(QNO) - Hầu hết các tham luận, ý kiến đưa ra tại Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ” diễn ra cuối tuần qua ở Đại Lộc đều xác định, đồng chí có vai trò, công lao to lớn trên nhiều lĩnh vực. Báo Quảng Nam xin tóm lược một vài nội dung chính.
Chiến sĩ cộng sản kiên trung
Sinh ngày 9.8.1914 trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, Đại Lộc), tháng 9.1934, Huỳnh Ngọc Huệ rời quê hương thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (Thừa Thiên Huế). Học giỏi, lại có khả năng truyền thụ tốt nên đồng chí được giữ lại trường làm giáo viên.
Năm 1937, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), sinh hoạt tại chi bộ ghép giữa Trường Quốc học và Trường Kỹ nghệ thực hành Huế cùng với các đồng chí Trần Tống, Tố Hữu.
“Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tuy ngắn ngủi (35 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng), nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, phong trào cách mạng Liên khu 5 và Công đoàn Việt Nam nói chung. Điểm qua một vài hoạt động tiêu biểu ấy để chúng ta thấy rằng, cuộc đời và quá trình hoạt động của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ không dài, nhưng những cống hiến, hy sinh, đặc biệt là tinh thần, ý chí cách mạng kiên trung, bất khuất của người con xứ Quảng anh hùng đáng để cho hậu thế ngưỡng mộ, ngợi ca và tôn vinh”. (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng)
Trong chặng đường tham gia cách mạng, đồng chí luôn thể hiện được dũng khí của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất. Dù khó khăn, gian khổ bởi những thiếu thốn của cuộc kháng chiến, hay sự tra tấn dã man của nhà lao thực dân nhưng không làm suy giảm ý chí chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì hòa bình, độc lập tự do của đồng chí.
Chỉ trong gần 7 năm, Huỳnh Ngọc Huệ nhiều lần bị địch bắt, tù đày tại các nhà lao Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế), Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum), Hỏa Lò (Hà Nội), Con Gà (Đà Nẵng). Nhưng có đến 2 lần, đồng chí cùng đồng đội tổ chức vượt ngục thành công tại Đăk Glei (cùng Tố Hữu) và Đăk Tô (cùng Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh) để về xây dựng lại cơ sở cách mạng, nhất là vùng nông thôn, miền núi đang bị bể vỡ do kẻ thù khủng bố dã man.
Bị bắt rồi vượt ngục, vượt ngục rồi bị bắt, người chiến sĩ cộng sản này “được” bọn thực dân và tay sai dành cho sự “đối xử đặc biệt”. Đó là những đòn tra tấn vô cùng dã man, những bữa đói cơm, lạt muối… hòng đánh gục ý chí, lý tưởng cách mạng. Song bất cứ hoàn cảnh nào, tấm lòng của đồng chí còn được tôi luyện sáng ngời.
Nhiều lần hỏi cung Huỳnh Ngọc Huệ, bọn mật thám Pháp và cai ngục cũng chỉ nhận được câu trả lời đanh thép: “Tôi làm cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông có bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột, chứ chúng tôi không chống người Pháp nói chung”.
Nhà lãnh đạo tài năng
Cuối năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên dân chủ trong nhà trường, làm thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và Bí thư Chi bộ nhà trường. Có thời gian, được nhà trường cử đi dạy nghề ở Thanh Hóa, Huỳnh Ngọc Huệ đã tham gia diễn thuyết, tuyên truyền đòi dân sinh, dân chủ nên bị gọi về.
Với tố chất lãnh đạo, dù trong mọi hoàn cảnh, đồng chí không ngừng hoạt động, tổ chức xây dựng phong trào cách mạng, kể cả ở trong tù nhằm tập hợp, động viên anh em tù nhân giữ vững ý chí chiến đấu, kiên quyết đấu tranh với chế độ nhà tù hà khắc của kẻ thù. Lúc ở nhà lao Hỏa Lò, Huỳnh Ngọc Huệ còn dạy chữ cho số anh em trẻ, nhường một phần khẩu phần ăn của mình cho những người bị ốm đau, cảm hóa thường phạm để họ không ức hiếp lẫn nhau.
Tháng 5.1945, Huỳnh Ngọc Huệ được triệu tập tham dự hội nghị Tỉnh ủy tại bến đò Ông Đốc (xã Điện Hồng, Điện Bàn). Tại đây, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam và được cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận.
