Xây dựng chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội: Chọn phương án phù hợp điều kiện

LÊ DIỄM 29/10/2018 07:28

Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Chọn phương án nào phải đi kèm với giải pháp thực hiện hiệu quả.

Việc tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người tham gia chế độ BHXH, BHTN trong thời gian tới sẽ được thực hiện mạnh hơn.
Việc tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người tham gia chế độ BHXH, BHTN trong thời gian tới sẽ được thực hiện mạnh hơn.

Tỷ lệ tham gia  chưa cao

Theo số liệu do Sở LĐ-TB&XH cung cấp, đến 30.6.2018, toàn tỉnh có khoảng 225 nghìn người làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trong đó có hơn 215 người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 1 tháng trở lên) và khoảng 188 nghìn người thuộc đối tượng tham gia BHTN (có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở lên). Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 172 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (tỷ lệ hơn 80%), hơn 154 nghìn người tham gia BHTN (tỷ lệ 81%). Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, giai đoạn 2013 - 2018 có hơn 54 nghìn người tham gia BHXH tăng thêm, bình quân mỗi năm có hơn 9 nghìn người tham gia; và hơn 54.900 người tham gia BHTN, bình quân mỗi năm có hơn 9 nghìn người tham gia. Số lượng người tham gia BHXH, BHTN tăng hàng năm đã thể hiện ý thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động và người sử dụng lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Hiện nay vẫn còn khoảng 43 nghìn người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia, và gần 34 nghìn người chưa tham gia BHTN; số người tham gia BHXH tự nguyện giảm hàng năm. Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, tình hình sử dụng lao động và việc làm thiếu ổn định, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Bên cạnh, có một số doanh nghiệp, kể cả người sử dụng lao động và người lao động chưa hiểu biết đầy đủ chính sách pháp luật về BHXH, thậm chí có doanh nghiệp còn tình trạng trốn tránh tham gia BHXH; các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không khai trình việc sử dụng lao động, không tham gia BHXH, dẫn đến tỷ lệ người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia mà chưa tham gia còn cao. Chính sách về BHXH, BHTN, BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút người lao động”.

Chỉ tiêu phải phù hợp điều kiện

Đối với việc xây dựng chỉ tiêu phát triển BHXH, BHTN giai đoạn 2019 - 2020, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) góp ý: “Hiện nay tình trạng nợ diễn ra khó thu hồi, chế tài không nghiêm nên chủ doanh nghiệp chây ì. Khi đặt ra chỉ tiêu phát triển thì phải đi kèm giải pháp thực hiện cho đạt chỉ tiêu. Vì thế cần phân tích cụ thể ở từng loại, nhóm đối tượng, bao nhiêu người thuộc nhóm đó đã tham gia, bao nhiêu chưa tham gia, có khả năng tham gia được hay không, từ đó mới xác định được con số cụ thể. Kèm với đó là trách nhiệm của tỉnh, của từng ngành, địa phương chứ không nói chung chung được. Dựa trên số liệu điều tra về cung cầu lao động chỉ là một cơ sở chứ không hoàn toàn căn cứ trên đó mà xây dựng chỉ tiêu, bởi con số họ báo cáo khác thực tế tuyển dụng, biến động thường xuyên. Chỉ tiêu của Trung ương đưa ra là phủ chung cho cả nước, riêng với tỉnh cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng chỉ tiêu phù hợp, có thể thực hiện được”.

Sở LĐ-TB&XH đã trình xin ý kiến các sở, ngành và UBND tỉnh đối với 2 phương án. Phương án 1, tăng từ 90 - 95% đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong tổng số người bắt buộc phải tham gia, tăng từ 30 - 50% đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2018. Phương án 2 tăng từ 85 - 90% đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong tổng số người bắt buộc phải tham gia, tăng 30 - 50% đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2018. Tại cuộc họp bàn về chỉ tiêu này do UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu các ngành xây dựng chỉ tiêu phải có cơ sở thực tiễn. Khi xác định đối tượng tham gia BHXH cần phải biết số người đó ở đâu, chứ không ước tính hay dự đoán, chỉ cho phép sai số 3% hay 5%. Cần xác định thực tiễn đã được bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, có phát triển được hay không. Khi xây dựng chỉ tiêu là đăng ký với Chính phủ, kèm giải pháp cụ thể để thực hiện, phân chia trách nhiệm từng ngành, địa phương cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh sau khi nghe ý kiến các ngành đã chọn phương án 2 vì phù hợp với điều kiện của tỉnh cũng như đời sống nhân dân hiện nay.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội: Chọn phương án phù hợp điều kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO