Từ chỗ chỉ vài khách sạn ven biển, đến nay thương hiệu du lịch Điện Bàn đã hiện hữu khá nhiều trên các phương tiện truyền thông với những cái tên quen thuộc như Triêm Tây, Vinahouse…, mở ra hướng mới trong chiến lược phát triển du lịch địa phương.
Không gian nhà cổ Vinahouse trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách. Ảnh: V.LỘC |
Những điểm tham quan mới
Khoảng 5 năm về trước, cái tên Triêm Tây (Điện Phương) dường như vẫn khá xa lạ với nhiều người. Nếu ai đó biết đến Triêm Tây cũng chỉ gắn với những câu chuyện thiên tai, sạt lở của làng, còn du lịch vẫn là khái niệm mơ hồ. Tháng 6.2014, thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là UNESCO và ILO, Điện Bàn bắt tay vào triển khai dự án du lịch cộng đồng Triêm Tây nhằm hướng đến cải thiện sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề. Trong hơn một năm với sự vào cuộc của các cấp ngành, nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn, xây dựng sản phẩm du lịch đã được phổ biến đến người dân. Cùng với đó, nghề dệt chiếu tưởng chừng mai một nay đang bắt đầu hồi sinh. Khát vọng đổi đời từ du lịch như chất xúc tác kết nối dân làng lại gần hơn để hướng đến mục tiêu chung: thay đổi cuộc sống khi làng làm du lịch. Ông Nguyễn Yên – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp làng Triêm Tây tâm sự: “Dù đến tháng 9 làng mới khai trương đón khách nhưng sự kỳ vọng của chúng tôi là rất lớn”.
Cách đó không xa, điểm du lịch Vinahouse Space (Điện Minh) với những căn nhà cổ độc đáo đã trở thành điểm tham quan thú vị của du khách khi đến Quảng Nam. Từ khi mở cửa đón khách (tháng 6.2013), nơi đây được xem là bảo tàng nhà cổ có một không hai ở miền Trung với hàng chục kiểu nhà có kiến trúc và niên đại đa dạng như nhà tam gian tứ hạ; nhà chờ thuyền; nhà tranh tre 1 gian 2 chái; khu nhà sàn Cơ Tu; nhà vọng nguyệt bát giác… Ngoài ra, còn có thể kể đến các điểm du lịch mới ở Điện Bàn như Bảo tàng Điện Bàn - nơi lưu giữ trên 500 bộ đèn cổ có niên đại vài trăm năm; hay Nhà lưu niệm mẹ Thứ; các bãi tắm Hà My, Thống Nhất, sông Cổ Cò (Điện Dương)… Trong vài năm gần đây, thương hiệu du lịch Điện Bàn đã bắt đầu được du khách và các doanh nghiệp lữ hành biết đến nhiều hơn, mở ra những hy vọng mới để du lịch Điện Bàn phát triển trong thời gian tới.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Theo ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng và du lịch ven biển đang trở thành hướng chủ đạo của thị xã. Trong đó, Điện Phương và Điện Dương là trọng điểm của các mô hình du lịch này do nằm gần Hội An, lại có lợi thế về sông nước, nhất là còn giữ được nhiều lợi thế về tự nhiên và nhân văn của một làng quê truyền thống để từ đó tạo sức bật lan tỏa đến các nơi khác trên địa bàn thị xã. |
Có thể khẳng định, với vị trí của mình, Điện Bàn không chỉ đóng vai trò kết nối 2 di sản là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An hay giữa Hội An và Đà Nẵng mà còn hưởng lợi của sự lan tỏa khách từ những trung tâm du lịch này. Thông qua những cách làm riêng, du lịch Điện Bàn đang dần xác lập một thương hiệu mới với những sản phẩm, loại hình cụ thể để hướng đến sự phát triển bền vững. Trong đó, du lịch sinh thái, cộng đồng đã trở thành chiến lược ưu tiên nhằm phát huy lợi thế của các giá trị tự nhiên và nhân văn. Ngoài dự án du lịch cộng đồng Triêm Tây, mô hình du lịch này cũng đang được nghiên cứu áp dụng tại các làng chài ven biển. Đặc biệt, một thế mạnh khác của Điện Bàn chính là biển. Thời gian qua bên cạnh những dự án lớn đã được đưa vào khai thác như The Nam Hai, Le Belhamy thì đã có hơn 10 dự án đang trong quá trình triển khai, tập trung chủ yếu dọc ven biển Điện Dương và ven sông Cổ Cò. Nổi bật là dự án Khu đô thị sinh thái ven sông vừa được UBND thị xã Điện Bàn thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Đất Xanh miền Trung nghiên cứu đầu tư xây dựng tại thôn 1, Điện Dương. Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư như Sun Phú Hải, Vinacapital, Nam Hai (mở rộng)…, hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du lịch dịch vụ cũng như giải quyết một lượng lớn lao động tại chỗ.
Thực tế, chỉ trong vòng 5 năm qua, tốc độ phát triển du lịch dịch vụ của thị xã tăng trưởng khá mạnh với tỷ lệ bình quân hàng năm trên 21%. Riêng năm 2015 tổng giá trị từ du lịch - dịch vụ ước đạt 2.750 tỷ đồng, tăng hơn 2,6 lần so với năm 2010. Du lịch - dịch vụ đã và đang trở thành hướng đi ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trên địa bàn. Tại một số nơi như Điện Dương, Điện Phương, tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ chiếm khá lớn trong cơ cấu ngành kinh tế. Ông Trần Minh Hoàng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Điện Dương xác nhận, du lịch có vai trò rất lớn với địa phương khi tạo ra thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, đồng thời góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp qua phi nông nghiệp trong thời gian nhanh nhất và sớm nhất. “Những năm qua, Điện Dương luôn xác định du lịch là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển. Vì vậy, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thị xã trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như hướng người dân tiếp cận với các loại hình du lịch để sau này có điều kiện phát triển ở địa phương” - ông Hoàng cho biết.
VĨNH LỘC