Quế Sơn phát huy giá trị di tích lịch sử

MAI LINH - DUY THÁI 16/06/2021 06:47

Nhiều di tích lịch sử được huyện Quế Sơn chú trọng đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Huyện đoàn Quế Sơn góp công xây dựng Bia di tích hang Đá Bể ở thị trấn Đông Phú. Ảnh: T.L
Huyện đoàn Quế Sơn góp công xây dựng Bia di tích hang Đá Bể ở thị trấn Đông Phú. Ảnh: T.L

Quan tâm đầu tư tôn tạo

Ông Lê Thọ Tường - Phó Trưởng phòng VH-TT Quế Sơn cho biết, công tác quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích luôn được địa phương quan tâm thực hiện.

Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã rà soát, lập hồ sơ đề nghị và được UBND tỉnh xét công nhận 10 di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: mộ Phạm Nhữ Dực, hố Hóc Mạng - rừng già Châu Sơn, hang Đá Bể, Đền thờ liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh đài, đình làng Gia Cát, đình làng An Long, địa điểm cuộc đấu tranh chính trị cầu Sông Con, từ đường tộc Nguyễn làng Hương Quế, tự đường Tam vị tiền hiền làng Hương Quế, đình làng Dưỡng Mông.

Từ nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ và nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 28,3 tỷ đồng, Quế Sơn đã trùng tu, tôn tạo 19 di tích, như Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi, tự đường Tam vị tiền hiền làng Hương Quế, đình làng An Long, vụ thảm sát chợ Đàng, đình làng Châu Sơn, di tích chiến thắng Mộc Bài, Đền thờ liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh đài...

Trên địa bàn Quế Sơn hiện có 2 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh, trong đó di tích cấp quốc gia do huyện quản lý, di tích cấp tỉnh được ủy quyền cho chính quyền cấp xã quản lý. Tuy nhiên, việc bảo tồn, đầu tư tôn tạo các di tích trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế; các xã, thị trấn ít quan tâm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Nhiều di tích có giá trị chưa được lập hồ sơ...

“Thời gian tới, Phòng VH-TT Quế Sơn tiếp tục tham mưu UBND huyện rà soát, lập hồ sơ di tích lịch sử trên địa bàn và đề nghị cấp trên công nhận. Ngoài tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, không để di tích bị xâm hại, đề nghị huyện chỉ đạo lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích.

Kêu gọi nguồn xã hội hóa và đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí tôn tạo di tích chưa trùng tu, có nguy cơ xuống cấp như nhà thờ tộc Đinh ở thị trấn Hương An, Dốc Tầng tại xã Quế Xuân 2, đình làng Gia Cát ở xã Quế Phong, hố Hóc Mạng tại xã Quế An, địa điểm cuộc đấu tranh chính trị cầu Sông Con thuộc thị trấn Đông Phú” - ông Lê Thọ Tường nói.

Giáo dục truyền thống cách mạng

Chị Trần Thị Thu Dung - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quế Phú cho biết, trên địa bàn có 3 di tích lịch sử, trong đó di tích Hòn Hầm được dựng bia, 2 di tích Đền liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh đài và Tượng đài chiến thắng Mộc Bài được đầu tư xây mới.

Tại các di tích này, Đoàn xã đã tổ chức nhiều hoạt động như giới thiệu di tích cho đội viên, kết nạp đoàn viên mới, quay video clip dự thi hát Quốc ca, nói chuyện truyền thống, giao lưu với nhân chứng lịch sử, dâng hoa... thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

“Những năm trước, Đoàn xã thường tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ ở ngoài địa phương. Hiện nay, các di tích lịch sử trên địa bàn xã được tôn tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tổ chức nhiều hơn các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ địa phương” - chị Dung chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân (bên phải) trao bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với hố Hóc Mạng - rừng già Châu Sơn cho lãnh đạo xã Quế An (Quế Sơn). Ảnh: T.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân (bên phải) trao bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với hố Hóc Mạng - rừng già Châu Sơn cho lãnh đạo xã Quế An (Quế Sơn). Ảnh: T.L

Chị Đỗ Thị Linh Phương - Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn cho hay, các di tích lịch sử trong huyện đã trở thành địa chỉ đỏ quen thuộc của tuổi trẻ Quế Sơn. Hằng năm, Huyện đoàn và các tổ chức đoàn trực thuộc đều triển khai hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng.

Huyện đoàn cũng vừa phối hợp Phòng VH-TT Quế Sơn xây dựng bia di tích lịch sử hang Đá Bể tại thị trấn Đông Phú; huy động cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia vận chuyển vật liệu và hỗ trợ xây dựng công trình này. Ở cơ sở, các tổ chức đoàn ra quân trồng cây xanh, dọn vệ sinh, sơn sửa khu di tích, chứng tích, nghĩa trang liệt sĩ...

“Những năm đến, Huyện đoàn Quế Sơn tiếp tục phối hợp với ngành chức năng và các địa phương triển khai hoạt động bảo vệ, tạo cảnh quan các di tích lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ” - chị Phương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn phát huy giá trị di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO