Rời làng vì lo ngại sạt lở

PHÚ THIỆN |

Xã Trà Leng (Nam Trà My) mấy ngày nay mưa nặng hạt. Băng qua khu vực sạt lở tại nóc Ông Đề, bùn đất còn ngổn ngang, chúng tôi lặn lội tìm về nóc Ông Hiền (thôn 2, Trà Leng) với đôi chân và tâm trạng nặng trĩu.

Vợ chồng chị Danh rời nóc Ông Hiền về xuôi. Ảnh: P.THIỆN
Vợ chồng chị Danh rời nóc Ông Hiền về xuôi. Ảnh: P.THIỆN

Núi rừng cưu mang

Nóc Ông Hiền được núi non bao bọc, nơi đây, xung quanh làng không bóng dáng một cây keo, chỉ có rừng quế trùng trùng, điệp điệp, hương quế non thơm dịu tỏa ra khắp vùng. Làng tựa vào núi, hướng về phía sông Xoang, một dòng chảy nhỏ khá hiền hòa, nước trắng xóa len lỏi qua từng kẽ đá rồi đổ ra sông Leng. Bà Hồ Thị Giang, một trong những người lớn tuổi nhất của làng cho biết, sông Xoang này đã nuôi sống cả làng từ khi lập làng đến tận hôm nay, sông nhỏ vậy nhưng trù phú lắm, quanh năm cho cá, cho ốc, bảo vệ làng khỏi những thú rừng từ núi bên kia.

Hướng về phía núi, những bụi sương sớm còn níu đọng trên những tươi xanh của cây cỏ, xen lẫn vài thửa lúa rẫy vàng ươm báo hiệu sắp đến mùa thu hoạch. Bà Giang bồi hồi nhớ lại: “Trước đây phía ấy toàn những cây cao lớn, bọn trẻ con thường theo mẹ lên hái rau rừng đến tối mịt, đàn ông thì vào rừng bẫy vài ba con chim, thú nhỏ để dành cho cả mùa đông”.

Nhờ yêu quý và biết ơn núi rừng, người dân Mơ Nông tại nóc Ông Hiền quanh năm nâng niu từng mảnh đất, khóm cây, những chỗ bà con dựng được ngôi nhà thì cũng ráng trồng chen mấy gốc cau để cảm thấy gần núi non hơn. Từ xưa đến nay cũng chẳng có ai lấp sông, đào núi mà chỉ có bù đắp thêm cho những khoảng rừng già có cây bị ngã đổ, và những con suối nhỏ vẫn còn băng qua đường, trong xanh, mát lành đến lạ.

Năm nay cuộc sống bà con vẫn yên bình, vậy mà ngay sau khi cơn bão số 9 đi qua, mưa gió vừa dứt thì nước đột ngột dâng nhanh, từ thượng nguồn nơi vách núi, sông Xoang không một lời báo trước dâng nước về sát chân những ngôi nhà trên bãi bồi, bà con bỏ chạy, chim muông tan tóc, mất nhà…

Khó lựa chọn

Vào đến cuối làng, nơi có 7 căn nhà bị cuốn trôi do trận lũ quét hôm 27.10, chúng tôi ngơ ngác nhìn ra xa về phía dòng sông, không thấy dấu vết gì của những ngôi nhà mà người dân miêu tả. Ông Lê Hoàng Liên - một người dân sống ở nóc Ông Hiền tròn 19 năm, khi chúng tôi đến thì ông cùng vợ con đang tất bật tháo dỡ ngôi nhà gỗ còn vàng óng màu mùn cưa, chuẩn bị dời đi. “Nước lớn quá, may chỉ sạt đến đây” - ông Liên vừa nói vừa ra hiệu về phía mép sông, chỗ cách nền nhà ông chừng chưa đầy 2m. Mô đất chỗ này khá cao so với mặt nước, đất vẫn đang rơi từng mảng nhỏ lõm bõm xuống sông nghe đến rợn người.

Nhặt hòn đá ném thật xa về phía “lòng sông”, ông Liên cho biết trước đây bờ sông vốn ở chỗ đó, còn lòng sông bên kia nay đã trơ lên thành bãi đất cạn. Vậy là sau trận lũ, cả một đoạn sông Xoang đã chệch dòng chảy, vị trí chúng tôi thấy hiện tại nay cách dòng chảy cũ hơn 15m, giữa dòng vẫn còn một cây chò cổ thụ dựng cao sừng sững, nơi trước đây là bãi cát mà bọn trẻ trong làng thường rủ nhau ra chơi đùa, tắm mát.

Ngược tay về phía những ngọn núi, cách nhà ông Liên chừng vài chục mét là vị trí của 4 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, nay chỉ còn lại hố nước sâu và đục. Ở đó, chị Hồ Thị Nhất thẫn thờ đứng trên nền bê tông bị gãy sập một nửa dưới lòng sông, mới mấy ngày trước, chỗ này còn là tổ ấm của cả gia đình chị gồm 6 người. Chồng chị Nhất thức dậy từ sớm, cùng mấy thanh niên, đàn ông trong xóm đi nhận quà hỗ trợ dưới đồng bằng gửi lên. Chị một mình lủi thủi ra lại chỗ cũ với hy vọng vớt vát được vài thứ còn dùng được, nhưng chẳng còn gì ngoài mảng nền khô cứng. Lũ về, chị chỉ kịp hô hoán cả nhà chạy thoát, chẳng giữ được chút tài sản gì ngoài bộ quần áo mặc trên người.

