Ươm mầm tài năng trẻ khuyết tật

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 08/12/2020 11:47

(QNO) - Những điệu múa, lời hát và cả câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của trẻ khuyết tật huyện Thăng Bình được tái hiện sinh động tại chương trình giao lưu “Ươm mầm tài năng trẻ khuyết tật”.

Sau 3 năm được dạy tại nhà nhà, bé Kỳ Duyên đã biết đọc, viết và nhận biết màu sắc và câu chuyện này đã được hai mẹ con chị Quyên (áo dài hồng) dựng thành Tiểu phẩm tham gia giao lưu.
Em Nguyễn Kỳ Duyên và mẹ (áo hồng) giao lưu tại chương trình. Ảnh: BIÊN THỰC

Chương trình do Ban quản lý Dự án CRS huyện Thăng Bình tổ chức, không chỉ mang đến cho trẻ khuyết tật cơ hội được thể hiện, tỏa sáng mà còn giúp cộng đồng xã hội có cái nhìn khác và tạo thêm cơ hội để các em hòa nhập, phát triển.

Hơn 9 tuổi, Nguyễn Kỳ Duyên (thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý) - một trẻ khuyết tật đã biết đọc, biết viết và hát được những bài yêu thích. Vừa lọt lòng, Duyên được bác sĩ chẩn đoán bị thiểu năng trí tuệ. Em lớn lên trong sự bảo bọc của mẹ - chị Lê Thị Kim Quyên, thế nhưng kỹ năng chăm sóc, cách giúp con hòa nhập với cộng đồng là điều quá khó với chị Quyên.

Và, điều may mắn đến với chị. Hơn 3 năm trước, con chị được Ban quản lý Dự án CRS huyện Thăng Bình hỗ trợ dạy học mỗi tuần 3 buổi. Từ một đứa trẻ hầu như không thể nhận biết, đến nay Duyên đã đếm được số, nhận biết được màu sắc. Từ ngày có cô giáo dạy tại nhà, chị Quyên cũng đồng hành với con trong việc học kiến thức.

Hành trình dạy đứa trẻ khuyết tật đã được mẹ con chị chọn làm chủ đề để tham gia chương trình giao lưu “Ươm mầm tài năng trẻ khuyết tật” lần này. Tiểu phẩm nhỏ nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, nhất là nhận được sự đồng cảm của các bậc phụ huynh có con khuyết tật.

“Điều mà tôi và con muốn gửi gắm trong tiểu phẩm này đó là các bậc cha mẹ hãy đừng mặc cảm, tự ti khi sinh con ra không được bình thường. Cha mẹ hãy học cách chấp nhận và tìm cách để cho con hòa nhập với cuộc sống. Chúng ta phải vừa làm cha mẹ, vừa làm cô thầy để chỉ dạy khi các con không thể tới trường như bao bạn bè” - chị Quyên chia sẻ.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các địa phương tham gia.
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm các địa phương tham gia. Ảnh: BIÊN THỰC

Tại chương trình còn có nhiều trẻ tham gia các tiết mục đơn ca, song ca, hát múa và tiểu phẩm với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Đặc biệt nhiều tiểu phẩm được dàn dựng công phu do chính trẻ khuyết tật và cha mẹ thể hiện kể về quá trình vươn lên hòa nhập cuộc sống, giúp người xem hiểu được khó khăn mà các em đang đối mặt.

Trẻ khuyết tật tham gia chương trình đến từ 5 địa phương: Bình Quý, Bình Lãnh, Bình Hải, Bình Sa, Bình Đào của huyện Thăng Bình, được Tổ chức CRS hỗ trợ từ Dự án “Tăng cường hòa nhập xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật thông qua các hành động chung của địa phương” năm 2020.

Theo ông Trương Ngọc Bích - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thăng Bình, thông qua lời ca, tiếng hát, điệu múa giúp trẻ khuyết tật phát triển kỹ năng sinh hoạt tập thể, mang đến cho các em môi trường học tập thân thiện. Bên cạnh đó, những câu chuyện thường nhật trong cuộc sống hằng ngày của trẻ khuyết tật được thu nhỏ khắc họa và đưa vào chương trình đã đem đến sự đồng cảm lớn cho người xem.

“Thông qua chương trình, các em được thể hiện chính mình, vượt qua rào cản, khiếm khuyết cơ thể, xóa bỏ mặc cảm để vươn lên. Những buổi giao lưu như thế này, hình ảnh các em được thể hiện mình rõ hơn, không còn vô hình trong cộng đồng nữa” - ông Trương Ngọc Bích nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ươm mầm tài năng trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO