"Xã Quảng" trên cao nguyên

Bình Chi 16/02/2013 14:46

Về xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), nếu chỉ nghe tiếng nói mà không nhìn những vườn hồ tiêu, vườn cà phê xanh ngút mắt ôm quanh những ngôi nhà Thái, nhà mái bằng khang trang, ta dễ  tưởng như mình đang đi lạc vào một làng quê nào đó trên đất Quảng Nam.

Hơn nửa thế kỷ đặt chân lên mảnh đất Nam Yang, những người con xứ Quảng chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, đã biến mảnh đất hoang vu cỏ dại thành một vùng dân cư trù mật nổi tiếng ở huyện Đak Đoa.

Những tỷ phú… chân đất

“Ở Nam Yang bây giờ, chuyện mỗi nhà thu nhập vài trăm triệu một năm là thường. Thậm chí, nhiều người còn thu cả tiền tỷ” - ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang tự hào khoe khi chúng tôi hỏi thăm về đời sống của người dân trong xã. Và để chứng minh điều mình nói, ông dẫn chúng tôi đến nhà anh Ngô Văn Tiên, người gốc Bình Sa, Thăng Bình. Vừa may, anh Tiên cũng mới từ rẫy cà phê về nhà.

Vườn tiêu của anh Ngô Văn Tiên. Ảnh: BÌNH CHI
Vườn tiêu của anh Ngô Văn Tiên. Ảnh: BÌNH CHI

Nhìn bộ quần áo anh Tiên đã ngả màu vàng gạch bởi đất đỏ bazan, khó ai nghĩ anh lại là một trong những người giàu nhất ở đất Nam Yang. Nhưng sự thực là từ ba năm nay, mỗi năm, vợ chồng anh đã có tiền tỷ sau những mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu. Như năm 2011, anh Tiên cho biết, vợ chồng anh thu được gần 2 tỷ đồng từ 3ha cà phê và 2ha hồ tiêu.

Hành trình từ một thanh niên tay trắng vươn lên thành tỷ phú của anh Tiên, kể ra rất dài nhưng có thể gói gọn trong bốn chữ “dám nghĩ, dám làm”. Năm 1988, khi hầu hết người dân Nam Yang vẫn chỉ biết đến cây lúa và hoa màu thì anh đã mạnh dạn trồng 700 cây cà phê. Vừa làm rẫy, vừa mở gara sửa chữa máy nổ, bao nhiêu tiền bạc tích cóp được, vợ chồng anh đều đổ vào chăm sóc và mở rộng diện tích cà phê. Cho đến năm 1998, vợ chồng anh đã có 4ha cà phê với thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Dù đã sở hữu một cơ ngơi đáng mơ ước với nhiều người song khát vọng làm giàu của anh Tiên dường như chưa dừng lại. Bởi thế, năm 2005, anh quyết tâm phá bỏ 1ha cà phê chuyển sang trồng tiêu, loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cùng với quyết định đó, anh nghỉ hẳn nghề sửa chữa máy nổ đang ăn nên làm ra để toàn tâm toàn ý chăm sóc vườn tiêu. Khi ấy, nhiều người ở Nam Yang bảo anh Tiên là “khùng”. Nhắc lại chuyện này, anh cười bảo: “Giờ thì cả xã Nam Yang ai cũng muốn được “khùng” như mình”. Anh cho biết thêm, hết vụ cà phê năm nay, anh sẽ tiếp tục phá 1,5 ha cà phê già để xuống thêm 4 ngàn trụ tiêu nữa.

Tỷ phú Đoàn Thâm và tác giả.
Tỷ phú Đoàn Thâm và tác giả.

Cũng giống như Ngô Văn Tiên, hành trình vượt qua đói nghèo trở thành tỷ phú của vợ chồng anh Đoàn Thâm, người gốc Bình Sa, Thăng Bình như một câu chuyện cổ tích. Năm 1986, đang là công nhân nhà máy điện, thấy đồng lương quá bèo bọt, anh Thâm bỏ việc về Nam Yang làm rẫy. Khốn nỗi, hai vợ chồng mà chỉ có vẻn vẹn 3 sào đất, thành ra, nghèo vẫn hoàn nghèo. Đói thì đầu gối phải bò. Vợ anh xoay xở mở lò nấu rượu, nuôi heo còn chồng thì buôn khoai lang từ Gia Lai xuống Đà Nẵng, đổ hàng xong thì bốc ngói từ Phú Phong (Bình Định) về Gia Lai. Nhờ chịu thương chịu khó, vợ chồng anh bắt đầu có của ăn của để. Đến lúc này, anh quyết định mua rẫy trồng cà phê, rồi trồng hồ tiêu. Dần dà như thế, đến nay, vợ chồng anh đã có cơ ngơi hết sức khang trang với một căn nhà mái bằng hơn trăm mét vuông, một cửa hàng phân bón lớn nhất nhì xã cùng hơn 4ha cà phê và 1.200 trụ tiêu, mỗi năm thu về bạc tỷ. Anh tâm sự: “Ngày xưa, chẳng bao giờ mình dám nghĩ có được một cơ ngơi như thế”.

Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, những tỷ phú gốc Quảng ở Nam Yang hiện có khoảng vài người. Còn những người có thu nhập năm bảy trăm triệu thì nhiều lắm, đếm không xuể. Nếu giữ được đà phát triển như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, Nam Yang có thể trở thành vùng đất ra ngõ gặp tỷ phú.

Chỉ phát thưởng cho học sinh giỏi

Trong cuộc mưu sinh trên mảnh đất Tây Nguyên, ngay cả trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, những người con xứ Quảng vẫn tiếp nối truyền thống hiếu học từng làm nên danh tiếng của quê cha đất tổ. Anh Ngô Văn Tiên tâm sự: “Thời buổi bây giờ mà không học hành thì không làm gì được, kể cả làm nông”. Từ suy nghĩ ấy nên dù bận rộn mấy, vợ chồng anh vẫn không quên bỏ thời gian chăm sóc, kèm cặp con cái học hành. Và 3 đứa con anh Tiên đã không phụ lòng mong đợi của cha mẹ, đều ngoan ngoãn, học giỏi. Con trai đầu của anh Tiên, cháu Ngô Văn Tiến, hiện đang học lớp 12 chuyên Lý trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai) năm lớp 11 từng được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia và mới giành được Huy chương đồng tại cuộc thi Olympic 30-4 năm 2012. Em kế của Tiến, Ngô Thị Lẹ hiện cũng đang học lớp 11 chuyên Hóa cùng trường với anh và Ngô Văn Đồng, cả 4 năm học tiểu học vừa qua đều đạt học sinh giỏi.

Theo ông Ngô Xuân Tùng, xã Nam Yang hiện có 5 thôn với hơn 1.400 hộ, 6.500 nhân khẩu. Trong đó, hơn 97% là người gốc Quảng Nam, chủ yếu là người Thăng Bình. Toàn xã hiện có trên 1.000ha cà phê, trên 100ha hồ tiêu. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của xã chỉ còn khoảng 3%.

Cùng cách nghĩ như anh Tiên, anh Đoàn Thâm cho biết: “Tôi vẫn thường nói với các con, ba mẹ khổ thế nào cũng được miễn các con học hành giỏi giang là ba mẹ vui lòng”. Hiểu được lòng cha mẹ, cả 6 người con của vợ chồng anh đều nỗ lực học tập. Đến nay, 4 người con đầu của anh đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã có công ăn việc làm ổn định. Một cháu đang theo học lớp 11 trường THPT Chuyên Hùng Vương, một cháu học lớp 4, đều nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Có lẽ bởi thành tích nuôi dạy con như thế, cộng với sự hăng hái, nhiệt tình mà suốt 17 năm qua, anh Đoàn Thâm được bà con tín nhiệm bầu vào Hội khuyến học của xã. Trên cương vị ấy, anh Thâm hiểu rất rõ về việc học hành của con em người Quảng ở Nam Yang. Anh không giấu được vẻ tự hào: “Những năm trước đây, Hội khuyến học còn phát thưởng cho các cháu học sinh tiên tiến trong xã. Nhưng bây giờ, nếu phát thưởng như thế thì dù chỉ mỗi cháu vài cuốn vở cũng khá bộn tiền vì số lượng quá nhiều. Do vậy, chúng tôi dành sự khuyến khích cao hơn cho con cháu học giỏi”.

Chia tay Nam Yang, đi trên con đường hai bên vàng hoa dã quỳ, nhìn những khuôn mặt người dân xứ Quảng tươi vui sau một ngày thu hoạch cà phê về nhà, trong lòng chúng tôi dâng lên cảm giác vừa ấm áp, vừa tự hào. Lời hẹn tết này cùng về quê chạp mả ông bà với anh chị và mấy đứa nhỏ đồng hương khiến tôi nôn nao lạ. Giữa đất trời Tây Nguyên mà sao nghe thân thương vô cùng hai tiếng Quảng Nam!

Bình Chi

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Xã Quảng" trên cao nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO