Bức xúc trước việc hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ người có công của mình không được UBND xã xác nhận, bà Võ Thị Phận (Tam Mỹ Tây, Núi Thành) có đơn gửi đến Báo Quảng Nam nhờ can thiệp.
Bà Võ Thị Phận kể lại sự việc với người viết. |
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ như chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, mua bảo hiểm y tế cho con liệt sĩ, chế độ trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Qua tìm hiểu Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09.4.2013 của Chính phủ và Thông tư số 5 (Mục số 9, Điều 33) ngày 15.5.2013 của Bộ LĐ-TB&XH, hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, bà Võ Thị Phận trú tại thôn Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) xét thấy mình có đầy đủ tiêu chuẩn để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Tháng 11.2013, bà Phận đã lập thủ tục đề nghị hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày theo quy định nói trên và gửi cho UBND xã. Theo đó UBND xã Tam Mỹ Tây chỉ xác nhận bà Phận hiện cư trú tại địa phương theo biểu mẫu quy định là đủ. Thế nhưng, sau một thời gian lưu giữ hồ sơ của bà Phận, ông Trần Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã lại xác nhận vào đơn của bà Phận (ngày 2.12.2013) với nội dung: Bà Phận đã được 9 lần (2 lần xã Tam Mỹ cũ và 7 lần xã Tam Mỹ Tây) xét duyệt thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ để khen thưởng không được. Sau đó bà Phận có ý kiến thì ông Vũ đã lưu giữ hồ sơ thêm một thời gian nữa để “nghiên cứu”... Mới đây bà Phận liên hệ xã Tam Mỹ Tây để hỏi về hồ sơ tù đày của mình thì được UBND xã Tam Mỹ Tây gửi thông báo về việc trả lời đơn đề nghị hưởng chế độ chính sách của bà Phận do ông Nguyễn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã ký ngày 15.4.2014, cũng với nội dung là Hội đồng xét duyệt chính sách xã Tam Mỹ trước đây - nay là Tam Mỹ Tây đã 9 lần họp xét nhưng đều không thống nhất đề nghị khen thưởng cho bà Phận (lần 1 vào ngày 10.3.2000, lần 9 vào tháng 8.2006).
Bà Võ Thị Phận, sinh năm 1936, là người hoạt động kháng chiến tại xã Tam Mỹ Tây trong thời kỳ chống Mỹ, hiện hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hằng tháng tại địa phương, Trong thời gian hoạt động cách mạng bà bị địch bắt tù đày tại nhà lao Quảng Tín sau Tết Mậu Thân, từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 2 năm 1971 (2 năm 9 tháng). Trong thời gian ở tù, bà là một trong những phụ nữ trung kiên, một lòng một dạ với cách mạng, không hề khai báo điều gì có hại cho cách mạng, mặc dù địch dùng mọi nhục hình, tra tấn dã man. Hồ sơ lưu trữ của Công an Quảng Nam cho thấy chưa có cơ sở gì chứng minh bà Phận đã nhận việc cho địch, và theo kết luận của địch (như hồ sơ lưu của công an) thì bà Phận là thành phần “ngoan cố”. |
Trong khi đó, căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành về chính sách ưu đãi đối với người có công, bà Võ Thị Phận đã đáp ứng các thủ tục về hành chính theo quy định của Thông tư 05, trong đó có một điều kiện tiên quyết đảm bảo là hồ sơ bảo hiểm xã hội hiện đang lưu giữ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam, bà Phận đã khai rõ thời gian ở tù, nơi bị tù và bà đã sao lục đính kèm. Hồ sơ này đã được xác lập vào năm 1981. Đây là điều kiện cần và đủ về thủ tục và cũng là căn cứ pháp lý để bà Phận được hưởng chế độ tù đày theo quy định. Không hiểu vì lẽ gì mà lãnh đạo xã Tam Mỹ Tây đều phớt lờ và trả lại đơn đề nghị hưởng chế độ cho bà Phận với lý do không chính đáng.
Cũng xin nói thêm, theo những biên bản của cuộc họp xét duyệt khen thưởng thành tích kháng chiến đã kết luận bà Phận “bắt cá hai tay” làm phương hại đến cách mạng tại địa phương. Về việc này ông Đỗ Viết Can (Đỗ Thế Vĩnh) - Phó ban Binh vận tỉnh Quảng Nam, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam đã có xác nhận bà Phận là “cán bộ mật giao” hoạt động đơn tuyến của Ban, hoạt động trà trộn trong vùng địch cho nên dẫn đến sự hiểu lầm của một số cán bộ và nhân dân tại địa phương. Một lý do nữa hội đồng đưa ra là bà Phận bị cách mạng bắt về trại giam an ninh huyện Nam Tam Kỳ thời chống Mỹ. Sự việc này đã rõ không phải ai bị bắt giam cũng có tội, về lý do này ông Lê Tư Đặng - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng An ninh huyện Nam Tam Kỳ cũ (nay là Núi Thành) là người ra lệnh bắt và trực tiếp hỏi cung nhưng không đủ cơ sở kết tội bà Phận. Ông Đặng còn cho biết, để sửa sai việc này, ông đã chuyển bà Phận sang công tác ở Ban Lương thực huyện. Bà Phận công tác ở Ban Lương thực cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng và nghỉ hưởng chế độ mất sức vào năm 1981... Chính vì vậy những biên bản của cuộc họp xét duyệt khen thưởng thành tích kháng chiến không phải là căn cứ và cũng không phải là yêu cầu về thủ tục hành chính để giải quyết chế độ tù đày cho bà Phận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi và căn cứ trên hồ sơ, bà Võ Thị Phận hoàn toàn có đủ điều kiện được hưởng chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng và Nghị định số 31/2013/NĐCP ngày 9.4.2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. UBND xã Tam Mỹ Tây phải xem xét thấu đáo, tránh làm trái quy định và bỏ sót người có công không được thụ hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành cũng cần vào cuộc xem xét, thẩm tra lại trường hợp này. Hiện bà Phận đã tuổi gần 80, sức khỏe kém lại đang mang bệnh tim mạch, huyết áp cao... Liệu bà Phận có đủ thời gian chờ đợi được sự quan tâm của các cấp xem xét giải quyết chế độ đãi ngộ của Nhà nước?
PHAN QUANG MƯỜI