Trung ương đã ban hành quy định; cơ chế phối hợp xử lý xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (HTGTĐB) vừa được tỉnh thông qua. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả tình trạng xâm phạm hạ tầng giao thông thì các cấp có thẩm quyền cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
|
Người dân tháo tường hộ lan mềm để xe tải chở đất đi vào đắp nền ven QL14B.Ảnh: C.T |
Giải quyết bất cập
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) và đường sắt. Tháng 6.2014, Quyết định số 994/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 tiếp tục được ban hành. Vậy nhưng, “nút thắt” tài chính dành riêng khâu bồi thường, hỗ trợ nhằm giải tỏa đất, công trình, vật kiến trúc hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đơn vị đang nằm trong hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Hường Văn Minh cho rằng, khi quyết định mở rộng QL40B, trung ương cần đầu tư bài bản luôn một lần; triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng đồng bộ để dễ quản lý hiện trạng về sau. Cùng chung nguyện vọng, chính quyền huyện Đại Lộc và Thăng Bình kiến nghị cải tạo mở rộng tỉnh lộ (ĐT), quốc lộ (QL) thì xây dựng luôn hệ thống thoát nước vừa bảo vệ an toàn, vừa kéo dài tuổi thọ sử dụng công trình.
Hiến kế về xử lý xâm phạm kết cấu HTGTĐB, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) - ông Võ Quang Lâm khẳng định, xử phạt mà công trình vi phạm chưa được khắc phục thì vẫn chưa gọi là thành công. Xuất phát từ thực trạng, UBND cấp huyện tiếp nhận và xử lý hồ sơ vi phạm do Thanh tra Sở GTVT và những đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ liên quan chuyển đến. Quá trình xử lý mà đối tượng không chấp hành phải tiến hành biện pháp cưỡng chế, tạo hiệu ứng lan tỏa với những trường hợp tương tự. Theo ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức, đơn vị quản lý đường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã phát hiện sớm nhằm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, chứ xảy ra rồi mới giải quyết sẽ khó khăn.
Trao đổi về việc đấu nối dọc QL14B, Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đại Lộc - ông Huỳnh Tự Tuyên cho biết, ngành sẽ tham mưu UBND huyện kiến nghị tỉnh và trung ương có cơ chế hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng đường gom theo quy hoạch. Ngoài việc tháo gỡ khó khăn, hạ tầng đường gom sẽ giúp địa phương quản lý hiện trạng chắc chắn sẽ tốt hơn. Hiện nay, nhiều huyện, xã gặp phải việc đất người dân hiến làm đường, song phần ấy chưa cắt ra khỏi “sổ đỏ” và chỉnh lý ổn định. Cho nên, chủ hộ muốn cắt đất cho con thì gặp “điểm nghẽn” diện tích hiện trạng sai lệch. Muốn điều chỉnh, họ phải bỏ tiền ra thực hiện theo quy định là không ổn. Đối với Tiên Phước, Chủ tịch UBND huyện Hường Văn Minh cho biết đã chỉ đạo Phòng TN-MT thống kê toàn bộ trường hợp vướng mắc nêu trên và yêu cầu cấp xã lên phương án. Ngoài kinh phí hỗ trợ của huyện, địa phương này còn kiến nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Tiên Phước giảm giá dịch vụ để tạo điều kiện cho người dân điều chỉnh “sổ đỏ”.
Thực thi trách nhiệm
Ngày 29.5.2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1671/QĐ-UBND về ban hành “Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu HTGTĐB trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đây là cơ sở để hiện thực hóa chủ trương đảm bảo mọi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để. Muốn đưa công tác này đi vào nền nếp, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền theo chiều sâu. “Người dân vi phạm HLATĐB lần đầu thì nên nhắc nhở. Mình giải thích cho bà con hiểu làm như vậy là sai chỗ nào và sẽ để lại hậu quả ra sao. Được như thế, họ có bị xử phạt cũng tâm phục” - một nhà chuyên môn góp ý. Bày tỏ sự đồng tình, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông - ông Trần Ngọc Thanh cho biết thêm, đơn vị sẽ tham mưu lãnh đạo Sở GTVT phối hợp với từng huyện tổ chức phổ biến quy chế cho trưởng đầu ngành, chủ tịch UBND và cán bộ địa chính cấp xã; chỉ rõ trách nhiệm của ai, đến đâu. Đồng thời doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường khi thực thi công vụ cần tuyên truyền cho nhân dân nắm bắt các quy định của pháp luật, đặc biệt là Điều 261 của Bộ luật Hình sự 2015 về xử lý “Tội cản trở giao thông đường bộ”.
Xác lập trách nhiệm, ngành chức năng đề nghị cấp huyện và xã rà soát, tổng hợp lại những trường hợp nào vi phạm HLATĐB để từng bước tháo gỡ. Rà soát lại mốc lộ giới, thiếu thì nhanh chóng cắm bổ sung. Những vị trí “điểm đen” tai nạn phải khẩn trương đề xuất để xóa ngay. Nghiên cứu quy hoạch đấu nối giao thông phải thật sự khoa học, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Địa phương cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về hiệu quả của đường thông, hè thoáng. Nếu cứ lấn ra đường, công suất khai thác công trình sẽ giảm rõ rệt vì bị che khuất tầm nhìn, thiết kế vận tốc 60km/giờ cũng chỉ di chuyển được 40 - 50km/giờ. Đơn cử như đường Tam Kỳ - Tam Thành, quy mô 4 làn xe nhưng thực chất khai thác chỉ được trên dưới 2 làn bởi nhà cửa mọc san sát hai bên, lấn chiếm không gian cần thiết hướng di chuyển an toàn của người điều khiển phương tiện.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng Hiệp Đức cũng kiến nghị tỉnh cử lực lượng cùng phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành ra quân xử lý vi phạm HLATĐB thường xuyên, không theo đợt hoặc kiểu “phong trào”. Ông Huỳnh Tự Tuyên thì cho biết, Phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc sẽ đề xuất UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nghiên cứu quy chế phối hợp đã ban hành để phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, chủ trì phối hợp cùng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện lập biên bản, xử lý vi phạm. Lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cho hay, địa phương đã cảnh báo xã nào không bảo vệ được HLATĐB thì không được đầu tư tiếp. Ngoài ra, huyện phát động phong trào “Tình làng nghĩa xóm” để bà con xóm giềng cùng động viên nhau giữ gìn HLATĐB để đảm bảo giao thông thuận tiện, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Phối hợp xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu HTGTĐB, trên tuyến QL do Cục Quản lý đường bộ III quản lý, nếu vi phạm đất của đường bộ thì Chi cục Quản lý đường bộ III lập biên bản, Cục Quản lý đường bộ III ra quyết định xử lý vi phạm hành chính; vi phạm thuộc phạm vi HLATĐB do UBND cấp xã lập và quyết định xử lý vi phạm. Trên QL ủy thác và ĐT, nếu vi phạm đất của đường bộ thì Thanh tra Sở GTVT lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm; UBND cấp xã lập biên bản vi phạm và quyết định xử lý vi phạm HLATĐB. Đối với đường huyện (ĐH) và đường đô thị, UBND cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử lý vi phạm đất dành cho đường bộ. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết, kể từ ngày quy chế có hiệu lực thi hành (ngày 5.6.2018), các cơ quan quản lý đường bộ phải phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý đối với các công trình, nhà ở, vật kiến trúc xây dựng vi phạm đất của đường bộ, đất HLATĐB mà trước đây đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ hoặc đã bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa thực hiện tháo dỡ hoặc tái lấn chiếm. Đối với công trình, nhà ở đã tồn tại có sử dụng đất HLATĐB trước khi HLATĐB được công bố và cắm mốc, nếu xét thấy chưa ảnh hưởng đến ATGT, an toàn công trình đường bộ thì được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên trạng không được cơi nới, mở rộng. Người sử dụng đất phải ký cam kết với UBND cấp xã và đơn vị bảo trì đường bộ về việc không cơi nới, mở rộng, xây dựng mới công trình, nhà ở, vật kiến trúc. Trường hợp gây mất ATGT và ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, đề xuất thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền trên đất theo quy định. |
TRẦN CÔNG TÚ