Thở phào vì mưa bão đi qua...

THÀNH CÔNG 30/09/2022 06:43

Sự chủ động từ phía chính quyền lẫn người dân đã góp phần rất lớn giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh. Cơn bão mạnh quét qua, thiệt hại được ghi nhận ở hầu hết địa phương, song tính mạng, tài sản của nhân dân đã được bảo vệ tối đa nhất có thể. Đây cũng là kinh nghiệm quý để tiếp tục ứng phó, khi mùa mưa bão chỉ vừa mới bắt đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm hỏi ông Nguyễn Đình Tùng (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương), nhà bị tốc mái sau bão số 4. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm hỏi ông Nguyễn Đình Tùng (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương), nhà bị tốc mái sau bão số 4. Ảnh: T.C

Sẵn sàng “chống bão”

“Nếu chúng ta không chủ động, thực hiện kiên quyết các phương án ứng phó ngay từ đầu, có thể thiệt hại đã lớn hơn. Tôi đã rất lo từ khi nhận tin báo bão, thậm chí nghĩ tới kịch bản kinh tế - xã hội của tỉnh có thể thụt lùi tới vài ba năm, 5 năm do bão tàn phá. Nhưng mọi chuyện tới lúc này đã cho thấy, chúng ta, cả chính quyền và người dân đều đang làm tốt việc chống chịu, thích nghi với thiên tai” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói với lãnh đạo huyện Duy Xuyên, khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 4 tại điểm Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vào chiều 28.9, ngay sau bão.

Khó có thể kể hết không khí khẩn trương thời điểm trước khi bão số 4 đổ bộ. Cuộc họp trực tuyến vào sáng 27.9 hết sức căng thẳng. Vẻ sốt ruột lộ rõ trên gương mặt của các thành viên dự họp. Mưa bắt đầu nặng hạt, ba đoàn công tác của tỉnh chia nhau đi khắp các địa bàn.

Trên sông Trường Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đi ca nô biên phòng, kiểm tra việc chằng chống, neo đậu tàu thuyền của ngư dân Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành). Những mệnh lệnh được đưa ra, với quyết tâm cao nhất: đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân, không được phép cho bất kỳ ngư dân nào ở lại tàu.

Đoàn công tác đi xuyên trưa, chỉ đạo việc đưa dân sơ tán, chằng chống bảo vệ di tích ở phố cổ, cho công nhân về nghỉ để tránh trú bão và cả việc thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà xưởng, xí nghiệp ở khu công nghiệp. Loa tuyên truyền vang khắp các đường làng, ngõ xóm. Tại Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), người dân sau khi chằng chống nhà cửa, đã chủ động di chuyển tìm nơi tránh trú bão.

“Người dân ý thức rất cao về việc thực hiện các khuyến cáo của chính quyền. Trước bão, hơn 50% người dân ở khu vực có nguy cơ đã chủ động sơ tán mà chưa đợi chính quyền đến nhắc nhở, yêu cầu” - ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói.

Giảm thiểu thiệt hại

Con số thống kê cho thấy những thiệt hại đã được kéo giảm đáng kể, nếu so với những cơn bão có cùng cường độ, thậm chí cường độ thấp hơn đổ bộ vào địa bàn tỉnh những năm qua. Nhiều người dân thở phào nhẹ nhõm sau khi bão tan. Vẫn có hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ được an toàn cho các thành viên trong gia đình.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn CSCĐ số 3 (Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ) tham gia dọn dẹp hậu quả bão số 4 tại Thăng Bình. Ảnh: T.C
Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn CSCĐ số 3 (Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ) tham gia dọn dẹp hậu quả bão số 4 tại Thăng Bình. Ảnh: T.C

Bà Châu Thị Hiến (xã Bình Nam, Thăng Bình) nói, trước bão, người dân, chính quyền trong thôn đã giúp chằng chống nhà cửa, giúp bà yên tâm đi sơ tán. Đêm bão trôi qua, dù sốt ruột không thể ngủ, nhưng đó lại là đêm bà bớt lo nhất, khi đã trải qua hàng chục cơn bão trong cuộc đời mình…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, khi nhận được thông tin về mức độ rủi ro cấp độ 4 của cơn bão, tỉnh đã ban hành liên tiếp 3 công điện để chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực ứng phó.

“Sự đồng thuận của nhân dân quá tốt, cùng với việc bám sát các chỉ đạo đưa ra, thực hiện phương án phòng chống thiên tai theo kịch bản đề ra từ đầu mùa của các ngành, địa phương rõ ràng đã phát huy tác dụng. Tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong ứng phó với bão số 4 thể hiện rất rõ.

Kinh nghiệm từ cơn bão này cho thấy, việc tuyên truyền cho người dân bằng mọi hình thức, giúp dân nắm bắt nhanh nhất, rõ nhất, hiểu được mức độ nguy hiểm và tự ý thức chấp hành khuyến cáo của chính quyền trong xử lý trước cơn bão đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc nhanh, phù hợp thực tế của địa phương, phối hợp đồng bộ các lực lượng, nhất là trong công tác sơ tán dân, đảm bảo điều kiện hậu cần nơi sơ tán giúp dân yên tâm hơn rất nhiều, chấp hành tốt các khuyến cáo.

Tỉnh và các ngành, địa phương cũng đã thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình, giám sát việc ứng phó, góp phần đáng kể hạn chế thiệt hại. Đây sẽ là kinh nghiệm quý cho mùa mưa bão năm nay và những năm tiếp theo” - ông Thanh nói.

Dù vẫn còn đó nhiều ngổn ngang, nhưng Quảng Nam đã đi qua cơn bão bằng sự cương quyết, trách nhiệm, bằng ý thức đồng hành của người dân. Sau bão, chúng ta có nhiều hơn một cái thở phào, để tiếp tục đương đầu với mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thở phào vì mưa bão đi qua...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO