“Xã trắng”, khái niệm khi đề cập Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là những xã chưa đạt bất cứ tiêu chí nào sau 2 năm triển khai (2011-2012) ở Quảng Nam. Đây là chữ dùng được tìm thấy trong báo cáo chính thức của UBND tỉnh, xem như một cách nhìn thẳng vào thực tế của chương trình lớn, để từ đó có hướng tiếp cận hiệu quả hơn.
Không khỏi lo lắng khi tiếp cận số liệu tổng hợp từ chương trình, cho thấy “diện mạo” nông thôn mới ở 208 xã (thuộc nhóm đánh giá) hiện chưa thật đồng bộ. Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm số xã đạt 14 -18 tiêu chí mới có tỷ lệ 2% (tức 4 xã); các nhóm đạt 9 - 13 tiêu chí, 5 - 8 tiêu chí lần lượt có tỷ lệ 11 và 29%. Đạt dưới 5 tiêu chí đang chiếm tới 58%, tức 120 xã. Ngay như Tam Phước, xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của Trung ương ở huyện Phú Ninh, dù nằm trong nhóm 2% (đạt 14 - 18 tiêu chí), nhưng phân tích kỹ hơn cho thấy địa phương này vừa tự tụt hạng: năm 2012 giảm 2 tiêu chí so với cuối năm 2011 (gồm tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội), chỉ đạt 16/19 tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới.
Số liệu được liệt kê hàng loạt thoạt xem rất “khô khan”, nhưng đấy là những con số biết nói. Ở từng nhóm tiêu chí, chúng ta có thể hình dung ra những chuyển động từ phía cơ sở, chậm hoặc nhanh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau để lý giải cho sự chuyển động ấy, song sẽ rất đáng lo ngại trước khái niệm “xã trắng”, với 28 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí nào, chiếm 1/10 số xã. “Còn rất khiêm tốn”, UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận như vậy khi đánh giá về kết quả này.
“Rất khiêm tốn”, bởi con số bình quân tiêu chí đạt chuẩn rất thấp, nhưng còn bởi sự thay đổi thực tế - nếu có - ở địa bàn đang xây dựng nông thôn mới. Làm sao trở thành xã nông thôn mới đúng nghĩa, khi tình trạng vệ sinh môi trường nông thôn nhiều nơi còn ô nhiễm, cải tạo vườn tạp và chỉnh trang vườn nhà còn hạn chế, một số tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra..., theo đánh giá của UBND tỉnh. Nếu đối chiếu bộ tiêu chí, có thể “khép” những điểm trừ này thuộc về tiêu chí số 15 (y tế), 16 (văn hóa), 17 (môi trường) và 19 (an ninh trật tự)...
Thử hình dung, với tất cả 19 tiêu chí chưa đạt, thì rõ ràng khái niệm “xã trắng” thật khó chấp nhận trong tương lai gần. Nhưng 1/10 “xã trắng”, dù sao, vẫn là thiểu số. Và vẫn còn đó những điểm sáng ở khu vực nông thôn xứ Quảng nói chung, ở 208 xã xây dựng nông thôn mới nói riêng. Con số 160 mô hình phát triển sản xuất, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã, đang triển khai cho hiệu quả bước đầu tại các xã nông thôn mới là sự khích lệ lớn. Có ít nhất 19 mô hình sản xuất trong số đó được “bình chọn” là mô hình tiêu biểu. Mà tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình cánh đồng mẫu lớn đang tạo hiệu ứng kinh tế đặc biệt tại 17 xã, cho thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha/năm, giảm 10% chi phí sản xuất...
Dù sao thì diện mạo nông thôn đang thay đổi, nhất là khi chủ trương chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới được Quảng Nam đặc biệt chú trọng, và UBND tỉnh cũng đã cụ thể hóa qua yêu cầu khuyến khích các dự án ngành dệt may, da giày, đan mây tre đầu tư vào khu vực nông thôn ngay trong tháng 3 này. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng có lẽ không nên “bám” quá nhiều số liệu (bao nhiêu tiêu chí đạt, bao nhiêu xã còn “trắng”…) mà nên đi sâu vào thực chất của sự chuyển đổi. Đây là lý do Quảng Nam đang cùng lúc cân nhắc về thông tin các xã khó đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, nhưng cũng tập trung rà soát đánh giá nội dung về “vai trò chủ thể của người dân được thể hiện cụ thể trong xây dựng xã nông thôn mới”.
Một khi người dân đã thực sự tham gia, thực sự thấy rõ vị trí của mình đang đứng ở đâu trong các cuộc chuyển động và thụ hưởng những gì…, khi đó khái niệm “xã trắng” có cơ sở được đổi màu.
KỲ SINH