Xây dựng ASEAN thành tâm điểm của tăng trưởng

QUỐC HƯNG 05/09/2023 17:08

(QNO) - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Jakarta (Indonesia) được kỳ vọng sẽ có tác động sâu rộng đến hợp tác quốc tế và hội nhập khu vực.

 
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào sáng 5/9. Ảnh: Voi.id

Khởi động đàm phán Hiệp định kinh tế số ASEAN

Ngày 4/9/2023, Bộ trưởng Kinh tế 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu đàm phán về Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA). Đây cũng là hiệp định kinh tế số quy mô toàn khu vực đầu tiên trên thế giới.

Các chuyên gia kinh tế khu vực nhận định, DEFA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới liền mạch hơn.

Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, bên cạnh cải thiện quy tắc trong các lĩnh vực chính như tạo thuận lợi cho thương mại và thanh toán kỹ thuật số giữa các thành viên ASEAN trở nên nhanh hơn và thuận tiện hơn, DEFA nhằm giải quyết các xu hướng phát triển mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo nghiên cứu do nhóm tư vấn Boston thực hiện, thỏa thuận DEFA dự kiến sẽ tăng gấp đôi nền kinh tế số ASEAN từ 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Chuyển đổi năng lượng

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ASEAN nhưng cũng phụ thuộc vào than đá - thể hiện sự lãnh đạo và cam kết liên tục trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Dự kiến, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ nhấn mạnh đến chiến lược trung hòa khí thải CO2 của ASEAN như một chiến lược khu vực toàn diện về chuyển đổi năng lượng, bổ sung cho các sáng kiến quốc gia nhằm đáp ứng cam kết của từng thành viên theo Thỏa thuận Paris, hướng tới lượng phát thải ròng bằng 0.

Chiến lược khu vực dự kiến thúc đẩy các giải pháp dựa trên thị trường, bao gồm đầu tư vào công nghệ CO2 thấp và cơ sở hạ tầng bền vững.

 
Trang trại khai thác năng lượng mặt trời tại Singapore. Ảnh: AFP

Với việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) - một sáng kiến hứa hẹn tài trợ lần lượt 20 tỷ USD và 15,5 tỷ USD cho Indonesia và Việt Nam từ các chính phủ đối tác, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính và nhiều bên liên quan khác sẽ giúp thực hiện các nỗ lực khử CO2.

Các sáng kiến khác của khu vực tư nhân như Cơ sở năng lượng sạch Đông Nam Á do Clime Capital có trụ sở tại Singapore quản lý cam kết tài trợ đáng kể cho nhiều dự án năng lượng tái tạo khác nhau ở khu vực, bao gồm năng lượng gió ngoài khơi ở Philippines, năng lượng mặt trời nổi và lưu trữ ở Việt Nam, các chương trình xe điện (EV) ở Indonesia.

Xây dựng chuỗi cung ứng khu vực

Các cuộc thảo luận về việc củng cố chuỗi cung ứng khu vực sẽ diễn ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và kêu gọi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Với các đối tác đối thoại bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự, hội nghị sẽ mang đến cơ hội thể hiện vai trò trung tâm ngày càng tăng của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ví dụ, Nhật Bản đang chú ý đến khả năng thiết lập chuỗi cung ứng thay thế cho các khoáng sản quan trọng - như niken và coban mà Đông Nam Á là nhà sản xuất chính.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, diễn ra ngay sau cuộc họp cấp cao ASEAN, dự kiến sẽ làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận về kết nối chuỗi cung ứng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng ASEAN thành tâm điểm của tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO