Vùng cao ấm áp tình xuân

ALĂNG NGƯỚC 27/01/2023 06:50

Ngày tết, bên cạnh những lời chúc an lành, người vùng cao dành tặng cho nhau những món quà lưu niệm đầu năm đầy ý nghĩa, giúp tình xuân càng thêm ấm áp…

Rất nhiều điểm check-in thú vị tại vùng cao giúp người dân vui xuân thêm ấm áp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Rất nhiều điểm check-in thú vị tại vùng cao giúp người dân vui xuân thêm ấm áp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phẩm vật quý

Sau nhiều năm cách trở bởi đại dịch COVID-19, xuân Quý Mão thực sự để lại nhiều ấn tượng với những người con xa quê trở về núi đón tết. Để thể hiện tình cảm, người vùng cao dành tặng cho nhau quà “lì xì” đầu năm, với những phẩm vật đặc trưng, hàm nghĩa cầu mong sự bình an đến với khách ghé thăm nhà.

Ở lại quê chồng những ngày Tết Nguyên đán, chị Trần Thị Ngọc Nghi (trú xã A Tiêng, Tây Giang) không khỏi bất ngờ khi được vợ chồng người hàng xóm tặng món quà xuân ý nghĩa. Đó là tấm thổ cẩm truyền thống, được chủ nhà lấy ra từ trong ché, mang tặng khách.

Là người Bh’noong, quê ở Phước Sơn, về làm dâu Cơ Tu đã gần 20 năm, chị Nghi chia sẻ: “Nhận được quà vào dịp tết mình thật sự xúc động, bởi đó cũng là tình cảm, lòng hiếu khách, sự gắn kết của cộng đồng”.

Phong tục trao gửi món quà ngày xuân đã có từ hàng chục năm, kể từ khi người Cơ Tu bắt đầu ăn Tết Nguyên đán vào những năm 1970. Ngày tết, gạt bỏ quan niệm “không mang đồ vật ra khỏi nhà”, người Cơ Tu dành tặng nhau những tình cảm đặc biệt, thông qua các món vật quý, từ xà lùng thổ cẩm truyền thống, mã não, cho đến những vòng cườm đeo cổ…

Như món quà lì xì đầu năm, cả người nhận và người cho đều bày tỏ vui mừng, cảm thấy hạnh phúc khi được “trao sẻ lương duyên”. Bởi đó là phong tục truyền thống, thể hiện tấm lòng của chủ nhà đối với khách đến thăm trong ngày tết.

Ngày tết, người vùng cao trao gửi tình cảm cho nhau bằng phẩm vật quý truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ngày tết, người vùng cao trao gửi tình cảm cho nhau bằng phẩm vật quý truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) cho hay, ngày trước, người Cơ Tu rất kiêng kỵ khi đưa đồ vật ra khỏi nhà trong 3 ngày tết. Bởi người ta quan niệm, ngày đầu năm, nếu trong nhà có đồ vật… ra đi, đồng nghĩa với việc cả năm tài sản sẽ hao hụt.

“Nhưng sau này, quan niệm đó đã không còn được để ý nhiều nữa. Người ta quý nhau, mến thương nhau cũng đều trao gửi món quà chúc phúc đầu năm, xem đó như một cách thắt chặt tình đoàn kết trong đời sống cộng đồng” - ông Trung nói.

Hội làng mừng xuân

Đã trở thành lệ, năm nào cộng đồng người Cơ Tu ở thôn Ki’noonh (xã A Xan, Tây Giang) cũng tổ chức ngày hội chung chào đón năm mới. Tùy theo quy mô sự kiện, ngày hội có thể được giao theo từng tộc họ, nhóm hộ tổ chức luân phiên hằng năm, góp thêm màu sắc mới cho cộng đồng vui xuân.

Ông Zơrâm Cheo - Trưởng thôn Ki’noonh cho biết, năm nay ngày hội được tộc Pơloong đảm nhận, xem đó như một phần trách nhiệm với làng. Ngày hội diễn ra vào sáng mùng Một tết, thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Dưới ánh nắng xuân ấm áp, điệu múa tân tung da dá hòa quyện theo nhịp trống chiêng và sắc màu thổ cẩm truyền thống, tạo ra không gian ngày hội mang đầy hương sắc núi rừng.

“Đó là cách người Cơ Tu mừng tết, đón xuân. Sau phần hội, những cuộc giao lưu bắt đầu với đoàn người đến thăm viếng, chúc nhau năm mới an lành, rất vui và ý nghĩa” - ông Cheo cho hay.

Chào đón năm mới, mừng Tết Nguyên đán, những ngày qua, cộng đồng người Ca Dong ở xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) tổ chức lễ hội “Ăn trâu lá”. Dù tục chỉ tổ chức theo từng gia đình và không có phần vui múa trống chiêng nhưng ngày hội đón rất đông người dân tham gia, ăn mừng. Bởi đây là hội cúng thần mặt trời, mang ý nghĩa chào xuân đón thần được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Lê Văn Thành - một chủ hộ tổ chức ngày hội “Ăn trâu lá” nói, dù chỉ riêng lẻ theo từng gia đình, nhưng ngày hội trở thành không gian vui xuân ấm cúng cho cộng đồng vùng cao, thông qua các nghi thức cúng tế thần linh và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống độc đáo. Những khoảnh khắc văn hóa được thể hiện, ghi dấu một năm mới đầy niềm vui với mong ước cầu mong sự bình an luôn hiện diện trong đời sống cộng đồng.

Thoát khỏi tư duy cũ, người vùng cao bắt đầu mở rộng chuyến du xuân về khắp các bản làng gần xa. Những năm gần đây, khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay, những cuộc du xuân trở nên ý nghĩa, mở ra cơ hội giao lưu, tìm hiểu phong tục và nét sống độc đáo của từng tộc người sinh sống dọc dãy Trường Sơn. Các điểm check-in được tìm kiếm nhiều hơn, xuân với đồng bào vùng cao đã thực sự là ngày vui, ấm áp như giấc mơ của núi rừng vươn xa…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng cao ấm áp tình xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO