Sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025: Rà soát lại nhu cầu, cân đối nguồn lực

NGUYỄN ĐOAN 28/12/2022 05:52

Tiến độ thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2022 rất chậm, mới đạt 23,6% so với nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, với khoảng 558/2.358 hộ. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, cho thấy việc triển khai chính sách còn nhiều vướng mắc…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc sắp xếp dân cư tập trung tại huyện Tây Giang vào tháng 7/2021. Ảnh: N.ĐOAN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc sắp xếp dân cư tập trung tại huyện Tây Giang vào tháng 7/2021. Ảnh: N.ĐOAN

Khó khăn về quỹ đất

Giai đoạn 2017 - 2021, các huyện niềm núi của tỉnh đã sắp xếp di dời, ổn định chỗ ở cho 6.905 hộ theo các Nghị quyết 12 và 31 của HĐND tỉnh. Diện mạo các bản làng vùng cao từng bước thay đổi, cuộc sống người dân được ổn định, hạn chế rủi ro từ thiên tai, có cơ hội tiếp cận các điều kiện hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.

Sau khi hai nghị quyết nêu trên hết hiệu lực, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 với mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, với 7.821 hộ.

Trước những lo ngại về một số hộ dân sau khi thực hiện sắp xếp theo cơ chế Nghị quyết 12 và 31 của HĐND tỉnh đến nay có nguy cơ sạt lở cần được di dời, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá lại.

Trên cơ sở đó, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nghiên cứu sử dụng các quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam quản lý hoặc nguồn phòng chống thiên tai để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ phù hợp.

Đối với các trường hợp đảm bảo an toàn, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tâm lý, yên tâm chỗ ở. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão để chủ động kế hoạch sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản.

Tại Tây Giang, trên cơ sở nhu cầu của các xã, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện sắp xếp 507 hộ trong năm 2022, với tổng kinh phí hơn 52,3 tỷ đồng; trong đó ưu tiên thực hiện di dời 243 hộ nằm trong vùng thiên tai, có nguy cơ cao ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng đến tháng 10/2022, địa phương vẫn chưa thực hiện sắp xếp được hộ nào.

Giám sát về nội dung này trên địa bàn, theo bà Phùng Thị Dung - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, việc thực hiện Nghị quyết 23 chậm. Hầu hết địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan.

Đặc biệt việc tuyên truyền cơ chế chính sách chưa bám vào đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc thực hiện, điều kiện hỗ trợ và những trường hợp không hỗ trợ. Từ đó dẫn đến việc đăng ký tràn lan, nhiều trường hợp không đúng quy định tại Nghị quyết 23 và Quy định 2405 của UBND tỉnh.

Trong khi đó, điều kiện tự nhiên của huyện rất khó khăn, diện tích đất ở, đất sản xuất manh mún, phân tán gây khó khăn trong việc bố trí đất cho nhân dân. Ngân sách tỉnh cấp về chậm, đến tháng 10/2022 mới được 5,5 tỷ đồng, giải ngân được 1,5 tỷ đồng cho các hộ chuyển tiếp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, UBND huyện Phước Sơn đã phê duyệt danh sách thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025 cho hộ 381 hộ, với tổng kinh phí hơn 37,1 tỷ đồng.

Trong năm 2021, thực hiện sắp xếp cho 46/49 hộ. Năm 2022, đến tháng 10 mới hoàn thành sắp xếp cho 56/176 hộ theo kế hoạch; các hộ còn lại đang triển khai, giải ngân nguồn vốn đạt thấp (33,57%).

Phân tích các nguyên nhân, theo UBND huyện Phước Sơn, do điều kiện địa hình miền núi phức tạp, độ dốc lớn, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc chọn vị trí thuận lợi, phù hợp cho bố trí dân cư đảm bảo an toàn rất khó khăn, dẫn đến việc sắp xếp, ổn định dân cư mất nhiều thời gian.

Chậm bố trí vốn

Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh còn chậm, mới thực hiện được khoảng 550/2.358 hộ, đạt 23,3% so với nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2021 - 2022. Ngân sách tỉnh mới bố trí 87/295 tỷ đồng, bằng 29,5% kế hoạch vốn trong giai đoạn 2021 - 2022.

Khu tái định cư thôn K’noonh (xã A Xan, Tây Giang) được hình thành đáp ứng nhu cầu di dân, đảm bảo phòng chống thiên tai tại miền núi.   Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Khu tái định cư thôn K’noonh (xã A Xan, Tây Giang) được hình thành đáp ứng nhu cầu di dân, đảm bảo phòng chống thiên tai tại miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Giải thích nguyên nhân thực hiện Nghị quyết 23 chậm, theo ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 12 vừa qua, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, năm 2022, các địa phương tổng hợp, đề xuất thực hiện sắp xếp cho 1.589 hộ, với kinh phí 198 tỷ đồng theo định mức hỗ trợ.

Sau khi thẩm định, sở đề xuất bố trí 118 tỷ đồng, tuy nhiên UBND tỉnh mới cấp được 27 tỷ đồng, đến tháng 9/2022 cấp bổ sung thêm 6 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương triển khai sắp xếp di dời 558/2.358 hộ, đạt 23,6% kế hoạch. Việc thực hiện của các địa phương tương ứng với nguồn kinh phí đã phân bổ.

Ngoài ra, trong Nghị quyết 23 còn có một số vấn đề gây khó khăn về mặt thủ tục và đề nghị các ngành quan tâm phối hợp giải quyết, như: hướng dẫn thiết kế nhà ở, vật liệu làm nhà; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nơi sản xuất… nên các địa phương gặp lúng túng trong quá trình triển khai hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng.

Theo ông Tích, nguồn vốn bố trí cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 23 rất lớn, với gần 965 tỷ đồng. Trước tình hình thiệt hại nặng nề do sạt lở đất đợt mưa bão cuối năm 2020 nên các địa phương đã tổng hợp, đề xuất sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn. Con số đề xuất rất lớn, nhưng nếu khả năng cân đối ngân sách không đủ thì tỉnh sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu.

“Năm 2023, ngành sẽ tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có chủ trương rà soát nhu cầu sắp xếp lại dân cư, nhu cầu di dời dân thật sự theo tình hình thực tế của mỗi địa phương. Không nên chủ quan, không vì thấy tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt mà cứ thế vội đề xuất sắp xếp di dời” - ông Tích nói.

Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện Nghị quyết 23 theo mục tiêu, kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, lồng ghép nguồn vốn của chương trình với 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu (như điện, đường, nước sinh hoạt, thông tin…), phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025: Rà soát lại nhu cầu, cân đối nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO