Xâm lấn rừng dừa Bảy Mẫu

VĨNH LỘC 18/08/2016 09:20

Đổ đất, kè chắn, xâm lấn rừng dừa, xây dựng những khu du lịch bê tông cốt thép… là thực trạng đáng lo ngại hiện nay ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An).

Nhiều công trình kiên cố được xây dựng trong khu vực rừng dừa Cẩm Thanh.Ảnh: VĨNH LỘC
Nhiều công trình kiên cố được xây dựng trong khu vực rừng dừa Cẩm Thanh.Ảnh: VĨNH LỘC

Biến rừng dừa thành “vườn dừa”

Theo thống kê của xã Cẩm Thanh, tính đến năm 2011 diện tích rừng dừa Bảy Mẫu khoảng 84ha. Tuy nhiên, thực tế diện tích này đã ít hơn rất nhiều. Đáng nói là có trên 6ha đất rừng dừa đã được san lấp làm đường nối từ cầu Cửa Đại đến đường ven biển. Việc này không chỉ làm thu hẹp diện tích rừng dừa mà còn tác động đến cảnh quan xung quanh, gây chia cắt, cô lập rừng dừa thành các khu vực nhỏ. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận đây là việc làm cần thiết nhằm kết nối tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An vào các huyện phía nam của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, lo ngại nhất là tình trạng các hộ dân trong khu vực đã tự ý chuyển nhượng hồ tôm của mình cho nhiều cá nhân để xây dựng các khu du lịch trong rừng dừa, qua đó góp phần phá nát những vạt dừa hiếm hoi còn lại. Đáng nói là hầu hết khu du lịch này đều được bê tông cốt thép kiên cố, đi ngược lại với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường của TP.Hội An.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hiện nay tại khu vực rừng dừa Cẩm Thanh có hơn 20 trường hợp vi phạm nhưng chủ yếu ở mức độ nhỏ như kè chắn, lấn chiếm rừng, sông trái phép… nên thành phố chỉ nhắc nhở yêu cầu tháo dỡ. Riêng các hộ còn lại như ông Lê Hồng Hải, Lê Quân thành phố đã ra quyết định xử lý vi phạm và yêu cầu tháo dỡ do tự ý phá dừa, đào hồ làm du lịch trên đất nuôi tôm, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép…. Đến nay, dù đã quá thời hạn 10 ngày nhưng các hộ vẫn chưa tháo dỡ vì họ có đơn xin cứu xét nên thành phố phải xem xét lại theo quy định. Nếu sau khi rà soát, kiểm tra lại mà thấy không hợp lý thì thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế.

Điển hình, có thể kể đến những công trình của các ông Lê Hồng Hải, Lê Quân, Võ Thao, Đinh Thuận…, hầu hết đều được xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản và đất sông. Trong đó, khu du lịch của ông Lê Quân được đầu tư xây dựng quy mô và có diện tích khá rộng, bao gồm 16 công trình lớn nhỏ, được gia cố hoặc xây dựng kết cấu khung trụ, dầm bê tông cốt thép. Có thể nhận thấy, việc nhiều công trình bê tông cùng lúc mọc lên giữa rừng dừa khiến không gian rừng dừa vốn chật chội nay càng chật chội, ngột ngạt hơn. Không ít du khách đã ví von rừng dừa thành “vườn dừa” vì diện tích ngày càng thu hẹp. Đây cũng chính là hậu quả của sự phát triển du lịch nóng, vượt khỏi tầm kiểm soát của địa phương thời gian qua. Theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, hầu hết đất khu vực này là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên để tạo điều kiện cho dân phát triển kinh tế, xã đã tạm cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ nuôi tôm sang phát triển du lịch, dịch vụ nhưng do công tác kiểm tra, quản lý không chặt nên dẫn đến một số hộ dân đã tự ý chuyển từ xây dựng tạm sang kiên cố. “Những hộ này đã vi phạm quy định của địa phương cũng như thành phố, vì vậy phải tự giác tháo dỡ để trả lại nguyên trạng. Trường hợp không thực hiện, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định thủ tục hành chính” - ông Thanh cho biết.