Trong 2 ngày 12 và 13.8.1945, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại thôn Khương Mỹ (nay là xã Tam Xuân 2, Núi Thành) để sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa theo hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh. Ngay chiều 13.8, nhận được tin tình báo Nhật đã đầu hàng đồng minh, Huỳnh Ngọc Huệ tức tốc từ Đà Nẵng vào báo tin cho hội nghị. Hội nghị Tỉnh ủy liền chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Là người chuyển tin đến hội nghị, chứng tỏ Huỳnh Ngọc Huệ là một người nhạy bén trước sự đổi thay của thời cuộc, biết chớp thời cơ để cùng tập thể Tỉnh ủy có quyết định hết sức quan trọng và đúng đắn. Từ ngày 18.8 - 26.8.1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo công cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam - Đà Nẵng đến thắng lợi hoàn toàn. Với cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ đã góp phần quan trọng trong tập hợp lực lượng, xây dựng kế hoạch đối phó với quân Nhật và lực lượng tay sai của chúng, nhận định và chớp thời cơ giành chính quyền.
Cống hiến hết mình
Từ công tác chỉ đạo phong trào cách mạng của Đà Nẵng cho thấy, Huỳnh Ngọc Huệ là một lãnh đạo có tầm nhìn. Ngay ngày toàn quốc kháng chiến, vũ khí đánh giặc là vấn đề nan giải của Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác. Nhiều ý kiến đề xuất tìm cách để mua sắm vũ khí để đánh Pháp. Riêng đồng chí thì đặt vấn đề sản xuất vũ khí ngay tại chỗ, với hy vọng sẽ giành độc lập tự do cho đất nước.
Đồng chí đã chỉ đạo nghiên cứu chế tạo thành công súng tiểu liên Xit-ten (Sten) kiểu Pháp tại xưởng cơ khí công chánh Đà Nẵng. Sau đó, xưởng sản xuất vũ khí tại nhà máy ươm tơ Giao Thủy (Đại Lộc), công binh xưởng Phan Đăng Lưu, công binh xưởng Cao Thắng, xưởng vũ khí dân quân Nho Bán… lần lượt ra đời nhằm đáp ứng vũ khí như súng tiểu liên, mìn, lựu đạn cho bộ đội, dân quân du kích, công an, tự vệ…
Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (ngày 6.1.1946), Huỳnh Ngọc Huệ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Sau này, đồng chí được giao đảm trách chức vụ Phó Bí thư Liên khu ủy 5, là người tham gia sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dù bất cứ cương vị nào, Huỳnh Ngọc Huệ cũng đem hết trí lực, tâm lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, cho giai cấp công nhân Việt Nam, cho hòa bình, độc lập tự do của đất nước.
Tháng 4.1949, trong lúc chuẩn bị ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đồng chí không may bị nhiễm trùng uốn ván và từ trần ngày 27.4.1949 tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) trong niềm tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ, công nhân và nhân dân Liên khu 5 nói riêng. Nhận được tin Huỳnh Ngọc Huệ từ trần, Hội nghị Trung ương tổ chức vào tháng 5.1949 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi thức mặc niệm.
- “Đó là một tấm gương sáng ngời về bản lĩnh chính trị, về đạo đức cách mạng cao cả, về trí tuệ, về phong cách làm việc… Nói về đồng chí, hầu hết bạn bè, đồng chí cùng một nhận định: “Ở anh cái đẹp hội tụ toàn diện. Nếu là học sinh thì đó là học sinh xuất sắc. Nếu là thầy giáo, đó là người thầy biết kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Nếu là người thợ, đó là người thợ vừa hồng vừa chuyên. Nếu là chiến sĩ, đó là một chiến sĩ kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ. Và nếu là người bạn, thì đó là một người bạn chân thành, nghĩa tình trọn vẹn…””. (Trích tham luận của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc)
- “Không chỉ là một cán bộ có tâm, Huỳnh Ngọc Huệ còn là tấm gương về tinh thần công tâm, chính trực, khiêm tốn và cầu tiến. Trước những cán bộ lãnh đạo giỏi, đồng chí luôn bày tỏ sự khâm phục, đánh giá cao, mong muốn được học hỏi từ những người giỏi hơn mình. Trước bạn bè, đồng chí, khi phải nói về bản thân, Huỳnh Ngọc Huệ luôn khiêm tốn cho rằng: “Mình chỉ là học trò của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh, mình chỉ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của Đảng giao mà thôi””. (Trích tham luận của TS. Trần Thị Mỹ Hường và TS. Nguyễn Thị Xuân - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)