Một cái nhìn toàn diện về xu hướng và giải pháp cải thiện không gian sống trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh được đặt ra. Đích đến của phát triển đô thị, vẫn là nâng cao chất lượng sống của người dân.
Không gian sống thân thiện
Nhiều hơn những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu địa phương được thực hiện. Kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Anh - Giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng 10X10 cho biết, giải pháp thiết kế không gian kiến trúc nội thất trong nhà ống đô thị hiện nay đặt yếu tố công nghệ xanh và sử dụng vật liệu thân thiện lên hàng đầu.
Đây cũng là một trong các giải pháp được các chuyên gia nêu lên tại tọa đàm “Tìm kiếm giải pháp kiến trúc và nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị” vừa được Cộng đồng thiết kế nội thất trẻ Việt Nam phối hợp cùng báo chí và các trường đại học tổ chức.
Theo các chuyên gia, hiện nay mật độ xây dựng, tỷ lệ bê tông hóa đã dẫn đến những vấn đề của nhà ống tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đặc biệt, “biến số” đô thị hóa diễn ra nhanh và liên tục. Giá bất động sản tại các đô thị lớn ngày một tăng, gấp 24 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình Việt - thông tin từ khảo sát của một tổ chức bất động sản đầu năm này.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đề xuất 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị. Từ khảo sát và ứng dụng các xu hướng mới trong thiết kế nhà ở đô thị, sử dụng những công nghệ xanh đến các phương pháp xử lý chất thải và nước thải hiệu quả.
Quan điểm về thiết kế nhà ở với mục tiêu nâng cao chất lượng không gian sống đô thị cũng được đặt ra. Dự lường những tác động của khí hậu, hiện tượng đảo nhiệt đô thị và đảm bảo an toàn đối với phòng chống cháy nổ là những vấn đề mà nhà ống đô thị cần thiết phải đưa không gian xanh vào công trình một cách tận dụng tối đa bên cạnh không gian cần kết nối, liên thông.
KTS. Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam cho rằng, đây cũng là nền tảng để thể hiện và bảo tồn các giá trị văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng. Từ các chi tiết trang trí, lối kiến trúc đặc trưng cho đến việc sử dụng các vật liệu và công nghệ hiện đại mang đậm dấu ấn văn hóa, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh đa dạng và phong phú về mặt văn hóa trong không gian sống đô thị.
Kết nối đô thị và nông thôn
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang chờ ngày thông qua. Kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn, bên cạnh phát triển khu vực nông thôn, tăng cường liên kết với đô thị trong quy hoạch xây dựng được đặt ra.
Dự luật này bổ sung các quy định cụ thể, từ quy hoạch phân khu; quy định về điều chỉnh cục bộ áp dụng với cả khu vực nông thôn; quy định về nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định rõ việc sử dụng quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ cho công tác quy hoạch...
Tại Quảng Nam, các chuyên gia nhận định việc quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn đồng bằng ven biển vùng Đông theo các mô hình “Làng đô thị” để làm tiền đề cho đô thị hóa.
Vùng Đông Quảng Nam được xác định là khu vực động lực cho phát triển của toàn tỉnh. Quá trình đô thị hóa ở vùng Đông đang diễn ra trên toàn bộ chiều dài ven bờ biển của tỉnh. Do đó, quá trình mở rộng, phát triển của đô thị này lựa chọn những khu vực thuận lợi nhất để đầu tư phát triển, như những vùng đất trống hoặc có mật độ dân cư thấp, hay những khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trên bình diện cả tỉnh, theo Quy hoạch chung được thông qua, Quảng Nam sẽ phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Một sự gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị với thúc đẩy liên kết phát triển vùng để nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với gia tăng hiệu quả kinh tế đô thị cũng như nâng cao chất lượng sống của người dân là mục tiêu đặt ra.
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc, trở thành động lực và không gian phát triển mới.
Quy hoạch cũng xác định, đầu tư mở rộng đô thị tại các trung tâm hành chính cấp huyện, gắn kết với mạng lưới giao thông liên vùng, chú trọng chất lượng dịch vụ đô thị.
Người dân đang kỳ vọng về một hệ thống đô thị xanh, thông minh nhằm đáp ứng sự tăng trưởng đô thị nhanh chóng, hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy di sản, bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển đảo từ việc lựa chọn những giải pháp tối ưu. Có vậy, chất lượng sống của người dân mới được nâng lên.