Chị Nhất có 3 người con, cậu con trai lớn đã cưới vợ nhưng vẫn sống chung trong nhà. Nếu suôn sẻ thì tháng 12 này cả nhà sẽ đón thêm thành viên mới, vì con dâu chị sắp sinh. Nhưng điều vốn dĩ là niềm vui, niềm ấp ủ bao lâu ấy, nay lại trở thành nỗi lo với người phụ nữ Mơ Nông này. “Giờ đến chỗ ở còn không có, biết lấy gì để cho con dâu “lót ổ”. Mấy ngày này may được xã hỗ trợ và bà con xung quanh cưu mang, gia đình mới có nơi trú nắng, trú mưa” – chị Nhất trải lòng.

Cùng hoàn cảnh như chị Nhất, hàng chục hộ đồng bào Mơ Nông tại nóc Ông Hiền sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì đất ven bờ sông vẫn tiếp tục sạt vào làng, những ngôi nhà đã bị lũ cuốn coi như bỏ, các hộ còn lại lo giúp nhau tháo dỡ, đợi chính quyền xã đưa đến chỗ ở mới an toàn hơn. Khó khăn là vậy nhưng bà con cho biết, xã, huyện đang dồn sức để tìm kiếm nạn nhân ở nóc Ông Đề, thương chính quyền, thương bà con bên đó, người làng bên này cố gắng đỡ đần, động viên nhau vượt qua khó khăn.

Những bước chân hối hả trên đường làng giẫm đau cả lòng người, vợ chồng chị Đỗ Thị Danh đang cùng bà con chất mớ đồ lên xe máy, không quên chia sẻ mấy gói mì cho các em nhỏ. Vẻ tiếc nuối vẫn đang hiện rõ trên gương mặt của anh chị. Đôi vợ chồng này ở Tam Thành (huyện Phú Ninh) lên đây lập nghiệp cũng được ngót 9 năm nay, nay vì làng sắp dời đi nơi khác, anh chị cũng phải đi mặc dù còn nhiều bịn rịn. “Biết răng được em, mình lo giữ tính mạng trước cái đã, chừ về quê ở vài hôm, vài bữa anh chị lên lại ngóng thông tin, bà con ở đâu anh chị ở chỗ đó” – chị Danh tâm sự.

Địa phương sẽ bố trí nơi ở mới cho người dân

Trao đổi với chúng tôi chiều 4.11, đại diện chính quyền xã Trà Leng xác nhận tại nóc Ông Hiền có 7 căn nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, nhiều ngôi nhà khác cũng đứng trước nguy cơ sạt lở rất cao, người dân vì lo sợ nên rời làng sang nơi khác ở tạm.

Bà Lê Thị Thu Hằng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng cho biết, địa phương đã kịp thời động viên tinh thần, đồng thời tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm để người dân ổn định lại cuộc sống. Riêng các hộ dân bị mất nhà cửa, xã đã sắp xếp chỗ ở tạm, ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ thiện từ các tổ chức xã hội để bà con nơi đây không bị thiếu đói, chịu rét khi mưa đến.

“Xã đã có phương án và bố trí nơi ở mới cho người dân tại khu đất gần thao trường chung của 2 xã Trà Leng, Trà Dơn. Đây là khu đất mới, rộng lớn, an toàn và đảm bảo các nhu cầu cơ bản như hạ tầng giao thông, điện, nước, đất canh tác, đặc biệt là hạn chế thấp nhất các nguy cơ liên quan đến thiên tai” – bà Hằng cho biết.

TAGS

Hiện tượng lũ quét, sạt lở núi ở miền Trung: Bộ Tài nguyên và môi trường nói gì?

TRẦN HỮU |

Trước thông tin có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện, phá rừng là những nguyên nhân xảy ra thảm họa lũ ống, lũ quét, sạt lở ở khu vực miền núi, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) khẳng định, mấu chốt nằm ở yếu tố nội sinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi nạn nhân vụ sạt lở ở Trà Leng

VĂN VINH - HỒNG ANH |

(QNO) - Chiều nay 2.11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Nhận định về nguyên nhân sạt lở đất tại xã Trà Leng

AN BÌNH |

(QNO) - Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên vừa có báo cáo nhanh về nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và một số giải pháp ứng phó.

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở Trà Leng bằng đường thủy

XUÂN MAI |

(QNO) - Hôm nay 1.11, lực lượng công an và biên phòng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi tại thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My) bằng đường thủy.

Lãnh đạo tỉnh thăm, trao hỗ trợ nạn nhân bị thương do sạt lở đất

NGUYÊN ĐOAN |

(QNO) - Chiều 31.10, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm các nạn nhân bị thương do sạt lở núi tại thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My.

Hiểm họa sạt lở

THÀNH CÔNG |

Trong những ngày này, thảm họa sạt lở đã thành nỗi ám ảnh. Từ núi xuống biển, từ những làng mạc nhỏ bé nằm nơi chân đồi hay bờ biển Cửa Đại từng nằm trong top bờ biển đẹp của hành tinh lần lượt đối mặt với nỗi ám ảnh sạt lở. Đã có rất nhiều cuộc họp, hội nghị bàn tìm giải pháp, cùng rất nhiều công trình tiền tỷ cấp bách triển khai sau đó để cứu lấy từng mét bờ sông, bờ biển trước nguy cơ sạt lở. Bãi biển Cửa Đại vẫn mất dần, núi vẫn lở, hàng trăm hộ dân vẫn đối diện nguy cơ bị nuốt chửng. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền cần có những tính toán căn cơ hơn.

Không được cảnh báo trước!

PHÚC - NGƯỚC - ĐẠO - QUÂN |

QNO - Vụ sạt lở đất ở các xã Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My), Phước Lộc (Phước Sơn) gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tuy nhiên các cảnh báo về sạt lở của ngành chức năng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.