Nhận thức đúng tầm quan trọng, đóng góp của hoạt động văn hóa và du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là nội dung bao quát trong dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Hội nghị trực tuyến về nội dung trên được Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 29.6 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, 63 địa phương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Nâng tầm vai trò phát triển văn hóa
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đây là quan điểm mở đầu của dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ VH-TT&DL soạn thảo - một sự nhìn nhận đúng mức cho đóng góp to lớn nhưng có phần lặng thầm của văn hóa trong chặng đường dài vừa qua.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khát vọng của chiến lược lần này là hình thành một chỉnh thể văn hóa từ trung ương đến địa phương, không bị chia thành những lát cắt ngang dọc tạo ra lực cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Nói như vậy không có nghĩa là cào bằng đời sống văn hóa dân cư mà tạo ra sự đặc sắc cho từng đối tượng. Tùy theo từng vùng, từng dân tộc để triển khai phù hợp, không chạy theo thành tích, không rập chung khuôn mẫu. Từng dự án phải cân nhắc kỹ càng tính khả thi dựa trên nguồn lực quốc gia, trong đó phát huy tối đa yếu tố sáng tạo, tiết kiệm để đầu tư ít, thu lại hiệu quả cao” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Coi trọng hơn nữa di sản, vùng sâu vùng xa, đối tượng dễ tổn thương cũng như phát huy sức mạnh nội sinh của công nghiệp văn hóa được đề cập rõ nét trong dự thảo. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, dự thảo cần chú trọng khắc phục tính hình thức trong việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tăng cường giám sát cơ sở kinh doanh văn hóa và dịch vụ văn hóa cũng như xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư trùng tu, tôn tạo đối với các di sản văn hóa thế giới.
Một điểm nhấn quan trọng trong dự thảo là việc Bộ VH-TT&DL phối hợp với UNESCO xây dựng chỉ số văn hóa gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Phạm Thị Thanh Hường (đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho hay, UNESCO xếp Việt Nam vào nhóm khoảng 10 quốc gia tạo ra bài học toàn cầu về thành công trên lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nên rất quan tâm đến chiến lược quốc gia về văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Bộ chỉ số văn hóa nói trên bao gồm 22 chỉ số cơ bản với 4 nhóm trụ cột gồm kinh tế - xã hội - môi trường - giáo dục kỹ năng.
“Chỉ số đo lường về văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn dữ liệu, thiếu hụt bằng chứng định lượng của ngành văn hóa khiến ngành này dễ bị đặt ra bên lề trong các ưu tiên phát triển ở cấp quốc gia lẫn địa phương” - bà Hường chia sẻ.
Hướng đến du lịch chất lượng cao
Chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam đặt khát vọng rất cao với mục tiêu phấn đấu vào top 3 thị trường du lịch hàng đầu ASEAN vào năm 2025. Trong đó, tổng doanh thu của ngành đạt từ 70 đến 80 tỷ USD và giải quyết việc làm cho 5,5 đến 6 triệu lao động.
Du lịch cũng xác định hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn, khuyến khích phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, đóng góp lớn trong sự phát triển chung của xã hội. Từ đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được phê duyệt vào năm 2019, nhận thấy du lịch với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp, Bộ VH-TT&DL cũng đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện đẩy mạnh kinh tế chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, bộ đã xây dựng xong nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống du lịch trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ VH-TT&DL cũng đã hoàn thành đề án phát triển kinh tế đêm, trong đó chọn 14 địa phương thí điểm, sẽ trình Chính phủ phê duyệt triển khai trong thời gian sớm nhất.
Việc phát triển hạ tầng du lịch cũng là mối quan tâm lớn, tuy nhiên lần này sẽ không trông chờ vào ngân sách nhà nước mà mỗi địa phương, mỗi điểm đến cần làm tốt công tác quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Cái gì doanh nghiệp làm tốt thì để doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, kiến tạo.
Bài toán chất và lượng đã tồn tại lâu nay cũng được đề cập trong chiến lược phát triển du lịch hướng đến giai đoạn mới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, lần này ngành du lịch sẽ tính toán lại toàn bộ khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, vấn đề số hóa sẽ được quan tâm hàng đầu. Nước ta đã có chương trình OCOP phát triển khá thành công thì tại sao không đặt ra câu chuyện mỗi tỉnh thành cũng cần xây dựng cho được một sản phẩm du lịch đặc sắc tiêu biểu?
So chiếu với những định hướng nêu trên, du lịch Quảng Nam vài năm nay đã bước đầu chuyển dịch đúng hướng để bắt nhịp xu thế về du lịch xanh, bền vững.