(VHQN) - Tôi yêu những buổi đọc sách để truyền cảm hứng về việc đọc tới trẻ em, tới phụ huynh, một phần vì đã trót tự nhận nhiệm vụ này. Nhưng phần lớn hơn là bởi tôi đam mê những trò chơi gắn với đồng dao thời thơ bé nên muốn chúng tiếp tục có đời sống xanh non với trẻ em trong đời sống hiện tại...
Tuổi thơ trong trẻo
Tuổi thơ của tôi ở Thái Bình, gần sông Trà Lý, mãi sau này, khi đã lớn tôi mới biết đó là quê hương của Duyên Anh - một nhà văn thành danh với những tản văn, truyện ngắn mà ở đó, ấn tượng nhất là giọng văn thiết tha, da diết khi ông kể về những kỷ niệm ấu thơ ở miền Bắc như “Thằng Côn”, “Con Thúy”, “Hoa thiên lý”, “Con sáo của em tôi”…
Cũng như nhà văn Duyên Anh và các bạn đồng trang lứa thuộc thế hệ 7X trở về trước, tuổi thơ tôi thấm đẫm những bài đồng dao và các trò chơi dân gian nơi triền đê, hay trên những cánh đồng lúc mùa phơi ải hoặc một góc sân nhỏ ở nhà mình.
Tôi thuộc làu nhiều bài đồng dao và rành luật chơi nên thường tụ tập chúng bạn chơi hết trò này đến trò khác. Những bài đồng dao tôi thuộc qua truyền khẩu từ bà, từ chị gái mình và các anh chị hàng xóm. Lời đồng dao ngắn gọn, đơn giản chỉ ba, bốn hoặc năm chữ, vần điệu tiết tấu nhịp nhàng, kể những chuyện tưởng phi lý nhưng không hiểu sao lại hấp dẫn lạ kỳ.
Mơ về thuở ấu thơ, tôi nhớ nhất bài “Dung dăng dung dẻ”: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đi tới cổng trời/ Gặp cậu gặp mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Xì xà xì xụp/ Ngồi thụp xuống đây”, vậy mà chúng tôi cầm tay nhau đi hết từ ngõ nhà này qua ngõ nhà khác, ra đến tận bờ đê.
Cứ mải mê như thế, cầm tay nhau mà đi, vừa đi vừa hát vừa nghỉ và dừng lại để phạt đứa nào đó chậm chạp không kịp nghe theo lời hô “Xì xà xì xụp/ Ngồi thụp xuống đây”.
Đi mãi, chẳng hề mỏi chân và thường quên giờ về nhà nên nhiều khi bị cha mẹ cho ăn đòn. Chúng tôi cũng biết sợ bố mẹ phạt nhưng tuổi thơ chóng quên đòn roi nên các trò chơi vẫn tiếp tục vào hôm sau với các bài đồng dao. Để rồi bây giờ chúng tôi vẫn mơ về ấu thơ cùng những trò chơi tưởng chừng bất tận.
Nối dài những khúc đồng dao…
Khi gắn bó cuộc đời mình với Hội An, nhất là từ lúc sinh hai đứa con nhỏ và mỗi sáng Chủ nhật tổ chức buổi đọc sách ở nhóm Không gian đọc Hội An, bản năng làm mẹ, làm một người quản trò đã khiến tôi có một phản xạ tự nhiên hay cũng có thể, như quy luật xoay vòng tất yếu, tôi đem ký ức về trò chơi thuở ấu thơ của mình để thực hành cùng con, cùng nhóm trẻ.
Qua đồng dao, những mong tạo sự kết nối của từng đứa trẻ với nhau, từng đứa trẻ với thiên nhiên và với tôi - “cô Hoài”, một trong những người đang tự nhận về mình công việc truyền cảm hứng đọc sách.
Để thực hiện việc truyền cảm hứng đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, với mọi người, những buổi đọc to nghe chung với kỹ thuật nền tảng để ươm mầm việc đọc cho trẻ em dưới 12 tuổi hầu như được tôi thực hiện ở không gian mở.
Đó là một mái hiên rộng nơi tiền sảnh bảo tàng, một khoảng sân trời trong ngôi nhà cổ hoặc điểm dừng chân ở khoảng sân rộng nơi góc phố, phòng đọc sách trung tâm của thư viện công cộng… Mỗi buổi đọc được chia làm ba phần: khởi động trước khi đọc, cùng nhau đọc sách và trải nghiệm sau đọc sách.
Ở phần khởi động của mỗi buổi đọc, tùy vào lứa tuổi của các em mà chúng tôi cùng nhau chơi một trò hoặc nhiều trò, cùng chơi chung trong một vòng tròn hoặc có khi chia nhóm để chơi. Những phụ huynh đưa con dưới 4 tuổi đến tham gia sẽ được đề nghị chia thành một nhóm và chơi cùng con với những trò như kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống, chi chi chành chành...
Ở các trò chơi này, bố mẹ cùng con sẽ vừa chơi vừa hát những bài đồng dao tương ứng với trò chơi như “Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ” hay “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Tam vương ngũ đế/ Cấp kế đi tìm/ Con chim ập lại”.
Ở khoảng cách gần, khi tay chạm tay với người thân, vừa chơi vừa hát những bài đồng dao, trẻ em dễ dàng thuộc lời và bước đầu tập mở rộng khẩu hình để chuẩn bị cho những bài tập đọc sau này khi các em đi học.
Đối với những em lớn hơn, đã chạy nhảy vững vàng sẽ cùng chơi trò chơi tập thể ở mức độ khó hơn như mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, kết chùm, bịt mắt bắt dê…
Những trò chơi này có khi được gọi tên đúng như truyền thống, cũng có khi, để tạo hấp dẫn và tăng tính liên kết với cuốn sách sẽ đọc trong buổi đó, tôi đã cùng các em sáng tạo tên trò chơi theo lối hiện đại như “Thám tử trong vườn” (một dạng thức khác của trò chơi trốn tìm).
Đây là trò chơi tôi thường tổ chức ở khuôn viên trước sân thư viện, công viên… trước khi bắt đầu buổi đọc với những cuốn sách trong đó có nội dung về cây cối, thực vật như “Cây đã thấy những gì” (của Charlotte Guillain và Sam Usher) hay “Từ điển tranh về các loại cây” (Lê Quang Long)…