Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa công bố lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư quy định chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non của Bộ GD-ĐT. Theo dự thảo, Hiệu trưởng trường mầm non sẽ phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn, với 15 tiêu chí.
Tiêu chuẩn 1 về phẩm chất nghề nghiệp, gồm các tiêu chí về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý nhà trường. Tiêu chuẩn 2 về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học, đòi hỏi hiệu trưởng có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non; sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiêu chuẩn 3 về năng lực quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường chuyên nghiệp và hiệu quả. Tiêu chuẩn 4 về năng lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ; hiệu trưởng phải tổ chức xây dựng môi trường giáo dục trẻ an toàn, vệ sinh, phòng chống bạo lực học đường; xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, thân thiện, dân chủ. Tiêu chuẩn 5 về năng lực phát triển quan hệ xã hội, yêu cầu hiệu trưởng có khả năng tổ chức các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển nhà trường và cộng đồng.
Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non được thực hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức phát triển năng lực: đạt, khá và tốt. Trường hợp có từ một tiêu chí trở lên được đánh giá không đạt thì hiệu trưởng sẽ không được xếp loại. Hàng năm, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện tự đánh giá vào thời điểm cuối năm học để xác định mức độ đạt được của chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện và nâng cao phẩm chất năng lực nghề nghiệp, quản lý nhà trường. Các cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó 3 năm một lần vào thời điểm cuối năm học. Nhà trường thành lập tổ công tác để tổ chức lấy ý kiến của tất cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường; ý kiến của ít nhất 5% cha mẹ trẻ và phỏng vấn đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội có liên quan để tổng hợp đánh giá.
Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non nhằm giúp hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non tự đánh giá, xây dựng kế hoạch phấn đấu, học tập, nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Xây dựng chuẩn cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghiên cứu xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường mầm non.
Dự thảo đã được Bộ GD-ĐT công bố công khai để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và xã hội đến ngày 28.5.
T.S