Trên đất Cao Ngạn thành đồng

HOÀNG LIÊN 21/04/2022 06:40

Về giữa thung lũng Cao Ngạn (xã Bình Lãnh, Thăng Bình), chúng tôi ấn tượng với vẻ đẹp tươi mát với suối Đá Trắng, hồ La Nga - Cao Ngạn trong xanh, cũng là công trình đại thủy nông của Thăng Bình. 

Căn nhà của mẹ Lưu Thị Nhiên, con dâu của mẹ Ung Thị Du được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: H.LIÊN
Căn nhà của mẹ Lưu Thị Nhiên, con dâu của mẹ Ung Thị Du được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: H.LIÊN

Đặc biệt, ruộng bậc thang xanh rờn khiến Cao Ngạn chẳng khác gì một “Tây Bắc thu nhỏ” giữa lòng xứ Quảng. Ít ai biết rằng, trong hai cuộc kháng chiến, Cao Ngạn lại mang trên mình chi chít thương tích, quê nghèo cũng gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh.

Nơi đây có địa thế núi đồi hiểm trở, có dãy Chóp Chài, Núi Gai, đỉnh núi có độ cao hơn 400m so với mực nước biển, có nhiều hang đá sâu, dãy rừng nguyên sinh, suối lớn, thuận lợi cho cơ sở ta bám trụ hoạt động...

Do có địa thế hiểm trở, dân cư phân bố thưa thớt, việc đi lại gian nan, trắc trở nên Cao Ngạn từng là thôn cách biệt, khó khăn của xã. Từ năm 2019 tới nay, tuyến đường từ trung tâm xã đã mở đến Cao Ngạn, đường liên thôn, liên xóm phủ khắp, xóa bỏ khoảng cách vùng. Đường làng, ngõ xóm vào thôn đã xanh - sạch - đẹp, phong cảnh hữu tình, nhiều đoạn đường hoa đã mọc lên...

Người dân Cao Ngạn đã nỗ lực xây dựng đời sống mới, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cải thiện kinh tế, nỗ lực thoát nghèo. Có thể kể đến mô hình chăn nuôi bò của anh Nguyễn Công, Nguyễn Tư, bà Lê Thị Lệ, mô hình nuôi gà của bà Lê Thị Nguyệt, mô hình chăn nuôi dê của anh Lê Văn Sang...

Thiên nhiên Cao Ngạn. Ảnh: H.LIÊN
Thiên nhiên Cao Ngạn. Ảnh: H.LIÊN

Ông Trương Kim Đông - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh nhớ lại, trước năm 2019, thôn Cao Ngạn vẫn chưa có đường bê tông. Từ năm 2019, được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, xã đã nỗ lực huy động nguồn xã hội hóa để làm đường, đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Đảng ủy xã Bình Lãnh còn mạnh dạn ban hành Nghị quyết xây dựng thôn Cao Ngạn trở thành “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”.

Thời điểm đó, Cao Ngạn chỉ có 40 nóc nhà, đời sống nhân dân còn khó khăn, song từ sự hỗ trợ của các cấp, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vượt khó của nhân dân, Cao Ngạn đã vươn lên. Người dân chung tay cùng chính quyền chỉnh trang, cải tạo cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm, xây dựng đường hoa, nhà truyền thống của thôn...

“Nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Người dân đã thoát nghèo, song do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Xã xây dựng một số mô hình kinh tế như: chăn nuôi heo, bò, dê, trồng cây ăn quả; triển khai trồng thí điểm 200 cây măng cụt để đánh giá, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch. Địa phương còn triển khai học tập mô hình làm du lịch của Tiên Phước, hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng” - ông Đông nói.

Cao Ngạn - đất anh hùng khoác lên mình tấm áo mới. Tin mừng là tuyến đường 14E từ ngã ba Cây Cốc đi La Nga - Cao Ngạn, tiếp giáp huyện Tiên Phước sẽ được mở, ngày mới lại về trên đất thành đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên đất Cao Ngạn thành đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO