Trường Sa, mùa biển lặng

HUỲNH HÙNG 11/06/2022 07:23

(VHQN) - Giữa tháng 5, tàu Kiểm ngư số hiệu 491 đưa đoàn nghệ sĩ chúng tôi ra thăm quân dân quần đảo Trường Sa. Tàu ra đại dương mà như di chuyển nhẹ nhàng giữa lòng hồ lớn. 

Đảo Sinh Tồn Đông.
Đảo Sinh Tồn Đông.

Nhiều người đi lần đầu rất sợ bị say sóng nhưng điều đó đã không xảy ra, bởi chúng tôi được ra đảo bằng một chiếc tàu biển khá hiện đại do nước ta đóng theo công nghệ của Hà Lan - một cường quốc về ngành đóng tàu biển.

Trên tàu có đủ tiện nghi và nước ngọt dùng thoải mái suốt cuộc hải trình. Và quan trọng hơn, lúc này thời tiết ở Biển Đông thuận lợi nhất trong năm. Biển êm cho người từ đất liền ra Trường Sa là tháng 4 và tháng 5.

Thật khó diễn tả hết niềm vui của người lính và người dân trên các đảo nổi, đảo chìm Trường Sa khi gặp chúng tôi, bởi do dịch bệnh mà cả năm 2020 không có chuyến tàu nào đưa các đoàn ra thăm các đảo; còn năm 2021 chỉ đi được vài chuyến rồi dừng, bởi bấy giờ ta còn thực hiện chính sách “Zero Covid”.

Xuất phát từ Cam Ranh, tàu Kiểm ngư 491 chạy liền mạch hết hai đêm và một ngày, vượt quãng đường biển 580km để đưa chúng tôi đến đảo chìm Đá Thị. Đảo này năm ở rìa phía đông quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo ở xa đất liền nhất. Những người lính đảo với nước da rám nắng, mặc quân phục mới với áo mũ trắng tinh để tiếp khách.

Canh giữ vùng biển vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: H.H
Canh giữ vùng biển vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: H.H

Sau 10 năm trở lại, thăm đảo Đá Thị và một số đảo chìm khác như Phan Vinh B, Đá Tây B, Đá Đông A, Tốc Tan C, Thuyền Chài B, Đá Lát, tôi nhìn thấy những đổi thay rất lớn. Hầu hết các đảo này, ta đều có công trình phòng thủ rất vững chắc, cán bộ chiến sĩ được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cả về vật chất lẫn tinh thần, được nghe đài, xem ti vi, dùng điện thoại, có điện pin mặt trời, có phòng khám chữa bệnh, có nhà văn hóa đa năng để đọc sách, chơi thể thao...

Tuy một số đảo có máy lọc nước biển nhưng nước ngọt vẫn phải hết sức tiết kiệm vào mùa khô. Riêng không gian làm việc và sinh hoạt thì vẫn nhỏ hẹp, bởi khi thủy triều lên thì đảo chìm dưới mặt nước, chỉ còn vài tầng nhà nhô lên giữa đại dương mênh mông sóng nước.

Đến đảo Sinh Tồn, lại nhớ bài thơ từng ám ảnh tôi từ thời sinh viên là “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa viết năm 1981:

Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp lánh phía chân trời
…Ôi ước gì thấy được mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên mặt cát
Giẫy giụa tơi bời trên mặt cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo…

Đau đáu nhìn về phía chân trời, mong ngóng, hồi hộp trông đợi từng cơn mưa nói lên thực trạng bấy giờ, chỉ có cát cháy và sự cằn khô trên đảo. Nếu trở lại đảo Sinh Tồn lúc này, chắc nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ rất vui mừng trước sự đổi thay kỳ diệu trên đảo.

Các cây bàng vuông, phong ba, phi lao, muống biển… đã rợp màu xanh cả đảo. Buổi giao lưu văn nghệ giữa khách từ đất liền và chiến sĩ được tổ chức ngoài sân phủ rợp bóng mát. Đảo đã chủ động nguồn nước ngọt nhờ hệ thống bể chứa nước mưa cùng máy lọc nước được trang bị, không còn phải thắc thỏm nhìn về phía chân trời trông mưa như thời Trần Đăng Khoa đóng quân trên đảo cách đây hơn 40 năm.

Chiến sĩ tuần tra trên đảo. Ảnh: H.H
Chiến sĩ tuần tra trên đảo. Ảnh: H.H

Từ đảo Sinh Tồn B, bằng mắt thường, mọi người cũng nhìn thấy đảo Huy Gơ mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, bởi nó cách chỉ 5.600m. Trông nó như một cái gai cắm vào da thịt của ta. Chung quanh nó có nhiều tàu thuyền neo đậu, kết thành bè với nhiều âm mưu, thủ đoạn.

Lãnh đạo các đảo kể rằng, họ thường xuyên xâm phạm, gây hấn chủ quyền biển đảo của ta với tần suất ngày càng tăng. Điều tôi cảm thấy yên tâm là các chiến sĩ ta luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối đầu với các thế lực bên ngoài đe dọa.

Tại các điểm nhạy cảm, tàu kiểm ngư màu trắng của ta hiện diện và tuần tra thường xuyên, làm chỗ dựa và tạo niềm tin cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Khi tàu thuyền của ngư dân gặp khó khăn, hoạn nạn như thiếu lương thực, thực phẩm, nước ngọt, dầu nhớt hoặc có người ốm đau thì đều được lính đảo hoặc tàu kiểm ngư của ta trợ giúp.

Hôm lên đảo, chúng tôi đã chứng kiến trực thăng chở cấp cứu một ngư dân ở biển khơi về đáp xuống đường băng của sân bay đảo Trường Sa lớn. Đảo Trường Sa lớn là trị trấn của huyện đảo Trường Sa có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại với điện, đường, trường, trạm, sân bay, bến cảng, và là một đảo tiêu biểu về môi trường sinh thái, có cây xanh phủ gần kín đảo. Người dân trên đảo yên tâm an cư lạc nghiệp.

Mười năm rồi trở lại Trường Sa, tôi cảm nhận và chứng kiến nhiều sự đổi thay nơi đây. “Mạnh về phòng thủ, tốt về đời sống, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về tình quân dân” không chỉ là mục tiêu phấn đấu, mà còn là thực tế sinh động ở quần đảo Trường Sa lúc này.

Ra Trường Sa giữa mùa biển lặng này, tôi mang về niềm tin ở ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo - một phần không thể tách rời, một phần máu thịt của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường Sa, mùa biển lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO