Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022: Quảng Nam xếp thứ tư cả nước

XUÂN PHÚ 06/07/2022 19:19

(QNO) - Chiều nay 6.7, UBND tỉnh hội nghị trực tuyến với các ngành và địa phương để đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, Nguyễn Hồng Quang và Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kết luận hội nghị. Ảnh: X.P
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kết luận hội nghị. Ảnh: X.P

Kinh tế hồi phục mạnh mẽ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Nam có bước phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn hơn 34.642 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,8%; xếp vị thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (xếp sau Thanh Hóa); đứng đầu 5 tỉnh khu vực trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi).

Quy mô GRDP gần 60 nghìn tỷ đồng, xếp vị thứ 16/63 tỉnh, thành phố, thứ 3/14 tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (xếp sau Thanh Hóa và Nghệ An); đứng thứ nhất khu vực trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng 57,8 nghìn tỷ đồng, Quảng Ngãi 52,7 nghìn tỷ đồng, Bình Định 48,5 nghìn tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 29,9 nghìn tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang dần phục hồi và duy trì sản xuất. Khu vực dịch vụ cũng có sự tăng trưởng khởi sắc trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch gần 2,3 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế 91 nghìn lượt.

Sự khởi sắc của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh góp phần vào thu ngân sách nhà nước tăng khá cao so với cùng kỳ và vượt dự toán, nhất là thu từ các ngành chủ chốt như ô tô, thủy điện. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng 18.680 tỷ đồng, đạt gần 79% dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng chưa bao giờ thu ngân sách cả tỉnh đạt và vượt ngoạn mục như 6 tháng qua. Ảnh: X.P
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng chưa bao giờ thu ngân sách cả tỉnh đạt và vượt ngoạn mục như 6 tháng qua. Ảnh: X.P

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong thông tin thêm, chưa bao giờ thu ngân sách cả tỉnh đạt và vượt ngoạn mục, trong đó có 16 địa phương vượt cao như 6 tháng vừa qua. Tuy nhiên, điều gây quan ngại là sẽ điều tiết ngân sách về Trung ương tăng cao kể từ năm 2023 bởi kết quả thu ngân sách năm 2022 là cơ sở để tính toán.

“Nếu nguồn thu ổn định thì không lo, nhưng nguồn thu sẽ không ổn định. Chẳng hạn như năm nay tăng thu có sự đột biến như Công ty Ô tô Trường Hải bán xe nhiều nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ” - ông Phong lý giải.

Vẫn còn khó khăn

Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng qua, UBND tỉnh cho rằng đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND TP.Hội An  - ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có lợi cho người dân. Ảnh: X.P
Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có lợi cho người dân. Ảnh: X.P

Cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng do tăng giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám  đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng, vấn đề giải ngân đầu tư công chậm một trong những nguyên nhân là do địa phương chậm báo cáo dự án để các sở góp ý và sửa đổi rất nhiều lần. Cũng theo ông Thử, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bởi hiện nay còn rất khó khăn, số doanh nghiệp giải thể tăng cao trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám  đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: X.P
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: X.P

Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Lê Quý Đạt nhìn nhận, tăng trưởng tăng cao nhưng chủ yếu là công nghiệp ô tô, còn một số ngành chưa phục hồi như trước thời điểm dịch Covid-19 như xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ ăn uống.

“Dự báo khối ngành dịch vụ, du lịch khả năng tiếp tục tăng cao. Trong khi đó ngành ô tô không còn áp dụng giảm trước bạ sẽ giảm mức tiêu thụ nên mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm của tỉnh không cao như đầu năm 2022” - ông Đạt nói.

Kiến nghị, đề xuất với tỉnh, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng UBND tỉnh cần có hội nghị chuyên đề để tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có lợi cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ.

Ông Sơn cũng đề xuất nên chăng HĐND tỉnh có nghị quyết hỗ trợ bù giá xăng dầu cho ngư dân bởi giá xăng dầu tăng quá cao; kiến nghị Chính phủ và tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch bởi hiện nay rất khó khăn, có doanh nghiệp bán khách sạn để trả nợ.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề xuất  tỉnh có hội nghị chuyên đề để  tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: X.P
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề xuất tỉnh có hội nghị chuyên đề để tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: X.P

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển vùng sâm, không để doanh nghiệp đến nhưng ngại khó đường đi, còn người dân suốt đời “cõng” và “gùi”.

Những giải pháp trọng tâm

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Anh Tuấn phát biểu nêu một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và trả lời các kiến nghị, đề xuất của các địa phương.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhắc lại thành quả trong 6 tháng, trong đó công nghiệp - cực dẫn dắt nền kinh tế phát triển đã có sự đột phá, phục hồi mạnh mẽ.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế đảm bảo hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng; phát huy tối đa vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trường kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, nhất là các vướng mắc về mặt bằng thi công.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vắc xin cho trẻ .

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang- ông Avô Tô Phương phát biểu kiến nghị thi tuyển giáo viên và mở rộng cụm công nghiệp xã Ba lên 40 ha. Ảnh: X.P
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Avô Tô Phương phát biểu kiến nghị thi tuyển giáo viên và mở rộng cụm công nghiệp xã Ba lên 40 ha. Ảnh: X.P

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Nam trong Năm du lịch quốc gia 2022. Chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước.

Xác định việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2022.

Ông Tân cũng nhấn mạnh đến công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Trong 6 tháng qua, nhiều hội thảo, hội nghị lớn được tổ chức có ý nghĩa tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh. Đáng chú ý tỉnh đã chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc với Đoàn công tác Chính phủ ngày 27.3.2022. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất phần lớn các nội dung kiến nghị của tỉnh là các cơ chế, chính sách có tầm chiến lược lâu dài, tạo động lực để Quảng Nam phát triển trong các giai đoạn kế tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022: Quảng Nam xếp thứ tư cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO