Quan trắc động đất ở Sông Tranh 2: Sớm cung cấp thông tin cho người dân

THÀNH CÔNG 21/12/2022 07:30

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã nhấn mạnh ý trên tại hội thảo “Quan trắc và nghiên cứu động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2” do UBND tỉnh phối hợp với Viện Vật lý địa cầu và Thủy điện Sông Tranh vừa tổ chức.

Trực thăng tham gia diễn tập ứng phó động đất tại Bắc Trà My tháng 8/2013. Ảnh: T.C
Trực thăng tham gia diễn tập ứng phó động đất tại Bắc Trà My tháng 8/2013. Ảnh: T.C

Tác động do tích và xả nước

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2011 - 2022, đơn vị này quan sát được hơn 4.500 trận động đất có độ lớn từ 0,5 - 4,7 độ richte. Phân bố chấn tiêu động đất tập trung chủ yếu ở độ sâu khoảng 5 - 10km, độ sâu trung bình là 6km.

Với tần suất động đất lớn từ sau khi hồ thủy điện tích nước và độ sâu chấn tiêu nông khẳng định các động đất quan sát được ở khu vực Bắc Trà My và lân cận là động đất kích thích.

Th.s Đinh Quốc Văn (Viện Vật lý địa cầu) thông tin, từ tháng 11/2010 đến tháng 12/2021, mực nước hồ Sông Tranh 2 đã trải qua 20 chu kỳ tích/xả nước, trong đó ghi nhận sự trễ giữa thời điểm bắt đầu của chu trình tích xả và thời điểm bắt đầu của khoảng thời gian hoạt động động đất tích cực trong khoảng 70 - 85 ngày.

“Kết quả mô phỏng ứng suất Coulomb cho thấy sự tích nước của hồ chứa có ảnh hưởng đến sự xuất hiện của động đất. Động đất xảy ra ngay sau khi hồ Sông Tranh 2 tích nước là do tải trọng của hồ chứa. Hoạt động động đất tăng lên khi mực nước hồ giảm xuống do ảnh hưởng của áp suất lỗ rỗng” - ông Đinh Quốc Văn nói.

Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, kết quả nghiên cứu cho phép đưa ra nhận định động đất ở khu vực sông Tranh 2 là loại phản ứng nhanh. Trận động đất lớn nhất xảy ra vào năm 2012 hầu như không gây hậu quả nghiêm trọng cho đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng như cho các công trình xây dựng dân sinh khác trong khu vực. Động đất ở khu vực này diễn ra mạnh mẽ nhất từ năm 2012 đến 2018 và đã giảm đáng kể về tần suất và cường độ sau đó.

Kiến nghị duy trì mạng quan trắc

TS. Văn Đức Tùng (Viện Địa chất) nói, các đới đứt gãy trong vùng bán kính 30km từ tim đập thủy điện Sông Tranh 2 có mức độ hoạt động trung bình, trung bình yếu. Tuy nhiên, đới đứt gãy phương tây bắc - đông nam và á vĩ tuyến có biểu hiện hoạt động rõ ràng hơn. Sự tăng cao của hàm lượng radon trong khí đất trên một số đứt gãy trong khu vực công trình đầu mối thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy khu vực này vẫn chưa ổn định.

Các đại biểu dự hội thảo “Quan trắc và nghiên cứu động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2” . Ảnh: T.C
Các đại biểu dự hội thảo “Quan trắc và nghiên cứu động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2” . Ảnh: T.C

Viện Vật lý địa cầu kiến nghị tiếp tục duy trì mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác kịp thời thông tin hoạt động động đất trong khu vực. Đồng thời thiết lập bổ sung trạm quan trắc động đất đối với các thủy điện khác phục vụ theo dõi, nghiên cứu hoạt động động đất; tiếp tục nghiên cứu về động đất kích thích đối với các thủy điện...

TS. Nguyễn Ánh Dương (Viện Vật lý địa cầu) cho hay, do thẩm thấu của nước hồ lan ra xung quanh làm kích hoạt năng lượng tích lũy các đoạn đứt gãy và kích hoạt động đất. Việc tích nước có góp phần làm xuất hiện động đất kích thích, tuy nhiên đây không phải là tác nhân duy nhất.

Điều quan trọng là cường độ động đất được dự báo sẽ không gây hậu quả gì nghiêm trọng cho đập thủy điện cũng như các công trình dân sinh khác. Tuy nhiên, việc duy trì hệ thống quan trắc có vai trò quan trọng, là nền tảng để mở rộng sang các công trình thủy điện khác, phục vụ nghiên cứu, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho chính quyền và người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, động đất đã tác động lớn đến đời sống cư dân cũng như kinh tế, xã hội của nhiều địa phương, đặc biệt là Bắc Trà My. Kết quả của hội thảo có vai trò quan trọng về mặt nghiên cứu, tạo cơ sở khoa học để đưa ra những cảnh báo, giải pháp ứng phó, thích nghi, thông tin rộng rãi đến người dân về đánh giá mức độ an toàn và những khuyến nghị.

“Quan trọng nhất là phải đưa được thông tin quan trắc về động đất, thường trực hơn trong mùa mưa bão để người dân nắm bắt, đưa ra chỉ số để người dân biết mức độ an toàn. Kết quả cuối cùng, là người dân phải biết thông tin. Đây cũng là cách để đập tan tin giả về động đất. Nếu có những thủy điện khác có nguy cơ ảnh hưởng động đất, tỉnh ủng hộ chủ trương mở rộng nghiên cứu để đi trước một bước, chủ động trong dự báo và đề xuất giải pháp ứng phó” - ông Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quan trắc động đất ở Sông Tranh 2: Sớm cung cấp thông tin cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO