Thay đổi tên trung tâm đào tạo lái xe: Chuyện trớ trêu!

CÔNG TÚ 21/03/2023 06:53

Không chỉ mang tính hình thức, việc thay đổi tên gọi trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm “giáo dục nghề nghiệp” theo chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gây phiền hà, tốn kém. Trớ trêu hơn là điều này không có trong quy định.

Thương hiệu “Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam” gầy dựng từ năm 2005 đã không còn. Ảnh: CT
Thương hiệu “Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam” gầy dựng từ năm 2005 đã không còn. Ảnh: CT

Thành lập vào năm 2005 theo chủ trương xã hội hóa, Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Sát hạch lái xe Quảng Nam tại thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên (Thăng Bình). Tháng 10/2015, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam thành lập cơ sở đào tạo lái ô tô và mô tô lấy tên chính doanh nghiệp theo phương châm xã hội hóa của Chính phủ.

Giám đốc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam - ông Phạm Hồng Sơn cho biết, để đảm bảo hoạt động tuân thủ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015), Sở LĐ-TB&XH yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe phải thành lập, đổi tên theo quy định. Ngày 4/7/2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn thuộc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam ra đời có tư cách pháp nhân, có con dấu… do UBND tỉnh cấp.

Tính đến nay, các đơn vị tham gia đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh gồm có Trường Cao đẳng Quảng Nam; Công ty CP Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam; Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam; Công ty TNHH Nguyên Bảo Bối; Công ty CP Vận tải Quảng Nam; Trường Cao đẳng Phương Đông; Công ty TNHH Phúc Hoàng Ngân.

Ngoài Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp kinh doanh đào tạo lái xe đã thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp từ buổi ban đầu.

Đó là, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hoàng Long (Công ty TNHH Nguyên Bảo Bối); Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp vận tải Quảng Nam (Công ty CP Vận tải Quảng Nam); Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Phú Ninh (Công ty TNHH Phúc Hoàng Ngân).

Công ty CP GTVT Quảng Nam là đơn vị có bề dày truyền thống của ngành GTVT tỉnh. Năm 2005, doanh nghiệp thành lập đơn vị trực thuộc là Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam, trong đó có đào tạo lái ô tô và mô tô, trở thành thương hiệu trong và ngoài tỉnh, với hàng chục nghìn học viên được đào tạo những năm qua.

Cuối năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) có Công văn số 3033 yêu cầu các cơ sở có tên gọi “trung tâm dạy nghề và trung tâm đào tạo lái xe ô tô” cần đổi tên. Tên mới phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

“Lúc ấy, lãnh đạo công ty trăn trở rất nhiều, vì việc đổi tên sẽ kéo theo bao vấn đề khác. Hơn nữa, thương hiệu của trung tâm vốn đã gầy dựng bấy lâu phải “cắt bỏ”, thật sự tiếc lắm!” - ông Lê Thủy Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam nói.

Ngày 14/6/2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có Công văn số 1181 gửi Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề nghị tiếp tục hướng dẫn cơ sở bảo đảm tên gọi cho phù hợp để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định, theo hướng dẫn tại Công văn số 3033; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/7/2022.

Ngày 27/6/2022, Sở LĐ-TB&XH đã có Công văn số 1428 gửi Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam đề nghị khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục đề nghị điều chỉnh tên gọi đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, gửi về cho sở trước ngày 12/7/2022 để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Theo ông Lê Thủy Thành, doanh nghiệp từng lên tiếng thực chất của việc đổi tên để có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp” chỉ là hình thức, bởi lẽ sẽ không thay đổi chức năng, nhiệm vụ của trung tâm.

Ngược lại, đổi tên thì những giấy tờ, thủ tục khác phải thay đổi theo sẽ phát sinh chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo cũng như thương hiệu được xem là “tài sản vô hình” của đơn vị.

Nhưng trước chỉ đạo có thời hiệu của cấp thẩm quyền, Hội đồng quản trị Công ty CP GTVT Quảng Nam họp, thống nhất làm hồ sơ, thủ tục đề nghị đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp GTVT - Chi nhánh Công ty CP GTVT Quảng Nam, gửi Sở LĐ-TB&XH thẩm định và đã trình, được UBND tỉnh quyết định cho phép đổi tên vào ngày 25/7/2022.

Để hoạt động đúng quy định do đổi tên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp GTVT Quảng Nam phải làm thủ tục để được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, đổi giấy phép đào tạo lái xe, giấy đăng ký hoạt động nghề, con dấu.

Phương tiện đào tạo của trung tâm có 94 xe hạng B2 và 16 xe hạng C bắt buộc phải đổi lại giấy đăng ký xe (còn gọi là cà vẹt) theo tên mới. Ngoài ra, trung tâm còn phải thay đổi tên logo dán bên ngoài 2 bên thành xe cùng nhiều giấy tờ khác.

“Muốn thay đổi cà vẹt, chúng tôi phải sắp xếp xe từng đợt để đưa đi đăng ký với cơ quan chức năng, chứ không thể làm đồng loạt vì còn liên quan đến việc dạy thực hành cho học viên đang diễn ra” - ông Lê Thủy Thành nói.

Chính thức hoạt động vào tháng 6/2021, Trường Cao đẳng Quảng Nam có mảng đào tạo lái xe (từ Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam chuyển qua), thuộc Trung tâm Đào tạo và giáo dục thường xuyên.

Một cán bộ phụ trách trung tâm cho biết, tháng 8/2022, trung tâm đào tạo lái xe được tách ra từ Trung tâm Đào tạo và giáo dục thường xuyên. Do thời gian gấp rút, trung tâm chưa làm xong các thủ tục để có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Đến ngày 21/2/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có kết luận, Công văn số 3033 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là trái pháp luật. Theo đó, Cục đã xác minh “không có quy định” về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 (luật cũ) phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Như vậy, việc “tuýt còi” của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã “trút” gánh nặng cho Trường Cao đẳng Quảng Nam. Riêng với Công ty CP GTVT Quảng Nam, việc chuyển đổi tên gọi và các hồ sơ, thủ tục liên quan đã hoàn tất, nay lại hồi hộp không biết có bị buộc phải đổi về tên cũ. Nếu thế thật thì thật tréo ngoe!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi tên trung tâm đào tạo lái xe: Chuyện trớ trêu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO