hoạch bố trí dân cư ở các điểm này và phải có biện pháp cảnh báo trong mùa mưa bão để hạn chế người dân tới các khu vực.

Trước mắt, nhằm chủ động hơn trong công tác ứng phó thiên tai, các địa phương miền núi được yêu cầu phải xem trọng sạt lở đất do lũ ống, lũ quét, tăng cường công tác theo dõi mưa; kiểm đếm những vùng có nguy cơ, khi có bản tin cảnh báo là di dời dân ngay.

* Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ chưa dừng lại. Vậy phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh sẽ như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Chi cục PCTT đang trình tỉnh phê duyệt đề cương dự toán xây dựng app PCTT, lồng ghép trong ứng dụng Smart Quảng Nam. Trong app này sẽ có tất cả thông tin về thiên tai, xây dựng thêm hệ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn ứng phó với các loại hình thiên tai, số liệu mưa, dự báo, bản đồ ngập lụt… đều được tích hợp. Song song đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN đang xây dựng phần mềm quản lý sơ tán dân, sẽ tập huấn xuống xã và phổ biến cho dân.

Năm 2020 thiên tai xảy ra ban ngày nên có đủ thời gian để huy động lực lượng, tiếp cận hiện trường nhanh để hỗ trợ nhân dân. Từ thực tiễn đó, năm 2021 này, tất cả các cấp đều phải chú trọng, xây dựng kế hoạch ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều lần; trước đó, phải chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế.

Theo đánh giá chung, Quảng Nam có 3 loại hình hàng năm đều xảy ra: bão và áp thấp, mưa lớn gây lũ ống lũ quét và ngập lụt trên diện rộng. Từ thực tiễn này, công tác ứng phó được khu trú lại, hướng dẫn tập trung cho các loại hình thiên tai nói trên.

Ngoài các quy định chung của Nhà nước, Luật PCTT, Nghị định 66, phải xây dựng một kịch bản riêng, bổ sung kịch bản phòng chống dịch Covid-19. Kịch bản này sẽ chia ra làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn phòng ngừa (từ đây đến trước mùa mưa lũ); ứng phó khi thiên tai xảy ra và giai đoạn khắc phục khi thiên tai đã qua, đưa người dân về lại.

Chủ động ứng phó rất quan trọng

* Những thay đổi trong 3 giai đoạn của kịch bản cụ thể là gì, thưa ông?

Trong giai đoạn phòng ngừa, theo kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh Covid-19, việc chỉ huy tại chỗ phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ huy PCTT và Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đây là vấn đề rất quan trọng. Địa phương phải chủ động chuẩn bị đầy đủ công cụ, trang thiết bị, thuốc men, công cụ ứng phó dịch. Các kịch bản để điều hành ứng phó Covid-19 phải nằm trong phương án ứng phó thiên tai này.

Trong trường hợp cao nhất, nơi xảy ra thiên tai đang thực hiện Chỉ thị 16, địa phương nào cũng phải khu trú, điều hành trong tình huống phải tách biệt xã với xã, thôn với thôn, huyện với huyện, việc chủ động có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được nâng lên một cấp  độ mới.

Cả phòng chống dịch Covid-19 và thiên tai đều phải ưu tiên “4 tại chỗ”, song trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh diễn ra cùng lúc, lương thực dự trữ phải nhiều hơn, sẵn sàng cho khu cách ly tập trung.

Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai trước dịch bệnh. Đây là lực lượng xung kích, nên mọi hoạt động buộc phải đúng quy trình chống dịch, để khi có trường hợp điều đi ứng phó sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

* Theo ông, sơ tán tại chỗ như thế nào thì hiệu quả?

Công tác sơ tán dân cũng sẽ thay đổi theo hướng ưu tiên xen ghép, sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Trong thời gian này, các xã phải thống kê được nhà kiên cố trên địa bàn, quy mô chứa được người sơ tán đảm bảo 5K. Trong trường hợp trước đây, có thể ở tập trung, nhưng nếu dịch bệnh, sẽ phải giảm lượng người.

