Tham vấn ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp dân cư miền núi

HIỀN THÚY 16/07/2021 15:32

(QNO) - Sáng 16.7, tại huyện Tây Giang, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân đối với dự thảo Đề án sắp xếp dân cư vùng miền núi giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng chủ trì. Tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, các già làng, người có uy tín; lãnh đạo các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh H.Thúy
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.THÚY

Qua 4 năm (2017-2020) thực hiện Cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12/2017 và Nghị quyết số 31/2018 của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng để hỗ trợ 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp ổn định dân cư. Đến cuối năm 2020 có 6.905 hộ tham gia thực hiện sắp xếp dân cư, trong đó có 2.914 hộ dân vùng thiên tai cần phải di dời khẩn cấp.

Riêng huyện Tây Giang, đến nay san ủi 115 mặt bằng với diện tích 370,5ha, bình quân mỗi hộ dân hơn 200m2, còn lại diện tích hơn 600m2 dành cho các công trình công cộng (gươl, trường học, sân thể thao, đường giao thông…), bố trí 4.690 hộ ở tập trung nhằm cuộc sống ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; diễn biến thiên tai, đặc biệt bão lũ, sạt lở đất thời gian qua ở các huyện miền núi diễn biến phức tạp, khó lường; nhu cầu bố trí dân cư trên địa bàn miền núi còn nhiều, trong đó có gần 2.400 hộ vùng thiên tai cần phải di dời khẩn cấp, bố trí sắp xếp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Nguyên TUV-Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang Bh'ríu Liếc có ý kiến tham vấn về Đề án sắp xếp dân cư miền núi. Ảnh H.Thúy
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh'ríu Liếc tham gia ý kiến về đề án sắp xếp dân cư miền núi. Ảnh: H.THÚY

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, đề án sắp xếp dân cư giai đoạn 2021-2025 là một đề án rất nhân văn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với những vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Các đại biểu đề xuất tỉnh, huyện trước khi đầu tư, san ủi, bố trí sắp xếp dân cư nên thành lập tổ khảo sát kỹ địa hình, địa chất. Khi quy hoạch, sắp xếp, bố trí mặt bằng hay làm nhà cần tham khảo ý kiến nhân dân. Khi triển khai phải làm một cách đồng bộ, không kéo dài gây khó khăn cho người dân, nhất là việc giải tỏa trắng tại làng cũ; đồng thời đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình như mương thoát nước mặt bằng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện, đường, trường, thiết bị chống sét...

Các đại biểu cũng cho rằng nên nâng mức hỗ trợ di chuyển nhà, vật liệu làm nhà tại nơi ở mới, công trình vệ sinh tùy theo vùng để có mức hỗ trợ hợp lý; hỗ trợ phí làm "sổ đỏ" đất ở; điều chỉnh quy hoạch, phân ranh giới rõ ràng 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng bố trí đất sản xuất; bố trí đất nghĩa trang, nghĩa địa cho khu dân cư; rà soát ưu tiên đầu tư, bố trí có mặt bằng ổn định đối với các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các hộ khó khăn về đất ở, đất sản xuất …

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, đề xuất bổ sung vào đề án quy hoạch sắp xếp dân cư để trình tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa X sắp đến.

Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, mục tiêu đề án là tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; ổn định về chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi. Đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn miền núi của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tham vấn ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp dân cư miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO