Quế Sơn nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa

NHÃ PHƯƠNG – DUY THÁI 26/04/2021 08:30

Qua 20 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn Quế Sơn trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào chiều sâu ở cộng đồng dân cư.

Tộc Lê Khắc (xã Quế Xuân 2) mừng thọ những người cao tuổi. Ảnh: T.P
Tộc Lê Khắc (xã Quế Xuân 2) mừng thọ những người cao tuổi. Ảnh: T.P

Phát huy vai trò tộc họ

Tộc Lê Khắc làng Mông Lãnh (xã Quế Xuân 2) hiện có 348 hộ gia đình. Tộc đã xây dựng quy ước gồm 6 chương, 29 điều và thành lập Hội đồng gia tộc, Hội đồng trưởng lão, Hội nàng dâu, Ban khuyến học. Năm 2012, tộc được UBND xã Quế Xuân 2 công nhận tộc họ văn hóa. 

Ông Lê Văn Phúc – Trưởng tộc Lê Khắc cho biết, những năm qua vai trò của tộc họ trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy rõ nét. Con cháu luôn hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống dòng họ, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giúp nhau phát triển kinh tế. Đặc biệt, tộc Lê Khắc luôn chăm lo phong trào khuyến học, khuyến tài.

Trong 10 năm qua, tộc vận động hơn 300 triệu đồng khen thưởng, hỗ trợ con cháu học tập. Tính đến nay, tộc có hơn 300 cháu tốt nghiệp đại học và 5 tiến sĩ. Con cháu tộc Lê Khắc còn tự nguyện hiến hơn 500m2 đất, đóng góp 200 triệu đồng và ngày công xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, tộc đều tổ chức mừng thọ các cụ từ 80 tuổi trở lên.

Ông Lý Xuân Phong – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn cho biết, thời gian qua Mặt trận các xã, thị trấn tích cực vận động, hướng dẫn các tộc họ đăng ký, xây dựng quy ước và tổ chức lễ phát động xây dựng tộc họ văn hóa. Trên địa bàn Quế Sơn có 348 tộc họ, trong đó có 130 tộc đăng ký xây dựng tộc họ văn hóa; 121 tộc có quy ước và tổ chức lễ phát động. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 99 tộc được công nhận danh hiệu tộc họ văn hóa.

Các tộc họ ở Quế Sơn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản và luôn nỗ lực kết nối, tập hợp con cháu thực hiện những nội dung trong quy ước, phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ tập tục lạc hậu. Những năm qua, các tộc họ có nhiều việc làm thiết thực như vận động con cháu hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện mô hình không rải vàng mã trên đường đưa tang, tộc họ không có người sinh con thứ 3 trở lên, ông bà mẫu mực - con cháu thảo hiền, tộc họ không còn hộ nghèo. Hầu hết tộc họ đều xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Tổ chức mừng thọ các cụ cao niên và hỗ trợ người khó khăn trong tộc.

“Mỗi tộc họ đều hướng đến xây dựng sự cố kết họ hàng, lưu truyền những giá trị tốt đẹp. Phong trào xây dựng tộc họ văn hóa có bước chuyển biến tích cực, đã góp phần quan trọng vào phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện” – ông Phong nhìn nhận.

Chuyển biến tích cực

Trong 20 năm qua, Quế Sơn đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư về phong trào TDĐKXDĐSVH. Nhờ đó, phong trào trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào chiều sâu.

Bà Nguyễn Thị Kim (chuyên viên Phòng VH – TT Quế Sơn) cho biết, đến nay toàn huyện có 21.005 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 94,8%); 65 thôn/tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (tăng 60 thôn/tổ dân phố so với năm 2000), trong đó có 3 thôn/tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa liên tục 15 năm, 14 thôn/tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 10 năm liền trở lên và 48 thôn/tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa từ 5 - 9 năm; 90% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 7 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng cũng được Quế Sơn quan tâm thực hiện. Huyện đã rà soát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận 32 di tích lịch sử cấp tỉnh và 2 di tích lịch sử cấp quốc gia. Khôi phục 18 câu lạc bộ tuồng, dân ca ở 13 xã, thị trấn.

“Cùng với nguồn xã hội hóa, từ năm 2012 - 2019, UBND huyện Quế Sơn đã trích 2% kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn có trung tâm VH - TT, 74/74 thôn/khối phố có nhà văn hóa. Trên địa bàn huyện có 16 sân bóng đá, 138 sân bóng chuyền, 8 sân thi đấu cầu lông trong nhà, 4 cơ sở bóng đá nhân tạo... đảm bảo phục vụ sinh hoạt, hội họp của nhân dân” – bà Kim nói.

Ông Lê Quang Tiên Sơn – Trưởng phòng VH-TT Quế Sơn nhìn nhận, qua 20 năm triển khai, phong trào TDĐKXDĐSVH được các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở phối hợp thực hiện có hiệu quả, trở thành phong trào lan tỏa trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; củng cố Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ huyện đến cơ sở đảm bảo hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, thôn/khối phố văn hóa, tộc họ văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khích lệ phong trào” – ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO