Xác lập niềm tin kinh doanh

TÙY PHONG 11/11/2015 10:22

Nếu nhìn vào dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ địa bàn Quảng Nam chỉ hơn 5.430 tỷ đồng, chiếm 17,5%/tổng dư nợ thì sự kiện Vietcombank cung cấp gói tín dụng ngắn hạn lên đến 4.500 tỷ đồng cho Thaco đã khiến giới doanh nghiệp đặt ra nhiều câu hỏi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng giới ngân hàng chỉ có thể “mặn mà” với việc bơm vốn cho các doanh nghiệp lớn còn không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ phải “đốt đèn tìm vốn”, không dễ dàng tiếp cận vốn từ phía ngân hàng.

Câu chuyện sẽ không dừng ở đó nếu như hiểu được rằng để được sự tin tưởng từ ngân hàng hay chính quyền, Thaco đã cũng đã trải qua nhiều năm tháng gian nan. Chính ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng hai bên đã từng có những giai đoạn khó khăn nhất định. Thế nhưng, nỗ lực thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau từ hai phía trải nghiệm 10 năm liền đã giúp họ trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau. Đó chính là xác lập niềm tin, chữ tín trong kinh doanh. Nói một cách dễ hiểu hơn là nếu không có động lực kinh doanh của doanh nghiệp hay thiếu sự đánh giá, tin tưởng vào hiệu quả của các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ phía ngân hàng thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng sẽ khó khăn tiếp cận vốn từ phía các ngân hàng.

Câu chuyện này đặt ra để rộng đường dư luận rằng việc tiếp cận vốn ngân hàng dễ hay khó đều nằm ở chính bản thân doanh nghiệp chứ không phải từ phía ngân hàng. Suy cho cùng, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Nếu có niềm tin thì ngân hàng sẵn sàng cho vay (kể cả tín chấp). Vì vậy, chắc chắn không một ngân hàng nào lại từ chối các doanh nghiệp có uy tín, có dự án hiệu quả, quản lý đồng vốn vay đúng mục đích xét trên chu trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Để ngân hàng mở hầu bao thì bản thân doanh nghiệp phải tăng cường sức đề kháng, khả năng chịu đựng, sự sáng tạo, cải tiến ứng phó với thị trường để tăng năng lực cạnh tranh như một kháng thể nội tại của doanh nghiệp. Trước áp lực này cần một góc nhìn sâu hơn về số phận của doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp quản lý theo kiểu gia đình, thiếu quản trị doanh nghiệp hiện đại, chưa biết xây dựng các phương án kinh doanh mang tính thuyết phục và hiếm có dự án lớn… Tất cả lý do đó là một trong những rào cản tiếp cận vốn ngân hàng.

Tại sao không thể đặt câu hỏi là vốn vay chỉ là một trong những “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” chính là doanh nghiệp phải tự kiểm tra, đánh giá, tìm câu trả lời cho bộ máy, nhân lực, sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay cần cải tiến sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn chủ yếu là do không thể đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp… Vì vậy, giới ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải biết nắm cơ hội, xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt, phù hợp với khả năng của từng doanh nghiệp. Dòng vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc rất lớn vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo được niềm tin với ngân hàng thì sẽ không khó để với tay đến những gói tín dụng giá rẻ!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xác lập niềm tin kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO