Tăng cường thực thi giải pháp bảo vệ chim hoang dã, di cư

P.V |

(QNO) - Sở Tài nguyên và môi trường vừa phối hợp Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tổ chức diễn đàn "Tăng cường thực thi các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã, di cư" theo Chỉ thị 04 (ngày 17.5.2022) của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: P.V
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, hiện nay tình trạng săn, bẫy, bắt và mua bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, di cư vẫn diễn ra phức tạp do nhu cầu tiêu dùng, biếu tặng hay nuôi chim cảnh còn rất phổ biến. Người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ dịch bệnh từ chim hoang dã cũng như vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên.

Theo khảo sát do Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam thực hiện trong năm 2022, trong tổng số 29 hộ gia đình có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim, duy nhất 1 hộ có giấy phép kinh doanh. ​​Tất cả cơ sở kinh doanh còn lại đều không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các loài chim đang nuôi nhốt, kinh doanh. Phần lớn khách hàng của cơ sở là người nuôi chim cảnh/chim hót để giải trí tại nhà, một số khác mua chim để phóng sinh.

Tại diễn đàn, nhiều giải pháp được đưa ra như tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết tầm quan trọng của các loài chim hoang dã, di cư; phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân; sớm xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động bảo vệ các loài động vật và chim hoang dã, di cư; tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, căn cứ các giải pháp được thảo luận tại diễn đàn, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị về bảo vệ động vật và chim hoang dã, di cư trên địa bàn Quảng Nam.

Diễn đàn thuộc khuôn khổ hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do tổ chức WWF hỗ trợ kỹ thuật. WWF Việt Nam hiện đang hợp tác với Bộ NN&PTNT, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương.

TAGS

Bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu tại Hội An: Sử dụng công nghệ mới và năng lượng sạch

QUỐC HẢI |

Ứng dụng công nghệ mới và từng bước chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch đang góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hội An.

Bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng

TÂM LÊ |

Việc thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm bảo tồn cộng đồng tại vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Nông Sơn) là động thái đầu tiên trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững

QUỐC HƯNG |

Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) của UNESCO vừa ghi danh thêm 20 khu dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó, Việt Nam vinh dự có thêm 2 khu.