Thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách

KHẢI KHIÊM 30/09/2021 07:50

Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp người dân ở vùng cao Đông Giang phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang thực hiện giao dịch tại xã Tư. Ảnh: KK
Nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang thực hiện giao dịch tại xã Tư. Ảnh: KK

Nghỉ việc ở Nông trường Quyết Thắng, vợ chồng ông Phạm Quốc Phòng đến vùng đất dưới chân núi Panan của xã Tư để định cư, tìm cơ hội thay đổi cuộc sống. Ban đầu, ông mạnh dạn vay Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang 50 triệu đồng để trồng cây phủ xanh mảnh đất đã khai hoang.

Sau khi bán keo, ông gom góp tất thảy vốn liếng để chuyển sang trồng chè dây. Qua nhiều năm cần cù, chịu khó và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản phẩm chè dây có đầu ra ổn định.

Từ thành công này, ông khuyến khích nhiều hộ dân thay đổi tư duy canh tác, mở hướng trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Giờ đây, hộ ông Phòng trở thành một trong những hộ khá giả nhất thôn.

 Mô hình phát triển kinh tế của hộ Alăng Bi (thôn Ralang, xã Jơ Ngây) cũng là một điển hình về thành công từ tận dụng nguồn vốn vay chính sách. Để có gia trại chăn nuôi heo đen kết hợp trồng keo và chuối như hôm nay, anh Bi nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư.

Mô hình kinh tế của anh Bi cho hiệu quả kinh tế khả quan. Hay như gia đình anh Arất Pay (thôn Adinh, thị trấn Prao) được biết đến là hộ nghèo. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn để chăn nuôi, sản xuất, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Anh Pay mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi heo đen địa phương lên hàng chục con và mua thêm vườn đồi, trồng hơn 3ha cây keo...

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang, những năm qua đơn vị luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào Cơ Tu.

Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu bản địa đặc trưng, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, trang trại chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, cuối tháng 9.2021, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 212,2 tỷ đồng; tăng so với năm 2020 hơn 21,6 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 100% kế hoạch giao; tăng trưởng hơn 11% và cao hơn bình quân chung toàn tỉnh.

Tổng doanh số cho vay trong 9 tháng năm 2021 đạt hơn 57,9 tỷ đồng, thu nợ hơn 37,2 tỷ đồng. Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng việc triển khai hồ sơ để giải ngân các nguồn vốn phân bổ đến với nhân dân vẫn nhanh chóng, an toàn. Chất lượng hoạt động của “Điểm giao dịch xã” ngày càng nâng cao.

Công tác tuyên truyền một số chương trình tín dụng ưu đãi mới được thực hiện, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần đưa Đông Giang hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO