Buổi sáng, từ trên cầu Cửa Đại nhìn xuống bến cá An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên), qua mấy lớp sương mù là quang cảnh ảm đạm; rồi phóng tầm mắt xuống bến Cửa Đại (TP.Hội An), không khí cũng chẳng mấy vui vẻ gì.
Bến cá An Lương vắng vẻ. Ảnh: XUÂN THỌ |
Tôi chạy xe máy xuống mấy chỗ đó, bắt gặp những mặt người hiện rõ âu lo, khi ngày tháng đang đi dần về cuối năm, mà cửa biển thì dù nhìn thấy đấy, nhưng thật ra lại quá xa xăm, không thể vượt qua.
1. Nói không quá, chớ cái thời tiết ẩm ương làm biển động đã biến bến Cửa Đại trở nên vắng tanh như chùa bà đanh! Mấy hàng quán nơi mép trái Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Cửa Đại, chẳng có ai bày biện bán buôn. Nhìn ra phía trước, chỉ thấy hàng dài tàu thuyền neo đậu. Từ đó, đưa cái nhìn về mạn phải, miết thẳng tới, thì bắt gặp vài ngư dân đang ngồi… rung đùi uống cà phê. “Kiểu ri thì rung đùi ngồi ngó ra thôi, cửa biển chưa thông mà, đi răng được” - anh Nguyễn Ngọc Mỹ (phường Cửa Đại, TP.Hội An) phân trần. Đâu chừng hơn 1 tháng trước, sau khi tôi theo các đoàn liên ngành của TP.Hội An đi khảo sát bồi lấp luồng biển, vừa bước xuống ca nô, đã bắt gặp anh Mỹ cùng một số ngư dân khác tụ tập hóng tình hình.
Bữa nay gặp lại, cũng là cái nhìn đầy đăm chiêu về cửa biển. Đời ngư dân, chỉ cần vài hôm không ra với biển, cơ chừng tay chân tù túng, là thấy trong người khó chịu. Vậy mà tính đến bây giờ, lèo qua 2 tháng trời, anh không thể ra khơi. Bên cái thăm thẳm nhớ biển, còn phải đèo thêm gánh nặng mưu sinh. Kể từ khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 và đợt mưa lũ đầu tháng 11 đến nay, chiếc tàu QNa-92440 với công suất 410CV của anh Mỹ chỉ biết nằm bờ trong cái thở dài thườn thượt cùng khuôn mặt u sầu của chủ. Cũng trong buổi sáng hôm ấy, tôi còn bắt gặp nhiều nếp buồn giăng đầy trong mớ lòng ngổn ngang của các cư dân miệt biển.
Hai tháng qua, ít nhất 3 lần các cơ quan chức năng đi khảo sát việc bồi lấp luồng cửa biển Cửa Đại. Họ còn cầu thị ở chỗ, mời các ngư dân có kinh nghiệm tham gia cùng. Để ưu tiên nạo vét luồng lạch cho tàu thuyền ra trước, chớ còn nạo từ trong ra ngoài để khơi thông cửa biển, thì phải vài tháng trời. Nếu làm kiểu “tuần tự nhi tiến” đó, nói như mấy lão ngư, thì chỉ có đường đói… meo mỏ! Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, chủ đầu tư dự án nạo vét luồng cửa biển Cửa Đại mới vừa tiến hành nạo vét sau một thời gian dài tạm dừng do thời tiết xấu. Trong bờ ngó ra, lòng ngư dân như được trút bớt gánh nặng. Trút không được bao nhiêu, thì bão Kai-tak hình thành, bị ảnh hưởng, việc nạo vét lại tiếp tục tạm dừng. Trong khi đó, năm 2017 đang đi vào những ngày cuối cùng!
2. Kể từ lúc cầu Cửa Đại được khánh thành và đưa vào sử dụng, có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi bắt gặp cảnh vắng vẻ nơi bến cá An Lương vào buổi sáng. Bà Nguyễn Thị Nhung, một người mua bán cá ở bến An Lương, thở dài: “Tàu lớn không đi biển được, thì cá mắm đâu mà bán. Nhìn tui nè, người khô rang!”. Nếu cửa biển không bị bồi lấp, tàu lớn đi biển bình thường, thì độ 6 giờ sáng, là những người như bà Nhung đã dầm trong nước để tranh mua cá từ những chuyến tàu về. Rồi bán cho những người mua đem đi nơi khác bán, đôi khi, cũng chính họ mang đi bán. Nhưng hôm nay thì khác, đã gần 9 giờ sáng, mà nhóm bảy, tám người như bà Nhung, ai nấy cũng khô ráo.
Liếc nhìn mấy chủ nậu thu mua cá để đông lạnh, cũng chẳng mấy vui vẻ gì. Từ trên tàu bán xăng dầu cho tàu cá, một chủ nậu nói vọng xuống: “Họ không đi biển được, mấy tháng nay xăng dầu cũng “đứng bánh”, còn nguyên mấy trăm khối”. Cửa biển Cửa Đại, như một mắt xích trong hệ thống vận hành nghề biển của hàng trăm tàu cá của ngư dân Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình. Từ đó, kéo theo nghiệp mưu sinh của hàng trăm con người “ăn theo” nghề biển, cũng bữa được bữa mất. Giờ cái mắt xích ấy nằm im, chính xác là nằm im vài tháng trời, đã tạo nên hiệu ứng domino chẳng thể lấy làm vui vẻ gì, nếu không muốn nói là quá buồn, cho những gia đình ngư dân ven biển.