Nếu chỗ sơ tán không đảm bảo, cần tính toán giải pháp ngay. Hiện nay một số địa phương có thể sẽ phải hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh kiên cố bên cạnh nhà, vừa phục vụ sinh hoạt, vừa làm nơi tránh trú, chống chịu được trong khi bão đổ bộ. Địa phương phải đánh giá, đề xuất hỗ trợ nếu vượt khả năng nguồn lực. Giải pháp này cũng giúp hạn chế tập trung đông người khi sơ tán tập trung, giảm bớt nguy cơ lây lan dịch.

Tính toán nhân lực trong bối cảnh mới

* Nhưng, thưa ông, vừa chống dịch, vừa chống thiên tai là điều không dễ dàng…

Phải sẵn sàng huy động lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, hóa chất khử trùng. Trong trường hợp sơ tán phải khử khuẩn cho các địa điểm chuẩn bị sơ tán dân đúng theo quy trình của y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất phải tiêm vắc xin sớm cho lực lượng xung kích PCTT, vì lực lượng này có thể phải làm song song 2 nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh.

Một điều rất quan trọng là phải kiểm tra lại độ an toàn các cơ sở, đặc biệt là cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế, các trung tâm y tế để kịp thời sửa chữa, chống chịu được bão. Nhiệm vụ này phải được bổ sung vào phương án ứng phó thiên tai cấp xã trở lên ngay trong thời điểm này.

Về ứng phó, các xã, phường phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và dịch bệnh, nắm chắc khu vực diễn ra dịch bệnh ở cấp độ nào để từ phương án phòng ngừa triển khai cho phù hợp. Xã có nguy cơ xảy ra dịch sẽ phải khác xã đã có dịch, phải có sự linh động trong sơ tán, huyện phải nắm chắc để chỉ đạo.

Ngoài ra tăng cường sử dụng các kênh zalo, facebook, kết nối các nhóm điều hành. Năm ngoái việc này đã được làm theo từng cấp, liên lạc thường xuyên, thông tin rất nhanh, ứng dụng hiệu quả, kể cả công tác báo cáo về tình hình thiên tai.

* Thưa ông, nhân lực PCTT trong bối cảnh hiện nay đã có sự thay đổi ra sao?

Đó là sự vào cuộc của ngành y tế cũng như đảm bảo an ninh trật tự. Khi thiên tai thật sự xảy ra, phải tuân thủ chỉ huy, chỉ huy tập trung, bám sát kịch bản đã đề ra. Các địa phương được chỉ đạo xét nghiệm nhanh cho lực lượng PCTT, phòng chống dịch trước khi sơ tán.

Phải test nhanh, đảm bảo khu sơ tán phải là khu an toàn, đã được kiểm soát dịch. Công việc sẽ rất nhiều, y tế sẽ rất vất vả, song phải tính toán, thậm chí đào tạo thêm để bổ sung nhân lực cho xét nghiệm.

Bên cạnh đó, kịch bản PCTT sẽ đưa thêm một số tình huống nếu xuất hiện ca F0 trong số dân sơ tán, bố trí sẵn sàng nơi cách ly nếu xuất hiện ca F0 để cách ly ngay khi sơ tán phòng thiên tai, thực hiện đúng quy định y tế. Ngoài ra, khi có thiên tai, nếu tình hình hỗn độn, cần có thêm việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tài sản cho dân ở các điểm dân cư.

Đối với giai đoạn khắc phục, vẫn phải đảm bảo trước hết là công tác an ninh. Ban chỉ đạo sẽ đánh giá nhanh tình hình thiên tai và dịch bệnh, nếu tình hình đảm bảo, không xuất hiện nguy cơ lây lan dịch thì thực hiện đưa người dân về. Trường hợp nếu xuất hiện phải phân loại và thực hiện quy trình phòng chống dịch Covid-19 theo quy trình của y tế. Tập trung nhất vẫn là xây dựng và bám sát phương án sơ tán dân theo “4 tại chỗ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống thiên tai trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO