Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng: Nhiều vướng mắc

DIỄM LỆ 01/03/2023 07:23

Việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị tháo gỡ nhằm thực hiện tốt hơn chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công cách mạng.

Chi trả chế độ ưu đãi hàng tháng cho người có công. Ảnh: D.L
Chi trả chế độ ưu đãi hàng tháng cho người có công. Ảnh: D.L

Vướng giải quyết chế độ liệt sĩ

Theo Sở LĐ-TB&XH, Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (Pháp lệnh số 02) và và Nghị định số 131 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02 khi được áp dụng vào thực tế, đã nảy sinh nhiều vướng mắc khiến NCC, thân nhân liệt sĩ (LS) chưa thỏa lòng.

Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Đầu tiên là việc dùng cụm từ “hành động đặc biệt dũng cảm” để làm căn cứ hồ sơ công nhận LS, dẫn đến rất khó xác định cụ thể.

Vì vậy cần giải thích về “hành động đặc biệt dũng cảm” để có căn cứ thực hiện. Hoặc thương binh, người hưởng chính sách như thương binh khi vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong, thì điều kiện công nhận LS phải có biên bản kiểm thảo tử vong.

Quy định như vậy khó thực hiện, vì thân nhân đều có tâm lý muốn người thân mất tại nhà, nên thường khi bác sĩ tiên lượng xấu thì người thân xin đưa về nhà, trên đường đi vẫn trợ thở oxy, về tới nhà mới rút oxy.

Trường hợp này tỉnh đề xuất không cần biên bản kiểm thảo tử vong của bệnh viện, mà chỉ cần bản chính trích sao bệnh án điều trị vết thương tái phát thể hiện nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là do vết thương tái phát”.

Về an táng hài cốt LS cũng có những quy định gây khó. Như quy định “đang an táng ngoài nghĩa trang LS nhưng có biên bản bàn giao hài cốt LS của cơ quan có thẩm quyền, nay đưa vào an táng trong nghĩa trang LS”.

Theo Sở LĐ-TB&XH, quy định này khiến cơ sở không thực hiện được, vì chỉ có những phần mộ LS do cơ quan, tổ chức quy tập thì mới có biên bản bàn giao và cũng đã bàn giao từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay trên 40 năm, hiện có nhiều biên bản thất lạc, hư hỏng do lũ lụt, mối mọt...

Nhiều phần mộ LS an táng ở nghĩa trang gia tộc cũng không có quy định việc bàn giao mộ LS của cơ quan có thẩm quyền; nếu mộ LS nằm trong diện phải thu hồi đất, hay bị xói lở do lũ lụt, không còn thân nhân chủ yếu..., thân nhân còn lại muốn đưa vào nghĩa trang LS thì không thực hiện được, đã không tạo được sự đồng thuận trong thân nhân LS.

Việc di chuyển mộ LS từ nghĩa trang LS về nghĩa trang gia tộc theo nguyện vọng của thân nhân hiện không có quy định về hỗ trợ kinh phí di chuyển hài cốt LS, kinh phí xây vỏ mộ LS là điều bất cập.

Hiện nay, tại nghĩa trang LS xã Bình Quý (Thăng Bình) có 29 ngôi mộ LS thiếu thông tin, trên bia mộ chỉ có ngày hy sinh là 9/9/1967. Nhiều thân nhân có nguyện vọng lấy mẫu tất cả 29 ngôi mộ LS để giám định ADN xác định danh tính hài cốt LS còn thiếu thông tin.

Nhưng chưa có quy định cụ thể mỗi thân nhân có thể đề nghị được lấy bao nhiêu mẫu hài cốt LS để giám định ADN, nên Sở LĐ-TB&XH chưa thể giải quyết cho thân nhân đi tìm hài cốt LS.

Khó với hồ sơ người có công

Theo Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC Quảng Nam, hiện nay cơ sở nuôi dưỡng tập trung NCC được xây dựng khang trang nhưng lại không tiếp nhận thêm được NCC để nuôi dưỡng, vì quy định đối tượng được nuôi dưỡng tập trung là thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng, sống cô đơn.

Điều này không khả thi, vì nhóm NCC này không còn nhiều. Với nhiều NCC không có đất ở, không có nhà ở thì cần được bổ sung chính sách Nhà nước nuôi dưỡng suốt đời tại các cơ sở nuôi dưỡng NCC.

Việc quy định hồ sơ đề nghị, yêu cầu “cá nhân” NCC tự viết đơn đề nghị, nhưng có nhiều trường hợp NCC mất khả năng như mất 2 tay, mù 2 mắt hoặc tâm thần nặng thì không thể tự viết đơn, nên cần bổ sung thân nhân làm đơn đề nghị sẽ phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TB&XH) nêu thêm bất cập, đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên chết trước ngày 1/1/2013 mà vào thời điểm chết, chồng đã đủ 60 tuổi, vợ đã đủ 55 tuổi thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ ngày 1/7/2021 là không phù hợp. Bởi chính sách là sự kế thừa theo hướng có lợi cho NCC và thân nhân, và phải công bằng.

Có thể NCC chết, nhưng vì nhiều lý do thân nhân chưa làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp tiền tuất được, thì dù họ làm hồ sơ trễ cũng nên để thân nhân hưởng trợ cấp tuất từ ngày 1/1/2013 mới hợp lý, làm yên lòng thân nhân NCC, tin tưởng vào chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng: Nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO