Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó nhấn mạnh quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế.
Bão số 4 tan, nhiều đồng đất trồng rau màu, cây ăn trái ở Quảng Nam xơ xác. Nhà nông tất bật dọn vườn tược để gầy dựng lại sinh kế chính. Điều mà rất nhiều nông dân gặp phải là thiếu hụt lao động.
Vườn chuối gần 1.000m2 của bà Mười (xã Đại Hòa, Đại Lộc) gãy đổ hoàn toàn nhưng với việc không thể tìm đâu ra công lao động giúp, bà nói, mình bà dọn dẹp cả tháng chưa xong.
Ông Kháng (xã Điện Hồng, Điện Bàn) nói quê ông, dân bỏ ruộng nhiều lắm, chừ ôm ruộng sống không nổi vì ra Đà Nẵng làm công nhật, mỗi tháng cũng được 3-4 triệu đồng, dư mua gạo ăn chứ bu đám ruộng thì không có tiền cho con ăn học.
Chưa có khảo sát, thống kê chính xác nào về diện tích ruộng bỏ hoang hay nông dân bỏ ruộng. Chỉ thấy thi thoảng, hằng năm tại các kỳ họp, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về danh mục (hoặc bổ sung danh mục) dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Tất nhiên, chưa thấy nghị quyết nào không đảm bảo quy định pháp luật. Từ căn cứ đề xuất việc chuyển mục đích sử dụng đất; nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đến căn cứ pháp lý của việc này.
Cùng với đó là sự phù hợp của việc sử dụng đất thực hiện dự án về vị trí, diện tích, loại đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; sự phù hợp của việc sử dụng đất thực hiện dự án với quy hoạch các ngành, lĩnh vực liên quan…
Làm đúng, nhưng đôi khi cũng cần xem xét và lật lại vấn đề. Nếu đã coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta, thì việc nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều và việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dự án, đất ở đô thị cần được soi kỹ lại. Mức giá bồi thường cho đất nông nghiệp quá thấp cũng cần được xem lại.
Một năm trước, khi nước ta trong những ngày đen tối vì dịch bệnh Covid-19, ai cũng thấy, nông thôn là chỗ quay về. Hàng triệu lao động mất việc từ công nghiệp và dịch vụ quay về lại nông thôn để có thể sống được, duy trì tồn tại. Trong bối cảnh những rủi ro tương tự, thì nông nghiệp luôn là chỗ dựa ổn định cho người dân.
Cũng tại Hội nghị Trung ương 5, Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới ra đời - như là một bổ trợ cần thiết cho Tam nông.
Từ nghị quyết đến triển khai trên thực tế, nếu khắc phục được khoảng trống và độ chênh, hẳn kinh tế tập thể trong giai đoạn mới sẽ có nhiều khởi sắc. Làm sao để có một hệ thống chính sách đột phá đủ sức khuyến khích nông dân tham gia xây dựng hợp tác xã (HTX) là điều cần thiết lúc này.
Tham khảo những HTX đang phát triển mạnh ở Quảng Nam, họ đều cho rằng, chính quyền phải tạo điều kiện để HTX phát triển vượt trội về quỹ đất xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, máy móc trang thiết bị. Những điều này, tiếp cận còn quá khó.
Về phần mình, khi các HTX đủ mạnh để thay thế các thương lái trung gian, giúp nông dân vận hành được chuỗi sản xuất - cung ứng từ vật tư đầu vào, nông sản đầu ra. Khi đó, việc tham gia các hoạt động bảo vệ sản xuất, đời sống và nâng cao phúc lợi cho nông dân được thực hiện tốt hơn. Và Liên hiệp HTX sẽ trở thành chỗ dựa chính cho nông dân trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, khi kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng, thì sản xuất lương thực luôn đảm bảo giữ lạm phát thấp, xuất khẩu nông nghiệp giúp cân bằng thương mại. Do đó, để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, hẳn phải cần nhiều hơn hành động, khởi đi từ văn bản của nghị quyết.