“Răng không buồn được, 3 tháng rồi chứ ít gì” - ông Phạm Văn Hùng (thôn An Lương, xã Duy Hải), chủ tàu cá QNa-93579, nói. Ba tháng chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của ông nằm bờ, là ba tháng ông triền miên trong khó khăn. Tàu đóng mười mấy hai mươi tỷ, đi từ hồi đầu năm, được vài chuyến, kiếm mấy đồng, thì phải nằm bờ liên tục vì không thể ra khỏi cửa biển. Ruột gan ông như nằm trên lửa. Ông nuôi 10 lao động, nếu ra khơi, thì trả tiền lương mỗi người 10 triệu đồng; còn nằm bờ, thì trả họ 5 triệu đồng mỗi tháng. Mười người, ba tháng nằm bờ, vị chi là 150 triệu đồng. Rồi tiền nợ ngân hàng đang đến kỳ trả, khốn đốn trăm bề…
3. “Nên bây giờ, bọn tui chỉ mong sao Nhà nước, ngân hàng cho vay đóng tàu tạo điều kiện để chúng tôi được tạm hoãn đóng tiền trả theo kỳ hạn của quý này. Chứ nói thiệt, bây giờ đi vay mượn để đóng khoản kỳ hạn ấy khó lắm” - anh Đỗ Văn Thành (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên), chủ tàu 67 QNa-93454, nói như mếu. Tháng 5.2016, chiếc tàu 67 trị giá hơn 16 tỷ đồng, trong đó có 15,3 tỷ đồng vay ngân hàng của anh được hạ thủy và vươn ra các ngư trường. Sau 15 chuyến biển, anh chỉ mới trả được 500 triệu đồng. Cách đây 3 tháng, khi nhận thấy lưới rê xù không ăn thua, anh vay mượn 1,2 tỷ đồng để chuyển đổi sang lưới rê đất. Anh nói như giải thích: “Phải đổi thôi, vì 4 chuyến biển vừa rồi, chuyến nào cũng phải bù lỗ, may mà được nhận tiền hỗ trợ ngư dân, nên cũng đỡ phần nào”. Vậy mà chuyển đổi vừa xong, cửa biển bị bồi lấp, tàu anh phải nằm chết gí ở bờ.
Anh Thành và Hiên buồn rầu trên chiếc tàu 67 năm bờ gần 3 tháng trời do cửa biển bị bồi lấp. |
Ngồi bên cạnh, anh Phạm Hiên, chủ tàu 67 QNa-93789, cũng thở dài thườn thượt. Năm ngoái cửa biển cũng bị bồi lấp, may mà không kéo dài, nên còn ra khơi gỡ gạc được ít nhiều. “Chứ như năm ni, tình hình ri, thì chẳng biết đường nào mà lần cho ra khỏi cái khổ”. Anh Thành chêm vào: “Thật ra thì năm ngoái cố đi, phải nhờ các tàu khác kéo, mới ra khỏi được cửa biển, tốn kém lắm. Nếu cửa biển bình thường, thì chỉ hết 10 lít dầu để ra biển, còn bị bồi lấp, nếu ra được, cũng mất ít nhất 200 lít dầu”. Xã Duy Vinh có 4 tàu 67 và hiện đều nằm bờ. Ngay cả khi luồng cửa biển Cửa Đại được khơi thông, xác xuất để những chiếc tàu này ra khơi cũng chẳng mấy sáng sủa gì. Vì sau ngần ấy thời gian nằm bờ, những lao động đã rời đi, xin vào làm việc ở mấy công trình. “Họ làm ở đó, mỗi ngày cũng kiếm được 200 - 300 ngàn đồng, chứ ở không cho đói à? Nên mình không thể trách họ được, ai cũng phải lo đường để nuôi vợ con” - anh Thành cắt nghĩa.
Chẳng biết tự bao giờ, khó khăn chồng chất, trải đầy trước mặt ngư dân. An ủi họ mấy câu, kiểu mong cửa biển sớm thông luồng, để đi một chuyến về ăn tết. Ngờ đâu họ… cười trừ: “Tết nhứt chi, mong đi biển được, trả ít nợ là mừng. Mà nói đi cũng phải nói lại, là mong ngân hàng cho chúng tôi giãn quý nợ lần này, chớ không là… bạc mặt. Năm ngoái chúng tôi có làm đơn xin cứu xét, chẳng thấy tăm hơi gì, nên bây giờ, nói thật là cũng nản lắm. Chỉ còn cầu mong Nhà nước thấu hiểu, mà can thiệp được phần nào”. Tôi cảm nhận được niềm hy vọng mong manh mà họ đang cố níu giữ, trong ánh mắt xa xăm như muốn nhìn vượt ra khỏi cửa biển…
Phóng sự của XUÂN THỌ