Sẽ tháo dỡ công trình vi phạm

Liên tiếp trong 3 tháng 6, 7, 8.2016 TP.Hội An đã ra các quyết định về  xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm, xâm hại rừng dừa, đồng thời yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký quyết định, các đối tượng vi phạm phải tháo dỡ trả lại nguyên dạng các công trình như trước lúc xây dựng, nhưng đến nay hầu hết công trình này vẫn chưa có động thái đáng kể nào. Cụ thể, ngày 28.6, Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng ký Quyết định số 58 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với ông Đinh Thuận (tổ 4, thôn Cồn Nhàn, Cẩm Thanh) số tiền 4 triệu đồng. Ngày 14.7, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn thừa ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố ký Quyết định số 65 xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực đất đai đối với ông Võ Thao (tổ 4, thôn Thanh Tam Đông, Cẩm Thanh) số tiền 4 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ trong vòng 10 ngày. Đặc biệt, ngày 4.8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hội An tiếp tục ký Quyết định số 76 xử phạt công trình khu du lịch của ông Lê Quân số tiền 22,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời hạn thực hiện tháo dỡ, ngoài 2 công trình nhỏ của ông Đinh Thuận, Võ Thao cơ bản đã tự giác tháo dỡ, các công trình của ông Lê Quân vẫn “án binh bất động”, dù theo Quyết định 76 của Chủ tịch UBND TP.Hội An, đến nay thời gian tháo dỡ công trình của ông Lê Quân đã qua nhưng hiện trạng vẫn chưa có động tĩnh gì.

Không gian khu vực rừng dừa ngày càng bị thu hẹp.
Không gian khu vực rừng dừa ngày càng bị thu hẹp.

Theo lời nhiều hộ dân thôn Vạn Lăng (Cẩm Thanh), dù trên giấy tờ các cá nhân này đứng tên nhưng chủ nhân thật sự là ai vẫn là điều bí mật. Vấn đề đáng nói là việc xây dựng các công trình này diễn ra công khai hàng tháng trời với quy mô lớn, vài nghìn mét vuông nhưng chính quyền địa phương và thành phố vẫn không hề hay biết. Tại khu du lịch của ông Lê Quân, khi có quyết định xử phạt thì hầu hết hạng mục công trình đã hoàn thành gần 90%. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, những công trình xây dựng trong rừng dừa không được thành phố cấp phép, mà do các chủ công trình lén lút làm nên việc này có lỗi một phần của lãnh đạo xã Cẩm Thanh. Hiện tại, khu vực này có nhiều trường hợp vi phạm nên chắc chắn phải tháo dỡ vì đây là những công trình bằng bê tông cốt thép không phù hợp cảnh quan của làng dừa Bảy Mẫu. “Cần hiểu rõ là đây không phải đất xây dựng mà là đất của hồ nuôi tôm, trong khi theo quy định của pháp luật thì đất hồ tôm không được xây dựng kiên cố. Do đó, những công trình vi phạm này thành phố đã có quyết định xử phạt và buộc phải tháo dỡ vì làm biến dạng cảnh quan của rừng dừa Bảy Mẫu, quá thời gian quy định nếu các chủ công trình không thực hiện chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế. Tuy vậy, những công trình bằng tranh tre dừa phù hợp với cảnh quan có thể khai thác phục vụ du lịch mà không ảnh hưởng tới không gian chung của rừng dừa thì có thể cho tồn tại. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng này cũng có trách nhiềm của địa phương là không quản lý chặt chẽ và thành phố cũng đã kiểm điểm cụ thể với tập thể xã Cẩm Thanh” - ông Sơn nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xâm lấn rừng dừa Bảy Mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO