Xâm phạm hành lang đường bộ - Bài 1: Hệ lụy khôn lường

TRẦN CÔNG TÚ 22/10/2018 03:18

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (HTGTĐB) đang bị xâm phạm  để xây dựng nhà ở, công trình trái phép; lấn chiếm để buôn bán, đậu đỗ phương tiện; mở đường vào khai thác nguyên liệu, kết nối vào nhà máy không phép; gây hư hỏng, mất tác dụng công trình đường bộ... Đâu là nguyên nhân của câu chuyện nhức nhối trên? Làm thế nào để hóa giải thực trạng đã, đang kéo theo nhiều hệ lụy này?

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đấu nối kiên cố vào QL14B mà chưa có giấy phép.Ảnh: CÔNG TÚ
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đấu nối kiên cố vào QL14B mà chưa có giấy phép.Ảnh: CÔNG TÚ

BÀI 1: HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG

Xâm phạm kết cấu HTGTĐB đã ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn giao thông (ATGT), khiến cảnh quan nhếch nhác, giảm khả năng khai thác và làm “suy yếu” tuổi thọ công trình.

Đủ kiểu xâm phạm

Cảnh tượng chợ “chồm hổm” được thiết lập ngay trên mương thoát nước dọc, lấn ra lòng đường bộ không khó bắt gặp khi qua trục ngang quốc lộ (QL) 14G, 14B hay 40B. Nghiêm trọng hơn, người dân biến hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) thành nơi giao thương, nhức nhối nhất là chợ Bình Quý (Thăng Bình) trên tuyến QL14E, chợ Quế Trung (Nông Sơn) ven tuyến tỉnh lộ (ĐT) 611. Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT) - ông Trần Ngọc Thanh thông tin thêm, chạy giữa những cánh rừng trồng keo nguyên liệu, đất và HLATĐB thuộc các tuyến ĐT614, ĐT615, ĐT617 thường xuyên bị xâm phạm. Để đưa ô tô tải vào tận bên trong vận chuyển keo vừa khai thác, người dân không ngần ngại san ủi đất lấp rãnh thoát nước, “mở đường” đấu nối băng ngang HLATĐB. Ghi nhận thực tế trên ĐT617 qua Núi Thành mới đây, tại lý trình km21+600 thuộc địa bàn xã Tam Trà, vỏ cây, cành và lá keo sau khi tận thu đã bị vứt lại nằm ngổn ngang, lấp rãnh thoát nước dọc kéo dài khoảng 150m. Tình trạng vừa đề cập xuất hiện nhan nhản ven nhiều tuyến giao thông khác.      

Nhiều trường hợp chưa được xử lý

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An cho biết, năm 2017 có 95 vụ vi phạm HLATĐB trên các tuyến QL trung ương ủy thác tỉnh quản lý liên quan đến đào, khoan, tháo dỡ công trình đường bộ trái phép; xây dựng công trình, đấu nối trái phép; dựng lều quán, để vật liệu… Trong đó, số vụ đã được xử lý là 65, còn tồn tại 30 trường hợp chưa xử lý xong. Trong 9 tháng đầu năm 2018, vi phạm HLATĐB trên các tuyến QL này đã là 102 vụ. Đối với các tuyến ĐT, năm 2017 có 11 vụ vi phạm HLATĐB; riêng 8 tháng đầu năm nay là 41 trường hợp (cộng dồn các vụ chưa được xử lý từ trước).

Còn theo Thanh tra Sở GTVT, từ ngày 1.1.2017 đến ngày 5.6.2018, đơn vị đã tiếp nhận 49 báo cáo và tin báo với 86 trường hợp vi phạm HLATĐB trên các tuyến QL trung ương ủy thác. Qua đây, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với 24 trường hợp, 62 trường hợp không đủ cơ sở để xử lý vi phạm.

Tương tự, công trình phụ trợ phục vụ giao thông và đảm bảo ATGT cũng bị xâm hại. Điển hình, vào tháng 7 vừa qua, tại lý trình km33+600 (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) của QL14B, vì muốn san lấp mặt bằng mảnh đất hiện trạng đang nằm sâu so với mặt đường, một hộ dân đã tự ý tháo dỡ tường hộ lan mềm để xe tải đi vào. Một trường hợp khác, biển báo hạn chế tải trọng các loại xe qua cầu dầm bê tông cốt thép tại km2+873 và cầu bản bê tông cốt thép tại km4+355, tuyến ĐT617 thuộc xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) cũng bị đối tượng xấu cố tình tháo dỡ và làm hư hỏng nhiều lần.

Ngoại trừ QL14H (ĐT610 cũ), Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam được tỉnh giao quản lý, bảo trì 5 tuyến QL do Trung ương ủy thác là 14B, 24C, 14D, 14E và 40 (quản lý QL40B từ km1+770-km85+850) với chiều dài 303km. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đảm trách trông coi 18 tuyến ĐT khác dài 310km (trừ ĐT603B, ĐT606, cầu Cửa Đại). Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam cho rằng, kết cấu HTGTĐB thuộc trách nhiệm quản lý, bảo vệ của đơn vị dễ rơi vào nguy hiểm trước hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và cả bộ phận doanh nghiệp. Đất của nhiều cung đường thường xuyên bị lấn chiếm trái phép phục vụ mục đích kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, đám cưới, phơi rơm rạ, thóc, đặt bảng quảng cáo... Rất nhiều trường hợp tự ý đào, đắp, san lấp mặt bằng; trồng cây che khuất tầm nhìn.

Xây dựng tường rào, cổng ngõ, công trình kiên cố, công trình tạm thời trong phạm vi đất đường bộ và HLATĐB, đấu nối khi chưa được cấp phép đang tiếp diễn phức tạp. Thuộc xã Tam Dân (Phú Ninh), hộ Nguyễn Thị Di xây dựng móng bê tông cốt thép kiên cố (diện tích 6x6,5m) trong đất HLATĐB, lý trình km22+240 của QL40B. Đâu chỉ người dân, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng là đối tượng bị “tuýt còi”. Chẳng hạn, Công ty CP Đạt Phương chưa có giấy phép thi công đấu nối, nhưng đổ đất làm đường ra vào công trình ngay khúc cong nguy hiểm tại km1+800, tuyến ĐT609 qua Điện Bàn. Trên QL14B, Công ty CP Xăng dầu dầu khí PV Oil miền Trung xây dựng cây xăng dầu tại lý trình km56+200, thuộc thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng (Đại Lộc). Nhằm đấu nối cửa hàng vào đường, doanh nghiệp đổ bê tông xi măng kiên cố mà “quên” xin giấy phép.    

Thêm nhiều  nguy cơ

Theo các nhà chuyên môn, lấn chiếm, xây dựng công trình trong HLATĐB và đấu nối trái phép vào ĐT, QL đã và đang phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch dân cư đô thị. Nếu đúng quy hoạch, xây dựng một khu dân cư thì phải làm đường gom các tuyến giao thông nội bộ khu dân cư đó, rồi mới tiến hành đấu nối đường gom vào tuyến đường lớn. Được như vậy, người tham gia giao thông mới khỏi bất ngờ xuất hiện gây xung đột với phương tiện đang đi trên đường lớn. Thế nhưng, hiện trạng công trình nằm lỗ chỗ, đấu nối lung tung khiến cho việc làm đường gom chẳng còn mấy tác dụng. “Một số nơi tiến hành quy hoạch khu dân cư hay trường học cứ thích đấu nối trực tiếp ra đường chính. Họ tưởng như vậy là thuận lợi. Nhưng thật ra, dòng người và xe cộ tràn xuống đường lớn chính diện trong cùng một thời điểm sẽ gây xung đột lưu thông, không đảm bảo ATGT” - một cán bộ Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) giải thích.    

Chợ “chồm hổm” ven QL40B gây nguy cơ mất an toàn giao thông.Ảnh: C.T
Chợ “chồm hổm” ven QL40B gây nguy cơ mất an toàn giao thông.Ảnh: C.T

Vi phạm kết cấu HTGTĐB “bào mòn” tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu của các tuyến giao thông, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Minh chứng cho nhận định này, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông Trần Ngọc Thanh cho hay, khâu thoát nước đoạn đầu tuyến trên QL14E qua địa bàn các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Phục trước kia vẫn diễn ra bình thường. Sau này, nhà cửa, tường rào cổng ngõ hình thành cứ cao hơn nền đường và nằm sát lề đã “o ép” lòng đường võng xuống chứa nước mỗi khi mưa kéo dài. Thiết kế ban đầu cấp đường vốn thấp, xe quá tải trọng cho phép qua lại càng nhiều, nền lại thường xuyên ngập nước khiến công trình xuống cấp nhanh chóng. Mặt đường chi chít “ổ gà”, “ổ voi”, dù được bảo trì, sửa chữa thường xuyên, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Điệp khúc “nắng bụi mưa lầy” tiếp diễn khiến môi trường sống ô nhiễm, cảnh quan nhếch nhác, nguy cơ xảy ra tai nạn. Thừa nhận đường sá hư hỏng nặng một phần xuất phát từ ý thức kém của xóm giềng, bà Phạm Thị Cúc - trú tổ 1, thôn Hà Bình (xã Bình Minh) nói: “Đằng sau khu dân cư có mương to thoát nước mưa chảy ra biển. Thời gian qua, một số gia đình làm nhà lấn hành lang, lấp cả chỗ thoát nước ngang ra mương nên nước mưa mới ứ đọng sâu trên QL14E, nhiều lúc phải đi lại bằng xuồng”.  

Kết cấu HTGTĐB bị xâm phạm còn cản trở đáng kể tốc độ di chuyển của phương tiện cơ giới. Dễ nhận thấy nhất là hành vi trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong HLATĐB đã làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Họ sẽ không lường hết những nguy hiểm bất ngờ sẽ xảy ra trước mắt, do đó dễ dẫn đến va chạm giao thông. Trong khi đó, cố tình mở đường nhánh băng qua đất đường bộ và HLATĐB để vào khai thác keo và nguyên liệu khác gây hư hỏng lề, mương thoát nước. Nhiều chủ rừng phớt lờ khôi phục lại nguyên trạng, cho nên đường nhánh trở thành “mương dẫn nước” từ trên đồi cao xuống, kéo theo đất đá đổ ra lề, lòng đường gây xói lở, tạo vật cản đe dọa sự an toàn của người điều khiển phương tiện. Đất và HLATĐB bị xâm phạm còn để lại vô số rắc rối trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công nâng cấp, mở rộng công trình.

_______        
Bài 2: Khó xử lý dứt điểm

Nhiều trường hợp xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được phát hiện, nhưng không dễ xử lý rốt ráo.

TRẦN CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xâm phạm hành lang đường bộ - Bài 1: Hệ lụy khôn lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO