Nét đẹp ngày tết trong văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu là việc biếu nhau những xâu thịt đầy nghĩa cử ân tình.
Phân chia thịt cho thành viên của làng trở thành văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu trong dịp tết hay lễ hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nét truyền thống
Văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu rất đa dạng, phong phú và mang ý nghĩa riêng biệt. Cuộc sống sinh tồn giữa rừng đã gắn kết những người con của núi từ bao đời, thể hiện tính cộng đồng làng rất cao. Ẩn chứa trong mỗi câu chuyện, mỗi hành động là những nghĩa tình sâu đậm, làm nên tính cách thật thà, chất phác của người miền núi. Tính cộng đồng làng, vì thế được hun đúc từ những tấm lòng nghĩa hiệp, từ nét văn hóa truyền thống lâu đời đầy tính nhân văn.
Theo già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, trước đây đồng bào Cơ Tu không ăn Tết Nguyên đán. Tết của đồng bào là những dịp ăn lúa mùa (ăn mừng lúa mới - PV) hay lễ hội buôn làng và thường kéo dài trong nhiều ngày liền. Sau ngày giải phóng, người Cơ Tu bắt đầu ăn tết theo đồng bào Kinh như hiện nay. Dịp tết, cùng với nhiều hoạt động diễn ra trong cộng đồng làng, dân cư và trong mỗi tộc họ, gia đình, đồng bào Cơ Tu thường quây quần bên nhau sum họp, cùng ăn tất niên chung. Tục “xông đất”, viếng thăm họ hàng, bạn bè thân thiết trong ngày đầu năm mới cũng dần được xuất hiện và duy trì, thể hiện tình nghĩa dân làng, thôn xóm. Dịp tết, được chung vui với đồng bào vùng cao mới thấy hết được tình cảm mà dân làng dành cho nhau thật đáng trân trọng. Ngoài tết chung, đồng bào còn giúp nhau bằng những xâu thịt heo, ký cá hoặc tạo điều kiện cho nhau cùng ăn tết bằng cách đứng ra mua heo, rồi cho dân làng (thường từ 2 đến 5 người) “ứng thịt”. Còn có rất nhiều cách mà đồng bào giúp đỡ nhau trong dịp tết, từ biếu nhau thịt khô, quà bánh kẹo tết, cho đến đòn bánh chưng, bánh tét, bánh sừng trâu…
Hằng năm vào dịp đón Tết Nguyên đán, dân làng Réh (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) thường tổ chức ngày “tất niên chung” của làng bằng lễ hội đâm trâu truyền thống. Không gian của một mùa lễ hội, vì thế thu hút rất đông đồng bào bản địa đến dự và chung vui. Hội làng đầm ấm cùng bữa tiệc chung được tổ chức ngay tại gươl làng, chào đón năm mới theo phong tục truyền thống. Lễ hội kết thúc, nhưng phía trong gươl làng, đồng bào vẫn tụ tập để đợi nhận những xâu thịt được làng phân chia theo từng gia đình để mang về nhà ăn tết. Không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, ai cũng đều được nhận phần thịt của mình. Đó là phong tục đẹp trong cộng đồng làng của đồng bào Cơ Tu, trở thành nét văn hóa truyền thống được gìn giữ. Ông Riah Nho, một người dân ở làng Réh cho biết, luôn có một đội phân chia thịt vào những dịp lễ tết, hội làng, cưới hỏi,… do dân làng đề cử. Họ luôn là những người nhiệt tình, xông xáo, công tâm trong mỗi công việc của dân làng. “Ai cũng có phần thịt mang về nhà chuẩn bị làm các món ăn ngày tết. Đây là nét đẹp trong văn hóa và phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu” - ông Nho chia sẻ.
Nghĩa cử đẹp
Làng Gố (xã Za Hung, huyện Đông Giang) nằm lọt thỏm dưới chân núi. Ngày tết, dân làng Gố cùng nhau chung vui tất niên chung rất đầm ấm. Ông Alăng Toàn - một người dân trong làng cho hay, hằng năm cứ đến tết đồng bào thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, chào đón năm mới. Truyền thống đón tết của đồng bào Cơ Tu thường có tết làng trước khi có tết tộc họ và gia đình. “Năm nay, được huyện cấp kinh phí hỗ trợ nên dân làng mua heo ăn tết. Sau bữa tiệc chung, dân làng còn phân chia những phần thịt theo từng gia đình, để ai cũng có phần riêng ăn tết” - ông Toàn cho biết thêm.
Những xâu thịt ngày tết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ngày tết, thường là thời điểm nhiều gia đình gặp khó khăn và rất thiếu thốn trong việc chuẩn bị tết. Do vậy, văn hóa chia/biếu thịt trở thành biểu tượng của tinh thần và nghĩa cử cao đẹp trong đời sống cộng đồng vùng cao, với mong muốn góp thêm cho nhau ngày xuân ý nghĩa. Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, từ xa xưa đồng bào Cơ Tu luôn giữ tục chia phần (người Cơ Tu gọi là phưa, ch’niêm hay tr’pêếh). Theo đó, việc phân chia phần thịt trong gia đình, cộng đồng làng luôn có quy tắc rạch ròi, bình đẳng, diễn ra tại gươl làng, do một tổ tự quản lý (gr’mrêy, ca’no). Tính nhân văn của văn hóa làng Cơ Tu còn thể hiện trong việc chia thịt cho... trẻ còn trong bụng mẹ. Đó là sự quan tâm của cộng đồng làng, dù chưa lọt lòng nhưng đứa bé trong bụng đã được xem như một thành viên của làng. Ngoài tục chia thịt, trước tết đồng bào Cơ Tu thường có tục tr’záo (thăm hỏi gia đình con gái, em gái). Truyền thống này được gìn giữ từ bao đời nay, trở thành nét văn hóa đẹp, tạo sự gắn bó thân thiết giữa người thân trong gia đình và cộng đồng, làng bản.
Tết đến, trên những con đường về làng, trên tay của đồng bào vùng cao thường có những xâu thịt heo mang về nhà. Giữa không khí mùa xuân, niềm vui ngày tết ngập tràn, lan tỏa theo nhịp bước chân.
ĐĂNG NGUYÊN