Xâm phạm hành lang an toàn đường bộ

CÔNG TÚ 15/01/2021 06:30

Lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ diễn biến ngày càng phức tạp, là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Lấn chiếm lòng đường QL14B, đoạn qua xã Đại Hồng (Đại Lộc) để họp chợ tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT. Ảnh: C.T
Lấn chiếm lòng đường QL14B, đoạn qua xã Đại Hồng (Đại Lộc) để họp chợ tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT. Ảnh: C.T

Vi phạm tràn lan

Những chuyến xe tải, ô tô khách đang lao vun vút trên quốc lộ (QL) 14B (Đại Lộc - Nam Giang) ngay lập tức phải hãm phanh, bấm còi inh ỏi để báo động, tránh va vào dòng người, xe cộ đang đứng, đậu đỗ tại chợ tự phát lấn ra lòng đường thuộc địa phận xã Đại Hồng (Đại Lộc). Dù các lực lượng chức năng vào cuộc đẩy đuổi, chính quyền địa phương vận động và cơ quan báo chí phản ánh, cảnh báo nhiều lần, người dân vẫn cố tình biến hành lang ATGT, kể cả lòng đường để họp chợ. Nếu chẳng may, phương tiện bị mất lái hoặc trục trặc kỹ thuật khi đang lưu thông qua đoạn này có thể gây tai nạn nghiêm trọng.

Công an tỉnh cho biết, trên địa bàn Quảng Nam có nhiều tuyến giao thông trọng điểm bị người dân lấn chiếm, tụ tập dưới lòng đường buôn bán gây mất ATGT và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Theo Chi cục Quản lý đường bộ III.1, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến người dân sinh sống dọc các tuyến QL và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vận động tháo dỡ hàng trăm biển quảng cáo, mái che, ô dù làm che khuất tầm nhìn và thu dọn vật liệu lấn chiếm lòng lề đường ảnh hưởng ATGT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh.

Cạnh đó, chi cục lập biên bản chuyển hồ sơ cho địa phương xử lý 61 vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Đến nay, địa phương ban hành quyết định xử lý được 2 vụ, còn lại 59 vụ chưa xử lý. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tổ chức 33 cuộc thanh tra độc lập để xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như san lấp mặt bằng, đấu nối trái phép. Đồng thời, lập biên bản xử phạt 33 trường hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 33 trường hợp với số tiền 207,5 triệu đồng; vận động 50 trường hợp thu dọn vật liệu, thiết bị để lấn chiếm lề đường.

Nhiều “điểm nghẽn”

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Ngọc Thanh chia sẻ, phạm vi đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và đất hành lang ATGT đường bộ tính từ mép ngoài cùng của nền đường bộ ra mỗi bên từ 5m đến 20m tùy theo cấp đường. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến, đoạn tuyến đường bộ, phạm vi đất này không có, có rất hẹp hoặc bị lấn chiếm sử dụng buôn bán, chứa vật liệu... gây cản trở tầm nhìn, làm tăng nguy cơ mất ATGT cũng như làm tăng mức độ nghiêm trọng khi có tai nạn xảy ra. Ngoài ra, đất hành lang khi bị lấn chiếm sẽ làm ứ đọng nước trên mặt đường, trực tiếp gây mất ATGT và làm hư hỏng kết cấu áo đường, hình thành “ổ gà” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trên thực tế, công tác bảo vệ, quản lý, xử lý tình trạng xâm phạm hành lang ATGT đường bộ còn đó những “điểm nghẽn”. Đơn cử, người dân sinh sống ven tuyến ý thức chưa cao về đảm bảo tầm nhìn, tầm quan trọng của hành lang an toàn đường bộ. Các chủ thể liên quan chưa quyết liệt đề xuất và chỉ đạo thẩm định ATGT. Với nguyên nhân khách quan, phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ phần lớn là đất thuộc sở hữu của người dân, chưa được giải tỏa cũng như bồi thường do hạn chế quyền sử dụng, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Chi cục Quản lý đường bộ III.1 phản ánh, nhiều vụ việc vi phạm sau khi chuyển cho địa phương không được xử lý hoặc chậm giải quyết dẫn đến tồn đọng kéo dài. Quy hoạch khu dân cư dọc hai bên QL nhưng không bố trí đường gom, hoặc có bố trí nhưng không làm đường gom, vì vậy người dân đổ đất lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trực tiếp ra QL như tại lý trình km971+800 phía trái QL1 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Mở đường nhánh đấu nối trái phép mà chủ đầu tư là chính quyền địa phương, điển hình như tại lý trình km48+750, bên trái tuyến QL14G (xã Sông Kôn, Đông Giang).

Chính vì vậy, các địa phương cùng cơ quan chuyên ngành, lực lượng chức năng phải nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm; tuyên truyền người dân nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo vệ hành lang ATGT. Cạnh đó, Nhà nước sớm bố trí kinh phí để bồi thường, giải tỏa phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ hiện là đất thuộc sở hữu của người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xâm phạm hành lang an toàn đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO